Để tránh 'cái chết chậm và đau đớn', hãng hàng không lận đận đặt hi vọng vào Thủ tướng Malaysia
Tương lai của Malaysia Airlines, hãng hàng không đang thua lỗ triền miên, sẽ phụ thuộc vào việc chủ sở hữu hãng đồng ý với chiến lược duy trì vị thế của hãng hàng không dịch vụ toàn phần, đồng thời cố gắng giành thị phần từ những hãng hàng không giá rẻ đang phát triển nhanh, theo tổng giám đốc Izham Ismail của hãng.
Malaysia Airlines chờ Thủ tướng định đoạt số phận
South China Morning Post đưa tin hôm 2/6, ông Izham thông báo ban lãnh đạo hãng sẽ trình kế hoạch lật ngược tình thế lên Quỹ Đầu tư quốc gia Malaysia, cổ đông duy nhất của Malaysia Airlines. Kế hoạch cần sự phê chuẩn của chủ tịch Quỹ Đầu tư quốc gia, Thủ tướng Mahathir Mohamad.
Hồi tháng 3 năm nay, Thủ tướng Mahathir tuyên bố chính phủ đang thảo luận về việc giải thể, bán hay tái đầu tư cho Malaysia Airlines. Quỹ Đầu tư quốc gia cảnh báo chính phủ cần phải ra quyết định về thời gian mà họ tiếp tục hỗ trợ hãng hàng không ra đời từ năm 1972, sau khi Malaysia và Singapore tách thành hai quốc gia và cũng tách cả hãng hàng không chung.
Số phận của hãng hàng không Malaysia Airlines phụ thuộc vào Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ảnh: SCMP
Theo kế hoạch, ban điều hành Quỹ Đầu tư quốc gia Malaysia sẽ thảo luận kế hoạch trong khoảng thời gian từ giữa tháng 6 tới đầu tháng 7.
Phát biểu bên lề hội nghị thường niên của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế, ông Izham cũng nói ông muốn tìm những đối tác kinh doanh thấu hiểu những thách thức phía trước và có thể giúp Malaysia Airlines thay đổi văn hóa doanh nghiệp.
Hợp tác với hãng hàng không từng phá sản ở Nhật Bản
Tuần trước, Japan Airlines, hãng hàng không từng phá sản một lần, đã ký thỏa thuận với Malaysia Airlines để vận hành những chuyến bay chung giữa hai nước. Hôm 2/6, chủ tịch của Japan Airlines nói hãng sẽ tiến xa hơn bằng cách mua cổ phần của đối tác.
Yuji Akasaka, tổng giám đốc Japan Airlines, khẳng định hãng rất hào hứng với ý tưởng mua cổ phần của Malaysia Airlines.
"Hiện tại chúng tôi chưa có gì để công bố nhưng hai bên đã thảo luận vấn đề đó", ông Akasaka phát biểu.
Hai thảm kịch khó tin đã xảy ra với Malaysia Airlines - gồm vụ mất tích của chuyến bay MH370 và vụ rơi của chuyến bay MH17 do trúng hỏa lực - biến hãng trở thành một trong những hãng hàng không xui xẻo trên thế giới. Ảnh: Free Malaysia Today
Malaysia Airlines đã lỗ trong nhiều năm, và kết quả kinh doanh tệ của hãng khiến Quỹ Đầu tư quốc gia quyết định biến hãng thành doanh nghiệp tư nhân vào năm 2014. Cũng trong năm ấy, hai thảm kịch khiến những vấn đề của hãng càng trở nên phức tạp hơn. Một chuyến bay (mang mã hiệu MH370) biến mất ở phía trên Đại Tây Dương khi đang bay tới Bắc Kinh với 239 người, và một chuyên bay khác (mã hiệu MH72) bị bắn trên bầu trời Ukraine, trong khu vực do phiến quân ủng hộ Nga kiểm soát, khiến 298 người chết.
Hãng trải qua hai tổng giám đốc trong khoảng thời gian từ tháng 1/2015 tới tháng 10/2017. Cựu tổng giám đốc Christoph Mueller rời hãng năm 2016 sau khi mới hoàn thành chưa tới hai năm trong bản hợp đồng ba năm để gia nhập hãng Emirates. Người kế nhiệm ông, Peter Bellew, rời hãng chỉ sau một năm để trở thành giám đốc điều hành hãng Ryanair. Ông Izham nắm quyền điều hành từ cuối năm 2017.
Vị tổng giám đốc không muốn hãng giải thể hoặc đổi chủ, vì hai giải pháp ấy sẽ khiến khoảng nửa triệu người mất việc nếu tính tới cả những công ty cung ứng dịch vụ cho hãng. Ông cũng tin rằng quá trình giải thể Malaysia Airlines sẽ diễn ra chậm và đau đớn.
"Nếu hôm nay chính phủ ra quyết định giải thể Malaysia Airlines, hãng sẽ không thể ngừng hoạt động ngay trong ngày mai", ông giải thích.