|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ông Biden muốn toàn dân Mỹ đeo khẩu trang trong 100 ngày

18:25 | 04/12/2020
Chia sẻ
Hôm 3/12, ông Joe Biden cho biết một trong các động thái đầu tiên của ông trên cương vi tổng thống Mỹ là yêu cầu người dân cam kết đeo khẩu trang 100 ngày nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan.
Ông Biden dự tính vận động toàn dân đeo khẩu trang 100 ngày  - Ảnh 1.

Tổng thống đắc cử Joe Biden tại sự kiện đề cử các quan chức vào nhóm kinh tế của chính quyền mới. (Ảnh: AP).

Kêu gọi toàn dân đeo khẩu trang 100 ngày

Chia sẻ với đài CNN, ông Biden cho biết ông sẽ đưa ra yêu cầu mới vào ngày nhậm chức 20/1/2021.

"Vào ngày đầu tiên nhậm chức, tôi sẽ yêu cầu công chúng đeo khẩu trang trong 100 ngày. Chỉ 100 ngày đeo khẩu trang thôi, không phải đeo mãi mãi. Tôi nghĩ chúng ta sẽ thấy số ca bệnh mới giảm đáng kể", ông Biden cho hay.

Hãng tin AP nhận xét, yêu cầu toàn dân đeo khẩu trang của ông Biden đánh dấu một bước chuyển lớn so với thái độ của đương kim Tổng thống Trump, người luôn hoài nghi rằng đeo khẩu trang là chính trị hóa đại dịch COVID-19.

Dưới ảnh hưởng của ông Trump, rất nhiều người dân Mỹ ngần ngại đeo khẩu trang dù nhiều chuyên gia y tế cộng đồng khẳng định khẩu trang là một trong các biện pháp dễ dàng nhất để kiểm soát đại dịch.

Đương kim Tổng thống Mỹ đã thay đổi thái độ với việc đeo khẩu trang trong vài tháng gần đây, song ông vẫn xuất hiện tại hàng loạt sự kiện tranh cử và họp báo Nhà Trắng mà không đeo khẩu trang.

Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ đang là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 14 triệu ca bệnh và hơn 276.000 trường hợp tử vong. Riêng trong ngày 2/12, Mỹ ghi nhận đến 2.804 ca tử vong do COVID-19, số liệu cao nhất từ đầu dịch đến nay.

Trái với ông Trump, Tổng thống đắc cử Joe Biden thường xuyên nhấn mạnh đeo khẩu trang là "minh chứng của lòng yêu nước" và trong suốt chặng đường tranh cử, ông còn đề xuất ý tưởng bắt buộc người dân toàn quốc đeo khẩu trang. Song về sau, ông Biden thừa nhận mục tiêu này là nằm ngoài khả năng thực thi của tổng thống Mỹ.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông Biden tiếp tục kêu gọi Quốc hội nên nhanh chóng thông qua một dự luật kích thích tài khóa bổ sung. Bản thân ông Biden rất ủng hộ đề xuất cứu trợ trị giá 908 tỉ USD mà các nhà lập pháp lưỡng đảng đề xuất hồi đầu tuần này.

"Nếu Quốc hội thông qua một gói cứu trợ bổ sung, đó là một khởi đầu tốt nhưng chưa đủ. Tôi cần phải tìm thêm sự trợ giúp", ông Biden nhấn mạnh.

Tổng thống đắc cử của Đảng Dân chủ cho biết nhóm chuyển tiếp của ông đang nghiên cứu xây dựng một gói cứu trợ COVID-19 mới. Các trợ lí của ông Biden cũng báo hiệu dự luật này sẽ là nỗ lực lập pháp đầu tiên của chính phủ mới.

Mời Tiến sĩ Anthony Fauci ở lại

Ông Biden còn cho biết ông đã yêu cầu Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, ở lại và tiếp tục "vai trò y hệt như ông từng đảm nhiệm trong nhiều nhiệm kì tổng thống trước".

Theo AP, ông Biden đã đề nghị Tiến sĩ Fauci trở thành "cố vấn y tế chính" cũng như tham gia tổ cố vấn COVID-19 của ông.

Liên quan đến vắc xin ngừa COVID-19, ông Biden miễn cưỡng công nhận những nỗ lực của chính quyền ông Trump trong việc xúc tiến phát triển vắc xin. Tổng thống đắc cử cũng cho rằng việc lập kế hoạch phân phối vắc xin hợp lí là "cực kì quan trọng".

"Phân phối vắc xin là một dự án thực sự khó khăn nhưng có thể làm được, chỉ cần chúng ta lên kế hoạch chu đáo", ông Biden nhấn mạnh.

Một trong các thách thức mà chính quyền ông Biden sẽ phải đối mặt khi phân phối vắc xin là khiến công chúng tin tưởng vào sản phẩm. Ông Biden cho biết bản thân "rất sẵn lòng" tiêm chủng công khai để xoa dịu bất kì lo ngại nào về tính hiệu quả và an toàn của vắc xin.

Ba cựu tổng thống Mỹ gồm ông Barack Obama, George W. Bush và Bill Clinton cũng cho hay họ sẽ tiêm vắc xin công khai để chứng tỏ vắc xin an toàn.

"Người dân đã mất niềm tin vào hiệu quả của vắc xin", ông Biden nói, song ông khẳng định "quan trọng là tổng thống và phó tổng thống sẽ làm gì".

Trong cuộc phỏng vấn cùng CNN, ông Biden cũng đề cập đến thông tin ông Trump đang xem xét tự ân xá cho bản thân và các đồng minh.

"Điều đó khiến tôi lo ngại, không rõ nếu ông Trump làm vậy sẽ tạo ra tiền lệ gì và phần còn lại của thế giới nhìn nhận chúng ta như thế nào khi Mỹ vốn là một đất nước của luật pháp và công lí", ông Biden nhận xét.

Ông Biden cam kết rằng Bộ Tư pháp của ông sẽ "hoạt động độc lập" và bất kì ai mà ông lựa chọn để lãnh đạo bộ này sẽ "được tự do quyết định nên điều tra cá nhân nào".

"Bạn sẽ không thấy chính quyền của chúng tôi áp dụng ân xá bừa bãi hay hoạch định chính sách bằng tweet", ông Biden kết luận.

Khả Nhân