|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ổ dịch siêu lây nhiễm ở Thanh Xuân tiếp tục có thêm ca mới, Hà Nội nguy cơ kéo dài giãn cách xã hội

16:17 | 30/08/2021
Chia sẻ
Ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (Hà Nội) hiện vẫn đang diễn biến phức tạp khi liên tục ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Từ ngày 23/8 đến nay, ổ dịch này đã ghi nhận tổng cộng hơn 300 trường hợp.

Trưa 30/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội công bố thêm 45 ca mắc COVID-19 mới trên địa bàn, trong đó ổ dịch phường Thanh Xuân Trung (ngõ 328 và 330 đường Nguyễn Trãi) chiếm phần lớn số ca mắc với 32 trường hợp. Các trường hợp còn lại đều là F1 được cách ly từ trước hoặc sống trong vùng phong tỏa

Trước đó, ngày 27/8, UBND quận Thanh Xuân đã quyết định thành lập khu cách ly tập trung tòa nhà tái định cư A1 Kim Giang (ngõ 80 phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang). Khu cách ly tập trung được đưa vào vận hành khi ổ dịch ở phường Thanh Xuân Trung bùng phát dữ dội.

Đáng chú ý, ổ dịch bùng phát ngay trong thời điểm toàn thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 với tinh thần "ai ở đâu ở yên đó".

Ổ dịch siêu lây nhiễm thêm ca mới, Hà Nội nguy cơ kéo dài giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Biểu đồ: Phương Trang.

Trao đổi với báo chí sáng 30/8, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng đợt bùng phát lần này tại Hà Nội phức tạp hơn rất nhiều so với trước đây do sự xuất hiện của chủng mới. Những chùm ca bệnh mới phát sinh cho thấy còn không ít sơ hở trong thực hiện giãn cách xã hội, báo Giao thông đưa tin.

Qua thực tế các chùm ca bệnh ở Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân); Giáp Bát, HH4C Linh Đàm (quận Hoàng Mai) hay Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa), Bí thư Hà Nội cho rằng nguy cơ lây nhiễm rất cao ở khu vực mật độ dân cư lớn, chật hẹp với nhiều phố nhỏ, ngõ nhỏ.

Điều này cho thấy việc kiểm soát dịch bệnh ở địa bàn đông dân cư chưa vững chắc. Đáng lo ngại là ngay cả khu vực đã được phong tỏa, việc thực hiện nguyên tắc cách ly còn chưa nghiêm, có hiện tượng chặt ngoài lỏng trong.

Ông Đinh Tiến Dũng nêu rõ: “Thực tế hiện nay cùng với tình hình dịch bệnh ở địa phương trên cả nước vẫn rất phức tạp đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân thủ đô tiếp tục giữ vững ý chí chiến đấu, quyết tâm, kiên trì thực hiện giãn cách xã hội thực chất, hiệu quả”.

Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu chính quyền cơ sở đánh giá lại nguy cơ khu đông dân cư, nhiều ngõ ngách, địa bàn phức tạp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, chợ tạm... để có kịch bản phòng, chống dịch chủ động.

Toàn thành phố tổ chức triển khai mô hình “Gia đình an toàn COVID-19”, yêu cầu từng hộ gia đình ký cam kết không ra đường khi không có việc cần thiết.

Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý người ra đường; siết chặt từ ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên tuyến đường gắn với kiểm tra cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phương án sản xuất an toàn, cấp và sử dụng giấy đi đường...

Nhằm ngăn chặn trường hợp lái xe “luồng xanh” dương tính lây nhiễm ra cộng đồng như tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai), xe “luồng xanh” phải di chuyển thẳng đến nơi xuống hàng, không được dừng đỗ. Người trên xe không được rời cabin.

Trường hợp vì lý do bắt buộc cần phải rời cabin thì lái xe phải mặc đồ bảo hộ y tế, không được tiếp xúc với ai; sau khi xuống hàng xong thì phải quay đầu xe rời ngay khỏi địa bàn.

Bí thư yêu cầu chính quyền các cấp cách ly, phong tỏa “vùng đỏ” bảo đảm vận hành như khu cách ly tập trung, chặt chẽ từ ngoài vào trong, đúng nguyên tắc cách ly, ngăn ngừa lây nhiễm chéo... UBND thành phố tập trung chỉ đạo xét nghiệm diện rộng, ưu tiên đối tượng nguy cơ cao, vùng phong tỏa, cách ly.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 3.159 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 1.539 người được phát hiện ngoài cộng đồng, 1.620 trường hợp còn lại đã cách ly.

Phương Trang