Vận động viên giành vàng tại Olympic: Người được thưởng cả triệu đô, nhận hai căn nhà, đi máy bay miễn phí cả đời, người không được một góc
Sau khi đem về chiếc huy chương vàng (HCV) đầu tiên tại một kỳ Thế vận hội cho thể thao Philippines, vận động viên (VĐV) cử tạ Hidilyn Diaz đã được thưởng đậm, theo CNBC.
Cụ thể, Ủy ban thể thao Philippines đã thưởng cho nữ VĐV này 33 triệu Philippines peso, khoảng 600.000 USD. Ngoài ra, cô Hidilyn Diaz cũng được nhận hai căn nhà và dịch vụ đi máy bay miễn phí trọn đời.
Dù cho Ủy ban Olympic Quốc tế không thưởng tiền cho VĐV nhưng rất nhiều quốc gia lại sẵn lòng làm điều đó, tương ứng với thành tích, số huy chương mà họ giành được tại Olympic.
Đài CNBC đã thực hiện một cuộc khảo sát với 12 quốc gia có khả năng giành huy chương tại Thế vận hội Olympic lần này, dựa trên số liệu từ các ủy ban Olympic quốc gia, hội đồng thể thao và cả dữ liệu từ trang tài chính cá nhân Money Under 30.
Nước Mỹ hiện đang đứng thứ hai bảng tổng sắp huy chương tại Olympic Tokyo. Họ đến Nhật Bản với hơn 600 VĐV. Tính đến sáng 3/8, Mỹ đã có tổng cộng 64 huy chương, gồm: 22 vàng, 25 bạc và 17 đồng.
Với mỗi HCV giành được, các VĐV của Mỹ sẽ được ủy ban Olympic và Paralympic thưởng 37.500 USD, 22.500 USD cho HCB và 15.000 USD cho HCĐ. Và các khoản thưởng này không bị đánh thuế trừ khi thu nhập của VĐV đó lên tới 1 triệu USD.
Ngoài ra, các VĐV Mỹ cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế cao cấp và hỗ trợ học phí đại học. Hiện người giành được nhiều HCV nhất tại Olympic Tokyo chính là VĐV bơi lội của Mỹ, Caeleb Dressel. Anh chàng này đang sở hữu 5 HCV và Caeleb Dressel sẽ nhận được ít nhất 187.500 USD cho số HCV này.
Chỉ gửi 23 VĐV tới kỳ Thế vận hội lần này nhưng Singapore lại bỏ xa Mỹ lẫn nhiều quốc gia khác về chế độ "thưởng vàng" của mình. Cụ thể, VĐV nào giành được HCV cá nhân đầu tiên cho quốc đảo này sẽ nhận được 1 triệu đô la Singapore, tương đương 737.000 USD.
Tuy nhiên, khoản tiền này sẽ phải chịu thuế. VĐV cũng phải trao lại một phần cho liên đoàn thể thao quốc gia để đóng góp cho công tác đào tạo và phát triển trong tương lai.
Theo ông Unmish Parthasarathi, người sáng lập và giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Picture Board Partners, nền kinh tế thể thao ở Mỹ cho phép các VĐV kiếm tiền tốt hơn từ tài năng của họ vì phần lớn trong số đó được thúc đẩy bởi khu vực tư nhân.
Ở các quốc gia như Singapore, Ấn Độ..., chính phủ cũng có chính sách thưởng cho VĐV để thúc đẩy thể thao phát triển. Malaysia cũng có những phần thưởng hậu hĩnh cho những nhà vô địch Olympic.
Theo đó, VĐV giành HCV nhận được 1 triệu ringgit, tương đương 236.149 USD, HCB được thưởng 300.000 ringgit và 100.000 ringgit được trao cho HCĐ. Tính theo USD, nếu xét về kinh tế, tiền thưởng dành cho HCĐ tại Malaysia còn cao hơn so với tiền thưởng cho HCV ở Úc hay Canada.
Ngoài tiền thưởng, VĐV tại các quốc gia có nền thể thao phát triển còn có nhiều cách khác để gia tăng thu nhập. Ví dụ, các khoản lương thưởng, hỗ trợ từ hiệp hội thể thao quốc gia, tiền thưởng tại các giải đấu. Một số nhận được các hợp đồng thương mại với nhãn hàng, giá trị có thể lên tới hàng trăm triệu USD.
Ngôi sao quần vợt Nhật Bản Naomi Osaka đã kiếm được 55 triệu USD từ các hợp đồng tài trợ. Cô được mệnh danh là VĐV được trả lương cao nhất xứ sở hoa anh đào. Ngoài ra, nhiều VĐV sau khi giải nghệ đi theo con đường huấn luyện vì những cựu VĐV Olympic được trả lương hậu hĩnh hơn.