|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi sợ virus corona đẩy các cơ sở kinh doanh nhỏ gốc Á vào thế khốn khó

09:58 | 26/02/2020
Chia sẻ
Các cơ sở kinh doanh gốc Á ở Mỹ đang chứng kiến sự sụt giảm số lượng khách do nỗi lo về sự bùng phát của dịch Covid-19 tại Trung Quốc.

Ở nhiều nơi, quan chức thành phố đang cố gắng ngăn chặn tổn thất tài chính do dịch viêm phổi Vũ Hán với những nỗ lực như chiến dịch thông tin và chuyến thăm cá nhân tới cửa hàng và nhà hàng. 

Họ muốn thu hút sự chú ý của người dân tới thực tế rằng rất ít trường hợp nhiễm covid-19 được xác nhận ở Mỹ, theo VOA.

Quận châu Á ở thành phố Mesa, bang Arizona đang chuẩn bị tổ chức một hội chợ đêm vào cuối tháng 2 khi giới chức phát hiện một người nhiễm covid-19 ở trường Đại học Arizona gần đó.

Vicent Reid, người đứng đầu Phòng thương mại châu Á bang Arizona, kể rằng vụ việc khiến nhiều người bình luận trên mạng xã hội và gọi điện tới các đường dây nóng của giới chức.

"Có lẽ tôi không nên nghe điện thoại nữa vì quá nhiều người gọi", ông thổ lộ.

Covid-19 đã khiến hàng chục nghìn người ốm và phần lớn họ sống ở Trung Quốc. Giới chức xác nhận 15 người ở Mỹ nhiễm virus và 13 người trong số họ vừa tới Trung Quốc gần đây.

Quán chay Dim Sum House từng là địa điểm nổi tiếng với thực khách ở Phố Tàu thuộc quận Manhattan, thành phố New York trong 23 năm qua. Nhưng gần đây, Frankie Chu, chủ quán, thừa nhận ông không có khả năng trả tiền thuê mặt bằng trong tháng 2.

"Tôi không biết tôi còn có thể chống chọi bao lâu nữa. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, tình hình chưa bao giờ tệ như vậy", ông nói.

Nỗi sợ virus corona đẩy các cơ sở kinh doanh nhỏ gốc Á vào thế khốn khó - Ảnh 1.

Quán chay Dim Sun House trong Phố Tàu ở thành phố New York luôn đông khách vào những buổi chiều và tối, nhưng giờ đây trở nên vắng vẻ bởi dịch covid-19. Ảnh: VOA

Khó khăn của giới kinh doanh gốc Á khiến giới chức New York và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lo ngại. Họ đã triển khai một chiến dịch để kéo mọi người trở lại những cộng đồng đang chịu ảnh hưởng nặng nề ở các quận Manhattan, Queens và Brooklyn.

"Phố Tàu đang khốn khó. Dịch covid-19 cách đây hàng chục nghìn dặm và nỗi sợ hãi của người đã lên mức thái quá", Wellington Chen, chủ tịch Đối tác Phố Tàu (một tổ chức cộng đồng và kinh doanh ở địa phương), bình luận.

Hơn 500.000 người Mỹ gốc Hoa đang sống ở thành phố New York, nơi có số dân gốc Hoa lớn nhất trong các đô thị ở Mỹ. Một số người New York có gốc gác Trung Quốc tâm sự rằng họ cảm thấy giống như người ngoại quốc.

"Quả thực, tôi cảm thấy khó chịu", Christina Seid, chủ của nhà máy kem Phố Tàu, phát biểu. Cha của bà thành lập nhà máy 40 năm trước.

Cụ của Christina di cư từ Trung Quốc tới New York. Bà nói doanh thu giảm so với mức bình thường, song cũng nhấn mạnh những tháng mùa đông là giai đoạn thấp điểm đối với ngành kem. 

Thành phố New York chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm covid-19. Các quan chức và chính trị gia đang cố gắng chứng tỏ rằng người dân không có lí do để tránh bất kì khu vực nào trong thành phố. Nhiều nhà lãnh đạo thành phố đã ăn tại các nhà hàng Trung Quốc và đăng ảnh lên mạng xã hội.

Ở thành phố Boston, bang Massachusetts, thị trưởng Marty Walsh đã phát động chiến dịch tương tự trên mạng xã hội. Ông kêu gọi người dân chia sẻ các ảnh về việc họ ủng hộ các cơ sở kinh doanh nhỏ trong Phố Tàu ở thành phố.

Tình hình ở khu vực Vịnh San Francisco nghiêm trọng đến nỗi Sunny Wong, chủ của 4 nhà hàng tại Phố Tàu, thành phố Oakland, đang cân nhắc khả năng đóng một nhà hàng. Ngay cả một số bạn bè và khách hàng lâu năm của Wong cũng kể những câu chuyện li kì mà theo đó, nhiều thực khách đã nhiễm virus vì ăn ở nhà hàng của ông.

"Họ nghe những câu chuyện và tin đồn mà không kiểm chứng thông tin", Wong bình luận.

Nom Wah Tea Parlor là nhà hàng lâu đời nhất ở Phố Tàu thuộc quận Manhattan. Vincent Tang, nhà quản lí nhà hàng, nói rằng số lượng khách đã giảm 40% trong 3 tuần qua. Trong một ngày giữa tuần gần đây, gần một nửa số bàn trong nhà hàng trống không.

Một số thực khách tại Nom Wah Tea Parlor cảm thấy ngạc nhiên khi nhiều người không dám tới nhà hàng để ăn.

"Dịch Covid-19 không hề xuất hiện trong tâm trí tôi. Nó không xảy ra ở đây", Kate Masterson, một thực khách, bình luận.

Nhạc Phong

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.