|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Olympic 2021 đang biến thành thảm họa 20 tỷ USD của Nhật Bản?

09:43 | 22/07/2021
Chia sẻ
Nhật Bản từng kỳ vọng sẽ gặt hái được lợi nhuận kinh tế lớn và danh tiếng toàn cầu với việc đăng cai Thế vận hội. Nhưng giữa đại dịch thế kỷ, phần đông người dân chỉ muốn sự kiện này biến mất.
Olympic 2021 đang biến thành 'hố đen' 20 tỷ USD của Nhật Bản? - Ảnh 1.

Nhân viên mặc đồ bảo hộ trong buổi xét nghiệm trước Olympic Tokyo. (Ảnh: Reuters)

Tuần này, Toyota thông báo sẽ không chạy bất kỳ quảng cáo nào liên quan tới Olympic tại Nhật Bản. Thông điệp phát đi từ tập đoàn lớn nhất Nhật Bản có thể coi là minh chứng rõ ràng nhất về dư luận tiêu cực của nước chủ nhà.

Olympic sẽ khai mạc vào 23/7 trong bối cảnh Tokyo nằm trong tình trạng khẩn cấp vì COVID-19. Mọi mong đợi và kỳ vọng về cú hích kinh tế gần như đã tan biến. Các sân vận động và đấu trường tiêu tốn hơn 7 tỷ USD để xây dựng hoặc cải tạo cho Thế vận hội hầu hết sẽ trống vì khán giả trong nước lẫn quốc tế đều bị cấm.

Nhật Bản muốn Olympic Tokyo cho thấy rằng nước này vẫn là cường quốc toàn cầu dù dân số giảm và nền kinh tế bị vượt mặt bởi Trung Quốc. Thế vận hội đáng ra cũng sẽ cho thấy Nhật Bản đã phục hồi từ trận sóng thần khủng khiếp năm 2011. Nhưng thay vào đó, Olympic 2021 lại nhuốm tâm trạng phiền muộn vì đại dịch, tờ Wall Street Journal cho biết.

Thủ tướng Yoshihide Suga tự tin rằng các biện pháp nhằm ngăn công chúng đến gần sự kiện thể thao này sẽ ngăn chặn được sự lây lan của COVID-19. Ông cũng cho rằng Nhật Bản sẽ được hưởng lợi từ lượng người xem khổng lồ trên toàn cầu.

Thủ tướng Suga nói trong cuộc phỏng vấn: "Tôt quyết định rằng Thế vận hội có thể được tổ chức mà không ảnh hưởng đến an toàn của người dân Nhật Bản. Cách làm dễ nhất và đơn giản nhất là bỏ cuộc. Nhưng việc của chính phủ là giải quyết thách thức".

Các vận động viên Nhật Bản vẫn có thể khuấy động tinh thần của công chúng bằng các màn trình diễn ấn tượng để giành huy chương. Nhưng bầu không khí những ngày trước Thế vận hội đầy rẫy sợ hãi. Ít nhất 8 vận động viên đến Nhật Bản cho kỳ Thế vận hội và hàng chục người liên quan đã dương tính với COVID-19. Nhiều cầu thủ Nam Phi phải cách ly vì tiếp xúc gần với hai thành viên cùng đội bóng nhiễm COVID-19.

Ban tổ chức vẫn thúc đẩy một kỳ Olympic chỉ chiếu trên TV mà rất ít người Nhật Bản sẽ chứng kiến hoặc nhận thấy bất kỳ lợi ích tài chính nào.

Olympic 2021 đang biến thành 'hố đen' 20 tỷ USD của Nhật Bản? - Ảnh 2.

Vận động viên bóng bàn tập luyện tại Nhà thi đấu Thủ đô Tokyo. (Ảnh: Zuma Press).

KNT-CT, công ty điều hành một trong những đại lý du lịch lớn nhất của Nhật Bản tiếc nuối: "Thật đáng tiếc khi chúng tôi không thể cung cấp tour du lịch cho những vị khách đã rất mong đợi Thế vận hội".

Hồi năm 2019, bà Yoshiko Tobe đã bỏ ra hơn 1 triệu USD để tân trang nhà trọ truyền thống của mình ở gần khu Asakusa, Nhật Bản. Bà từng kỳ vọng Olympic sẽ giúp hoàn lại khoản đầu tư. Nhưng giờ đây, bà nói: "Có lẽ thà không có Olympic còn hơn. Ít nhất như thế sẽ loại trừ bớt một yếu tố rủi ro virus lan truyền".

