|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

'Nữ hoàng truyền thông' chia sẻ chiến lược quảng bá thông minh

14:09 | 07/08/2018
Chia sẻ
Nữ doanh nhân Phạm Kim Dung nhận định đánh du kích vào ngách nhỏ là chiến lược quảng bá thông minh dành cho công ty khởi nghiệp.
nu hoang truyen thong chia se chien luoc quang ba thong minh 8 thủ thuật cải thiện tư duy từ chuyên gia marketing hàng đầu thế giới

Phạm Kim Dung lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở xã Tân Qưới, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Cuộc sống gia đình là chuỗi ngày đầy nghèo khó. Nhìn cảnh ba mất đột ngột do không có tiền để điều trị tại bệnh viện, chị luôn nuôi dưỡng ước mơ đổi đời.

nu hoang truyen thong chia se chien luoc quang ba thong minh
Doanh nhân Phạm Kim Dung - người được mệnh danh "nữ hoàng truyền thông". Ảnh: Sen Vàng.

Khi vào đại học, Dung đi làm thêm từ năm thứ nhất với công việc nghiên cứu thị trường để có tiền học. Từ phỏng vấn viên, Dung dần thăng tiến lên nhiều vị trí trong 8 năm, trước khi chuyển sang công ty bất động sản Phú Mỹ Hưng.

Kẻ ngoại đạo bước vào thế giới truyền thông

13 năm làm thuê giúp Dung am hiểu thị trường, có kinh nghiệm marketing và các mối quan hệ. Chị quyết định thôi việc để thực hiện ước mơ kinh doanh. Công ty Sen Vàng chuyên tư vấn chiến lược truyền thông, sản xuất chương trình truyền hình, tổ chức sự kiện, ra đời.

Ban đầu, công ty vỏn vẹn bốn nhân viên. May mắn mỉm cười khi Dung đấu thầu thành công hợp đồng tổ chức cuộc thi Người đẹp Hoa Anh Đào. Sau đó, chị bén duyên với nhiều cuộc thi nhan sắc hoa hậu, hoa khôi, cùng nhiều sự kiện văn hóa giải trí và trò chơi truyền hình. Sen Vàng trở thành “đại gia” trong ngành truyền thông Việt Nam sau 7 năm hoạt động.

Từ một người “ngoại đạo” bước vào thị trường giải trí, Kim Dung đã trở thành “nữ hoàng truyền thông”. Ngoài Sen Vàng, chị còn đứng đầu nhiều doanh nghiệp, bao gồm Công ty PGM chuyên về nội dung trên mạng viễn thông, Công ty sản xuất phim Mai Vàng, Công ty Nắng Vàng quản lý, đào tại tài năng và Công ty Cổ phần Giải trí Sen Vàng chuyên đưa các nhan sắc Việt tham dự các cuộc thi quốc tế.

nu hoang truyen thong chia se chien luoc quang ba thong minh
Phạm Kim Dung bên cạnh Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh và Á hậu Ngô Thanh Thanh Tú. Ảnh: Sen Vàng.

Chiến lược truyền thông thông minh

Nữ doanh nhân Kim Dung từng chia sẻ trong chương trình Café Khởi nghiệp gần đây rằng, truyền thông luôn là yếu tố quan trọng với doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu truyền thông, người đứng đầu phải trả lời đủ bốn câu hỏi là: Sản phẩm đã thực sự chất lượng? Công ty đã có đủ kênh phân phối? Khách hàng tiềm năng là ai? Kết quả của chiến dịch truyền thông là gì?

Doanh nghiệp có thể quảng bá qua nhiều kênh như truyền hình, báo giấy, radio, digital (kỹ thuật số). Những công ty sở hữu nhiều sản phẩm, kênh phân phối nên đầu tư mạnh tay cho truyền thông. Ngược lại, startup nhỏ nên “đánh du kích” - chọn ngách nhỏ để tránh thất bại.

“Start-up chưa có doanh thu mà quảng cáo trên tivi vào giờ vàng thì hết tiền. Thay vào đó, họ nên lựa chọn mạng xã hội. Facebook sở hữu 64 triệu người dùng Việt Nam, là kênh tiếp cận khách hàng rất tốt”, Dung nói. Theo chị, người đứng đầu nên nghiên cứu những kênh truyền thông kỹ thuật số để tối ưu hóa chi phí doanh nghiệp. Thậm chí, họ có thể tự làm nếu biết sử dụng những công cụ tổng hợp, đánh giá mức độ tiếp cận khách hàng.

“Nội dung truyền thông là yếu tố quan trọng để khách hàng quyết định mua sản phẩm”, Dung nhấn mạnh.

Ngoài các kênh truyền thông hiện đại, doanh nghiệp lớn nhỏ đều có thể áp dụng marketing truyền miệng. Phương thức truyền thống này vẫn phát huy giá trị, đặc biệt đối với những công ty nhỏ. Bởi giá trị lời nói luôn mang sức lan tỏa nhanh và rộng.

nu hoang truyen thong chia se chien luoc quang ba thong minh
Kim Dung cho rằng marketing truyền miệng là một vũ khí hiệu quả đối với các doanh nghiệp nhỏ và mới.

Xử lý khủng hoảng truyền thông

Khủng hoảng truyền thông thường xảy ra ở doanh nghiệp lớn khi có quá nhiều vấn đề phát sinh. Với start-up chưa đạt doanh số, sản phẩm và khách hàng chưa nhiều, khủng hoảng truyền thông chính là khủng hoảng cả doanh nghiệp. Để đứng vững trên thị trường, công ty khởi nghiệp không nên để khủng hoảng xảy ra.

"Nếu phải đối mặt khủng hoảng, người lãnh đạo nên nhận lỗi, xin lỗi người tiêu dùng. Vì khách hàng sẽ dễ dàng tha thứ trước sự chân thành và cốt lõi sản phẩm thực sự tốt. Chủ doanh nghiệp nên học cách đối diện với khủng hoảng, hoặc thuê nhân sự chuyên trách công việc này", Dung nói.

Lời khuyên cho start-up truyền thông

Tổng kết năm 2017 cho thấy Việt Nam có hơn 126.000 doanh nghiệp ra đời, trong đó 60.000 công ty thất bại. Truyền thông là một yếu tố dẫn đến sự sụp đổ của nhiều start-up.

Chia sẻ nguyên nhân thất bại của hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp, Kim Dung nhận định, nguồn vốn dành cho marketing của startup không nhiều. Do đó, họ không hấp dẫn trước những doanh nghiệp làm truyền thông.

Video: Phạm Kim Dung trong chương trình Café Khởi nghiệp vào ngày 3/8.

“Sáng tạo những kênh hướng dẫn các start-up tự quảng bá hiệu quả là ngách thị trường truyền thông còn bỏ ngỏ”, Dung đưa ra lời khuyên cho bạn trẻ muốn kinh doanh truyền thông.

Dung nhấn mạnh truyền thông không đơn giản chỉ mua bán phương tiện quảng bá. Nó liên quan đến nội dung, kênh truyền thông. Muốn chinh phục lĩnh vực truyền thông, nhà sáng lập phải sẵn có tố chất để luôn tỉnh táo khi dùng yếu tố giải trí phục vụ kinh doanh.

Người làm truyền thông phải tỉ mỉ, nhanh nhạy tiếp cận các công nghệ, xu thế thị trường. Đặc biệt, họ nên chăm chỉ học hỏi từ chính nhân viên, khách hàng.

Xem thêm

Bùi Mến

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.