|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu tiềm ẩn có thể quét sạch lợi nhuận các ngân hàng Trung Quốc

12:30 | 14/08/2020
Chia sẻ
Nợ xấu các ngân hàng Trung Quốc đã tăng mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng của COVID-19, gây áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong nước, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Trung Quốc đã phải cho phá sản ngân hàng đầu tiên do bê bối gian lận.

Theo SCMP, hôm 13/8, giới quan chức ngân hàng Trung Quốc cho biết các ngân hàng của nước này sẽ phải xử lí khoản nợ xấu trị giá 3.400 tỉ nhân dân tệ (489,5 tỉ USD) vào năm 2020. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức 2.300 tỉ nhân dân tệ của năm 2019 và còn có thể còn cao hơn vào năm 2021.

Điều này cảnh báo một rủi ro lớn mà hệ thống ngân hàng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

Theo số liệu thống kê chính thức, tỉ lệ nợ xấu ở Trung Quốc thuộc hàng thấp nhất thế giới. Tỉ lệ này tại các ngân hàng thương mại Trung Quốc đã tăng 0,03 điểm % trong quí II lên mức 1,94%.

Nhưng các khoản nợ xấu tiềm ẩn nếu bị lộ ra, có thể dễ dàng quét sạch lợi nhuận ngân hàng và gây xói mòn nguồn vốn. Theo dữ liệu của chính phủ, trong nửa đầu năm nay, lợi nhuận của các ngân hàng Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau hơn một thập kỉ, giảm 9,4%, xuống 1.000 tỉ nhân dân tệ.

Nợ xấu gia tăng sẽ gây áp lực lên hệ thống tài chính Trung Quốc vào 2020, 2021 - Ảnh 1.

Ông Quách Thụ Thanh phát biểu hôm 13/8. (Nguồn: SCMP).

Theo ông Quách Thụ Thanh, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, sự gia tăng các khoản nợ xấu khó thu hồi sẽ gây áp lực rất lớn lên các ngân hàng trong nước, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ.

Ông cho rằng sự tăng trở lại của các khoản nợ xấu là "không thể tránh khỏi" vì cú sốc COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến rất nhiều công ty và việc tái cơ cấu khoản vay sang năm 2020 khiến một số vấn đề sẽ nảy sinh trong năm 2021.

Cảnh báo của ông Quách được đưa ra vào thời điểm nhiều ngân hàng nhỏ của nước này đang phải đối mặt với hậu quả sau nhiều năm mở rộng bảng cân đối kế toán một cách vô tội vạ, đồng thời là sự gian lận và tham nhũng.

Ngân hàng Baoshang là một ví dụ điển hình, ngân hàng này đã không công bố bất kì báo cáo thường niên nào kể từ năm 2016 và được chính quyền tiếp quản vào tháng 5/2019. 

Đây là ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho phép phá sản sau khi Tập đoàn Tomorrow Group đã vay trái phép 22,3 tỉ USD, khiến ngân hàng này sụp đổ vì mất khả năng thanh toán.

Ngoài ra, chính quyền Trung Quốc cũng đã vào cuộc để bảo lãnh ngân hàng Hengfeng Bank vào năm ngoái. Ít nhất 4 vụ rút tiền gửi đột biến đã được báo cáo ở Trung Quốc trong năm nay. Tất cả đều tại các ngân hàng nhỏ quanh khu vực. Tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng thương mại nông thôn là 4,22% theo thống kê chính thức của Trung Quốc.

Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ, thường do chính quyền địa phương chỉ đạo, đang trở nên thường xuyên hơn. 5 ngân hàng địa phương khác ở tỉnh Sơn Tây phía bắc cũng đang dự kiến sẽ hợp nhất thành một ngân hàng.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân hoa xã, ông Quách Thụ Thanh cam kết sẽ bổ sung vốn điều lệ của các ngân hàng nhỏ, mở rộng phạm vi vốn để xử lí rủi ro và cải thiện quản trị doanh nghiệp.

Ông nói thêm: "Việc cải cách các ngân hàng qui mô vừa và nhỏ là chìa khóa để cải thiện tính lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chính tổng thể."

Lê Huy

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).