Quan điểm của bà Tobe giống với số đông công chúng Nhật Bản. Khảo sát của tờ Mainichi công bố cuối tuần trước cho thấy gần 2/3 người Nhật Bản không kỳ vọng sẽ thích thú với Thế vận hội.

Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từng nói rằng tổ chức Olympic sẽ giúp nâng cao tinh thần đất nước sau trận sóng thần làm gần 20.000 người thiệt mạng năm 2011. Các nhà tổ chức địa phương dự đoán lượng khách đến Nhật Bản để xem Thế vận hội sẽ chi gần 2 tỷ USD cho ăn uống, di chuyển, khách sạn và hàng hóa. Họ nghĩ sự kiện kéo dài 17 ngày sẽ thu hút thêm nhiều khách du lịch đến Nhật Bản, mang đến hàng tỷ USD nữa.

Đến năm 2019, hầu hết các địa điểm tổ chức cho Thế vận hội đã được hoàn thành đúng hoặc trước thời hạn, nhu cầu vé rất cao. Gần như không có nỗi lo nào về việc chuẩn bị sẵn sàng cho Olympic ngoại trừ nắng nóng mùa hè tại Tokyo.

Quyết định của Nhật Bản và Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) vào tháng 3/2020 nhằm hoãn Thế vận hội một năm là canh bạc cược rằng đại dịch sẽ được khống chế trước mùa hè 2021.

Nhưng thực tế lại phụ lòng người. Vài tuần trước Thế vận hội, chủng Delta đã làm tăng số ca nhiễm trên toàn thế giới. Gần đây, hầu như mỗi ngày Tokyo đều phát hiện hơn 1.000 ca mắc COVID-19 mới. Tính đến 19/7, chỉ có 22% dân số được tiêm phòng đầy đủ, và tình trạng khẩn cấp sẽ kéo dài đến tận 22/8.

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy chỉ khoảng 1/3 công chúng Nhật Bản ủng hộ Thủ tướng Suga, một con số thấp kỷ lục. Một số người Nhật Bản còn cảm thấy rằng Thế vận hội đang được cố tình xúc tiến bởi IOC. Khoảng 73% ngân sách IOC đến từ bán quyền phát sóng Olympic.

Kể từ khi đến Nhật Bản hồi đầu tháng này, Chủ tịch Thomas Bach của IOC đã bị đeo bám bởi một nhóm nhỏ những người phản đối Olympic tại mọi nơi mà ông thăm.

Olympic 2021 đang biến thành 'hố đen' 20 tỷ USD của Nhật Bản? - Ảnh 3.

Sân vận động bóng chuyền bãi biển có sức chứa 12.000 người ở Tokyo. (Ảnh: Getty Images).

Giống như hầu kết các kỳ Thế vận hội, ngân sách dành cho Olympic Tokyo tăng vọt so với dự kiến ban đầu. Ngân sách chính thức là 15,4 tỷ USD nhưng các kiểm toán viên của chính phủ Nhật Bản cho biết tổng chi tiêu đã vượt quá 20 tỷ USD. Con số này lớn gấp gần 3 lần so với dự đoán ban đầu là khoảng 7,4 tỷ USD khi Nhật Bản chạy đua giành quyền đăng cai Olympic.

Ngay cả những ước tính tồi tệ nhất về tổn thất từ Thế vận hội cũng chưa bằng đến 1 % quy mô kinh tế Nhật Bản, tờ Wall Street Journal cho biết. Ông Takahide Kiuchi, nhà kinh tế tại Nomura Research Institute, nói rằng vẫn có khả năng thu hồi vốn từ những người nước ngoài theo dõi Thế vận hội tới thăm Nhật Bản sau đại dịch.

"Các nhà hàng và khách sạn đã cải tạo cơ sở vật để chào đón khách nước ngoài sẽ không bị lãng phí", ông Kiuchi nói. Các sân vận động và đấu trường Olympic rồi cũng sẽ được tổ chức các sự kiện có khán giả.

Rủi ro kinh tế lớn nhất cũng giống như rủi ro y tế khiến nhiều người Nhật Bản phản đối Thế vận hội: khả năng Olympic biến thành sự kiện siêu lây nhiễm. Kịch bản này sẽ khiến Nhật Bản phải trải qua một chặng đường dài hơn để phục hồi và cần chi tiêu nhiều hơn.

Giang