Nữ bộ trưởng khả ái chỉ đạo nỗ lực bứt phá của Malaysia trong đấu trường khởi nghiệp ở Đông Nam Á
Khi Việt Nam, Indonesia, Singapore - những nơi mà phong trào khởi nghiệp đang trào dâng - có khả năng trở thành quán quân về khởi nghiệp ở Đông Nam Á - giới khởi nghiệp ở Malaysia đối mặt với câu hỏi: Chúng ta muốn chạy đua hay không, và liệu chúng ta đang tụt hậu quá xa so với 3 nước đang dẫn đầu khu vực?
Các quan chức chính phủ Malaysia chịu trách nhiệm thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, cùng với các quĩ đầu tư và các nhà khởi nghiệp nhận định cách tốt nhất để Malaysia đuổi kịp 3 quốc gia là thu hút thêm vốn và trở thành trung tâm vốn mạo hiểm, theo SCMP.
Họ cũng vạch ra kịch bản lí tưởng nhất cho Malaysia: Trở thành cái nôi của thế hệ doanh nghiệp công nghệ khổng lồ tiếp theo - chẳng hạn như Grab hay Tokopedia. Một phương hướng khác là Malaysia sẽ trở thành quốc gia sở hữu những startup phát triển nhanh nhất.
Trở thành cái nôi của thế hệ doanh nghiệp công nghệ khổng lồ tiếp theo - chẳng hạn như Grab hay Tokopedia - là một định hướng của Malaysia. Ảnh: Tech In Asia
Nếu vốn đầu tư mạo hiểm ở Malaysia tham gia sâu hơn vào phong trào khởi nghiệp, đất nước sẽ hưởng lợi và chính phủ sẽ có ưu thế khi họ thuyết phục các công ty nhận vốn hoạt động ở Malaysia.
Khi các doanh nghiệp nước ngoài tới Malaysia, đương nhiên họ sẽ thuê và đào tạo người địa phương, tạo nên hiệu ứng lan tỏa đối với cả vốn lẫn việc làm.
Mặc dù nguồn vốn đầu tư vào Malaysia tăng trưởng rất chắc chắn, giới khởi nghiệp trẻ ở đây tin rằng, với ý chí chính trị phù hợp, Malaysia hoàn toàn có thể trở thành đầu tàu trong phong trào khởi nghiệp ở Đông Nam Á và tận dụng giá trị tăng dần của nền kinh tế số.
Cải cách mạnh mẽ của chính phủ Malaysia để thu hút vốn đầu tư mạo hiểm là một lí do để người ta hi vọng. Chính phủ cam kết thực thi các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển của các quĩ đầu tư mạo hiểm.
Yeo Bee Yin - Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu - là một trong những người có vai trò quan trọng đối với nỗ lực cải cách. Là một nhà kĩ trị trẻ trong nội các của Thủ tướng Mahathir Mohamad, cô đang quản lí quĩ 476 triệu USD để hỗ trợ giới khởi nghiệp trong nước.
Chính phủ sẽ khuyến khích các quĩ đầu tư mạo hiểm trong nước và nước ngoài đầu tư cho các startup ở Đông Nam Á bằng cách thực thi mô hình "quĩ của các quĩ" - một quĩ đầu tư lớn rót vốn vào các loại quĩ đầu tư khác - để thúc đẩy sự tham gia của nguồn vốn tư nhân vào phong trào khởi nghiệp.
Cô Yeo Bee Yin - Bộ trưởng Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu Malaysia. Ảnh: SCMP
Gói giải pháp bao gồm ưu đãi thuế lớn cho những doanh nghiệp tư nhân hoặc thậm chí những cá nhân đầu tư tới 20 triệu ringgit vào các quĩ đầu tư mạo hiểm.
"Trước đây Malaysia không có khung pháp lí, ưu đãi hay hệ sinh thái đủ mạnh để có thể thu hút các quĩ đầu tư mạo hiểm rót tiền vào Malaysia", cô Yeo phát biểu trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước.
Ra đời dưới thời cựu thủ tướng Najib Razak, Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu gánh thêm trách nhiệm mới trong nhiệm kì của Thủ tướng Mohamad. Họ sẽ đầu rót vốn cho các quĩ đầu tư mạo hiểm để các quĩ ấy đầu tư cho các startup.
"Chúng tôi sẽ để giới tư nhân thực hiện hoạt động đầu tư mạo hiểm, rồi tận dụng mạng lưới và chuyên môn của họ để gây dựng đội ngũ doanh nhân khởi nghiệp của Malaysia", nữ bộ trưởng bình luận.
Tư nhân hóa 2 trong số 5 quĩ đầu tư chính phủ thuộc Bộ Năng lượng, Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Biến đổi khí hậu là giải pháp để thúc đẩy thị trường vốn đầu tư mạo hiểm ở Malaysia.
3 quĩ còn lại sẽ chịu trách nhiệm giảm sát hoạt động đầu tư vào các startup mới nổi có tiềm năng và cũng có thể đối mặt nhiều rủi ro.
Cùng đầu tư với các quĩ mạo hiểm quốc tế và tư nhân sẽ giúp chính phủ Malaysia sắp xếp qui trình một cách hợp lí, trong khi vẫn có thể tập trung vào việc thu hút các quĩ tư nhân.
"Nỗ lực hỗ trợ quĩ đầu tư mạo hiểm sẽ cho phép Malaysia tập trung vào việc nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp, thay vì cố gắng chọn những startup có tiềm năng - nhiệm vụ mà chính phủ không giỏi", Yeo nhấn mạnh.
Đương nhiên, vốn đầu tư của chính phủ không phải là tiền miễn phí, mà kèm theo các điều kiện, đặc biệt với các quĩ đầu tư quốc tế. Vốn của chính phủ sẽ hướng tới mọi doanh nghiệp, chứ không chỉ ưu tiên doanh nghiệp ở Malaysia.
"Nhân tài xuất hiện ở khắp nơi và chính phủ muốn họ tới Malaysia để gây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển, vận hành và thuê người lao động trên đất nước chúng tôi", Yeo nói.