Khi các vận động viên rao bán huy chương Olympic: Giá dao động từ 30 triệu đồng tới 34 tỷ đồng một chiếc, ai cũng có thể mua được, miễn là có tiền
Một huy chương bạc môn bắn súng từ Thế vận hội 1900 ở Paris gần đây đã được bán với giá chỉ 1.283 USD. Sau đó, một huy chương đồng từ Thế vận hội Mùa đông 1956 ở Cortina d'Ampezzo, Ý cũng được bán với giá 3.750 USD, theo New York Times.
Một bộ huy chương bạc từ Thế vận hội Athens năm 1986, thời điểm chưa có huy chương vàng đã được bán với giá hơn 180.000 USD trước khi Olympic Tokyo 2020 khởi tranh. Cả ba vụ giao dịch đều được thực hiện bởi RR Auction, một đơn vị đấu giá có trụ sở tại Boston, Mỹ.
Về mặt tinh thần, các huy chương Olympic có thể là vô giá đối với các vận động viên. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều huy chương Olympic được bán đấu giá bởi các vận động viên gặp khó về mặt tài chính, hoặc được dùng để gây quỹ từ thiện.
"Đó là một sưu tập thú vị. Những bộ huy chương Olympic đã được tung ra thị trường trong những năm gần đây, không hề có sự dư thừa nào trong số đó", Bobby Livingston, Phó Chủ tịch của RR Auction chia sẻ.
Giờ đây, bất kỳ người nào có đủ điều kiện về mặt tài chính cũng có thể được nhận các huy chương Olympic.
Bill Russell, huyền thoại của CLB Boston Celtics, sẽ đem đấu giá chiếc huy chương vàng mà anh giành được cùng đội tuyển bóng rổ Mỹ từ Thế vận hội năm 1956 vào mùa thu tới đây.
"Tôi quyết định bán phần lớn bộ sưu tập của mình, bao gồm cả huy chương, nhẫn, áo, và các đồ vật lưu niệm khác" ông Russell cho biết.
Đồng thời, cựu vận động viên bóng rổ người Mỹ cho biết một phần trong số tiền thu được từ buổi đấu giá sẽ được chuyển đến MENTOR, một tổ chức từ thiện do chính Bill Russell là người đồng sáng lập, chuyên thúc đẩy cơ hội cho các thanh niên trẻ. Ngoài ra, một phần khác sẽ được chuyển tới quỹ công bằng xã hội do CLB Celtics tạo ra.
Các chuyên gia đấu giá cho biết tên của vận động viên giành được huy chương rất quan trọng. Tuy nhiên, các huy chương được trao tại Olympic lại không khắc tên người giành chiến thắng.
Theo RR Auction, một huy chương vàng không rõ danh tính của đội bóng rổ Mỹ tại Thế vận hội năm 1984 đã được bán với giá hơn 83.000 USD.
Đó là một khoản tiền lớn, nhưng chỉ là một phần nhỏ trong số gần 1,5 triệu USD mà một nhà sưu tập đã trả vào năm 2019 cho một trong bốn huy chương vàng mà Jesse Owens, cựu vận động viên nổi tiếng người Mỹ từng giành được tại Thế vận hội mùa hè 1936 ở Berlin, theo SCP Auctions, một đơn vị tổ chức đấu giá khác. Đây cũng là số tiền kỷ lục cho các kỷ vật của Olympic.
Ngoài nguồn gốc lịch sử và xuất xứ, một yếu tố khác cũng tác động tới giá trị của các bộ huy chương là tình trạng của hiện vật. Nếu giữ nguyên được hiện trạng ban đầu, giá trị của chiếc huy chương sẽ khác
Không phải tất cả các huy chương Olympic đều được khắc tên môn thể thao mà các vận động viên thi đấu. Điều này có thể làm giảm giá trị, theo ý kiến của các chuyên gia.
Tại Olympic Tokyo 2020, trong các thành phần cấu thành nên huy chương vàng, nguyên tố bạc chiếm tới 6/555 gram, theo Ủy ban Olympic Quốc tế.
Philip Newman, Giám đốc điều hành của Metals Focus, một công ty nghiên cứu có trụ sở tại London cho biết tổng khối lượng nguyên tố vàng và bạc được dùng để chế tạo nên mỗi tấm huy chương có giá khoảng 800 USD.
"Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu ai đó nghĩ rằng các huy chương vàng tại Olympic là vàng ròng", ông Newman cho biết.
Theo ông, các huy chương bạc được trao tại Olympic Tokyo được làm từ bạc nguyên chất và nặng 550 gram, trị giá khoảng 450 USD. Ngoài ra, chúng chứa đồng thau đỏ, trong đó 95% là đồng và 5% là kẽm.
Mỗi huy chương sẽ đi kèm với một hộp gỗ và có 5 chiếc nhẫn Olympic, cùng với đó là một số kỷ vật khác từ Ủy ban Olympic Quốc tế.
"Nhiều người sẵn sàng mua tất cả các loại huy chương Olympic, bao gồm cả huy chương bạc và huy chương đồng. Chúng vẫn là những kỷ vật của Thế vận hội. Là một nhà sưu tập, bạn có thể bắt đầu từ những chiếc huy chương đồng nếu không có nhiều tiền", ông Livingston nói thêm.