|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giành quyền đăng cai Olympic từng là một đặc ân nhưng thu chẳng bù chi, lợi ích kinh tế đem lại kém hấp dẫn đã khiến các thành phố không còn mặn mà với việc này

20:42 | 09/08/2021
Chia sẻ
Trước đây, việc giành được quyền đăng cai Olympic có thể coi là đặc ân đối với các thành phố, nhưng điều này đang dần thay đổi.

Trong quá khứ, thành phố Denver, Mỹ từng rút khỏi quyền đăng cai Olympic Mùa đông 1976 chỉ hai năm sau khi họ giành chiến thắng trong cuộc chạy đua, qua đó tạo ra một cú sốc, theo tờ Economist.

Sau sự kiện đó, việc được đăng cai tổ chức Olympic được coi là một đặc ân đối với các thành phố trên thế giới. Tuy nhiên, dường như Denver đang đi trước thời đại.

Sự quan tâm của các thành phố cho việc chạy đua để trở thành chủ nhà của Olympic đang dần chậm lại, thậm chí số lượng đang ít đi. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã buộc phải cải cách quy trình tranh cử. Các thành phố giờ đây không còn bị buộc phải tập hợp các đề xuất tốn kém hàng chục triệu USD. Bên cạnh đó, IOC sẽ chọn các ứng viên có triển vọng và xác định "thành phố ưu tiên".

Các vòng bỏ phiếu loại trực tiếp đã được thay thế bằng một quy trình khác. Mới nhất, IOC đã xác định thành phố Brisbane là nơi đăng cai Olympic và Paralympic mùa hè 2032. Tại sao ngày càng có ít thành phố muốn đăng cai Olympic? Và liệu những thay đổi của IOC có khơi dậy sự quan tâm của họ không?

Việc đóng vai trò là nước chủ nhà của Olympic đã trở nên lỗi thời so với trước đây. Vấn đề phổ biến nhất là kinh phí. Từ những giải đấu hiện đại sớm nhất vào năm 1896 cho đến cuối những năm 1960, các cuộc thi được tổ chức tại những thành phố lớn ở Mỹ và châu Âu, nơi đã có sẵn cơ sở hạ tầng cần thiết. Điều này giúp chi phí tổ chức giải đấu không quá tốn kém.

Vì sao ngày càng ít thành phố muốn đăng cai tổ chức Olympic? - Ảnh 1.

Việc xây dựng các sân vận động cho Olympic tương đối tốn kém. (Ảnh: China Daily).

Tuy nhiên, số lượng các môn thể thao đã tăng lên nhanh chóng. Số lượng vận động viên tham dự tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 1956 đến năm 1972. Chi phí tổ chức Olympic Montreal 1976 đắt tới mức phải đến năm 2006, thành phố mới trả hết các khoản nợ.

Một số quốc gia khác như Hàn Quốc (1988), Hy Lạp (2004) và Trung Quốc (2008), coi Olympic là cơ hội để thể hiện sự phát triển và sức mạnh của họ. Dù vậy, khi số lượng các môn thi đấu tăng lên, danh sách các nhu cầu của IOC cũng vậy. Các nước chủ nhà không chỉ phải xây dựng những sân đấu mới theo chuẩn quốc tế mà còn phải nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông để đảm bảo mọi thứ được thuận tiện.

Doanh thu từ bản quyền phát sóng đã tăng lên, nhưng không đủ nhanh để bù đắp chi phí. Ngân sách cho giá thầu của Olympic London 2012 đã tăng từ mức khởi điểm 2,4 tỷ bảng Anh (3,3 tỷ đô la) lên hơn 9,3 tỷ bảng Anh.

Bất chấp các khoản chi phí đắt đỏ, những cuộc đấu thầu giành quyền đăng cai Olympic từng được các cử tri nhiều thành phố ủng hộ. Theo kết quả một cuộc khảo sát cuối năm 2012, cứ 10 người London thì có 8 người cho rằng việc tổ chức Olympic là điều đáng giá.

Dù vậy, mọi thứ đang thay đổi. Quy trình trao quyền đăng cai Olympic 2024 là khởi đầu. Năm 2015, thành phố Boston mới là người dẫn đầu, cho đến khi một chiến dịch chống lại Olympic đã khiến người dân thành phố này không đồng ý với việc tổ chức.

Một điều khoản trong hợp đồng của IOC quy định rằng những đơn vị thuế địa phương sẽ phải chịu trách nhiệm nếu chi phí vượt quá mức cho phép. Khi Boston rút lui khỏi cuộc chạy đua, các thành phố khác bao gồm Rome, Hamburg và Budapest cũng rút lại giá thầu của họ. Cuối cùng chỉ còn lại Paris và Los Angeles. IOC đã thực hiện một bước đi mang tính tiết kiệm khi trao quyền đăng cai Olympic cho Paris vào năm 2024 và Los Angeles vào năm 2028.

Một cuộc thăm dò vào tháng 5 cho thấy có tới 80% người Nhật phản đối Olympic Tokyo 2020. Nhiều người lo lắng không chỉ về kinh phí tổ chức mà còn là nguy cơ đối với an toàn sức khỏe cộng đồng khi số ca nhiễm COVID-19 tại nước này tăng cao.

Ngay cả những người vốn ít quan tâm đến sự phản đối của cử tri, cũng cần suy nghĩ lại về việc đăng cai tổ chức Olympic trong tương lai. Thái độ cứng rắn ở phương Tây đối với vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc đã thúc đẩy các lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông ở nước này trong năm tới.

Vì sao ngày càng ít thành phố muốn đăng cai tổ chức Olympic? - Ảnh 2.

Brisbane là thành phố giành được quyền đăng cai Olympic 2032. (Ảnh: Chicago Sun-Times).

IOC đã hứa sẽ thay đổi trước quá trình trao quyền đăng cai Olympic 2032. Họ sẽ đưa ra quyết định của mình trước 11 năm thay vì 7 năm như trước đây. Ngoài ra, IOC sẽ xem xét các đề xuất từ những nhóm thành phố hoặc toàn bộ khu vực. Bên cạnh đó, họ sẽ giảm giá thầu để ủng hộ việc đối thoại liên tục giữa các ứng viên tiềm năng và một ủy ban mới bao gồm chủ yếu là các bigwigs của IOC.

Điều này tạo ra một sự lựa chọn đáng tin cậy ở Brisbane, mặc dù một số chính trị gia Đức chỉ trích IOC thiếu minh bạch. Trên thực tế, quy trình mới mang lại nhiều quyền kiểm soát hơn cho IOC. Điều này có thể dẫn đến ít sai lầm tốn kém hơn nhưng cũng có có khả năng nhận phải nhiều lời chỉ trích hơn. Ngoài ra, việc này cũng gây ra áp lực lớn hơn với các thành viên trong tổ chức.

Quốc Anh