|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

'Nối đuôi' Techcombank, MBBank và TPBank tăng mạnh đầu tư trái phiếu trong nửa đầu năm

09:41 | 09/09/2019
Chia sẻ
Trong 6 tháng đầu năm, dư nợ trái phiếu các TCKT của MBBankTPBank đã tăng mạnh lần lượt 78,7% và 25,3% trong khi mức trung bình của các ngân hàng khác chỉ là 2%.

Dư nợ trái phiếu TCKT tại MBBank và TPBank tăng mạnh

Theo khảo sát của CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2018, tổng dư nợ trái phiếu các tổ chức kinh tế (TCKT) của 10 ngân hàng theo dõi giảm nhẹ 0,8% so với năm 2017. Mặc dù vậy, Techcombank lại có tăng trưởng mạnh mẽ 175% về dư nợ trái phiếu.

Nối tiếp xu hướng đầu tư trái phiếu từ Techcombank, sang nửa đầu năm 2019, tổng dư nợ trái phiếu TCKT ở 10 ngân hàng trên đã tăng nhẹ 2% so với đầu năm đạt 152.300 tỉ đồng, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân là 8,1%. Dư nợ trái phiếu các TCKT không có nhiều thay đổi ở hầu hết ngân hàng. 

VN 1

Tuy nhiên, đặc biệt trong số đó, hai ngân hàng gồm MBBank và TPBank lại có sự mở rộng đầu tư rõ nét vào trái phiếu TCKT với mức tăng lần lượt là 78,7% và 25,3%. Đây cũng là hai  ngân hàng có tăng trưởng dư nợ tín dụng mạnh nhất trong nửa đầu 2019 với mức tăng lần lượt 13,9% và 15,9%, chỉ sau VIB.

Tính đến tháng 6/2019, hầu hết ngân hàng có tỉ trọng trái phiếu TCKT ở mức độ vừa phải phổ biến khoảng 2 - 4% dư nợ tín dụng. Hai ngân hàng có tỉ trọng thấp nhất là ACB (không có dư nợ trái phiếu TCKT) và Vietcobank (1,1% tín dụng).

Ba ngân hàng có tỉ trọng đầu tư vào TPTCKT lớn nhất gồm có Techcombank (60,7 nghìn tỉ đồng, chiếm 24,7% dư nợ tín dụng), MBBank (15,6 nghìn tỉ đồng, chiếm 6,1% dư nợ tín dụng) và TPBank (6,4 nghìn tỉ đồng, chiếm 6,7% dư nợ tín dụng).

VN 2

Cảnh báo rủi ro từ đầu tư trái phiếu bất động sản

Theo dữ liệu thống kê các giao dịch phát hành trái phiếu từ FiinGroup, trong 8 tháng đầu năm giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tổng cộng đạt 108.900 tỉ đồng.

Trong đó, trái phiếu do ngân hàng phát hành chiếm 45%, bất động sản chiếm 24%, du lịch và giải trí chiếm 10,4%, xây dựng chiếm 7,5%, công ty chứng khoán chiếm 3,9%, còn lại 13,0% do các công ty thuộc các lĩnh vực khác phát hành.

Báo cáo của VDSC cho biết trong danh mục trái phiếu TCKT của các ngân hàng này nhiều khả năng có nhiều trái phiếu liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Trong nửa đầu năm, Techcombank đã mua hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu của công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Tân Liên Phát Sài Gòn. 

MBB và MBS cũng mua 200 tỉ đồng trái phiếu của Novaland vào tháng 5, và 550 tỉ đồng trái phiếu do bất động sản Phát Đạt phát hành trong tháng 6.

Ngoài ra, xu hướng bảo lãnh phát hành trái phiếu qua công ty chứng khoán sau đó phân phối lại cho nhà đầu tư cá nhân cũng đang trở nên phổ biến. Tại Techcombank, phần lớn trái phiếu TCKT được đầu tư thông qua TCBS, sau đó TCBS sẽ chia nhỏ và bán lại cho khách hàng lẻ. 

Tương tự, MBBank cũng đang hướng tới phân phối các trái phiếu (sản phẩm G-bond). Sau khi ngân hàng bán lại, rủi ro sẽ được chuyển sang cho người mua thứ cấp. Với nghiệp vụ này, ngân hàng thu được phí tư vấn phát hành trái phiếu và phí phân phối trái phiếu (đối với phần bán lại cho khách hàng cá nhân).

Với tiềm lực tài chính tốt, các ngân hàng đang đóng vai trò là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều ngân hàng đang đầu tư mạnh vào trái phiếu các TCKT, nhất là các trái phiếu có lãi suất cao để đẩy mạnh tín dụng và đạt lợi suất đầu tư chứng khoán nợ cao nhằm mở rộng NIM. 

Tuy nhiên, việc mở rộng quá nhanh thông qua mua trái phiếu các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực bất động sản sẽ có tiềm ẩn nhiều rủi ro, mặc dù hiện tại chưa có ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ lệ nợ xấu hay trích lập dự phòng của các ngân hàng. 

Mặt khác, khi trái phiếu được bán lại cho khách hàng lẻ, đa số bộ phận nhà đầu tư cá nhân không có khả năng đánh giá rủi ro của sản phẩm này một cách toàn diện và chặt chẽ như ngân hàng. 

Đặc trưng của các doanh nghiệp bất động sản là loại hình kinh doanh có rủi ro cao, nhu cầu vốn lớn và đang tăng trưởng chậm lại. 

Đây cũng là nguyên nhân mà vào đầu tháng 8, NHNN có công văn đến các NHTM về việc kiểm soát rủi ro trong hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng cần duy trì việc đầu tư trái phiếu hợp lí nhằm cân bằng giữa lợi suất và rủi ro, cũng như bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Diệp Bình