|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nợ xấu các ngân hàng tăng hai chữ số, tín hiệu tiêu cực từ ảnh hưởng của COVID-19

10:56 | 22/04/2020
Chia sẻ
Số dư nợ xấu của nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong khi tăng trưởng cho vay duy trì ở mức khiêm tốn là một trong những tín hiệu cho thấy ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang ngày càng rõ rệt trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Cuối tháng 4, các ngân hàng đồng loạt công bố báo cáo tài chính quí I/2020 cho thấy một bức tranh toàn cảnh hoạt động các ngân hàng trong những tháng đầu năm, trước ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19.

Một trong những điểm dễ nhận thấy là nợ xấu nhiều ngân hàng có dấu hiệu tăng lên. Tổng số dư nợ xấu của 11/13 ngân hàng công bố báo cáo tài chính tăng 11,3% trong 3 tháng đầu năm. Trong đó, có tới 9/11 ghi nhận nợ xấu tăng, hai ngân hàng có số dư nợ xấu giảm là SeABank và VPBank.

Nợ xấu các ngân hàng tăng hai chữ số, tín hiệu xấu từ ảnh hưởng của COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: Diệp Bình tổng hợp từ BCTC của các ngân hàng

Số dư nợ xấu tăng mạnh trong khi tăng trưởng cho vay khiêm tốn chỉ khoảng 2,5% là tín hiệu đầu tiên cho thấy sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới hoạt động của ngành tài chính ngân hàng. Hai vấn đề song song nhu cầu tín dụng giảm và nợ xấu tăng lên cũng được nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo trước đó khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp trên toàn cầu, làm trì trệ nền kinh tế.

Theo một thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), có khoảng 2 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. 

NHNN cũng cho rằng nếu dịch tiếp tục kéo dài sẽ tác động lớn đến chất lượng tài sản của các ngân hàng, làm tăng tỉ lệ nợ xấu và có thể ảnh hưởng tới đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lí nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của những TCTD yếu kém. 

Trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quí II, tỉ lệ nợ xấu toàn hệ thống sẽ ở gần mức 4% vào cuối quí II và 3,7% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn.

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings nhận định ngành ngân hàng trở thành một trung gian quan trọng trong việc cứu trợ tài chính và có thể sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách. Fitch cho rằng sự thiếu hụt động lực kinh tế mà các ngân hàng Việt phải đối mặt trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản và thu nhập lãi. 

Những điểm nhấn về nợ xấu

Kienlongbank có lẽ là ngân hàng gây ấn tượng mạnh nhất khi số dư nợ xấu tại ngân hàng này vọt tăng đột biến từ 342 tỉ đồng cuối năm trước lên hơn 2.100 tỉ đồng vào cuối quí I, tương đương tăng thêm gần 1.900 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng lên 6,62%.

Ngân hàng cho biết nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng mạnh do việc hạch toán gần 1.896 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu STB của Sacombank vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN. Đây là khoản nợ đã tồn tại nhiều năm và Kienlongbank đang ra sức xử lí dứt điểm bằng nhiều cách trong năm nay.

Mặc dù số dư nợ xấu tại Kienlongbank tăng cao nhưng trên thực tế nếu loại trừ khoản đột biến gần 1.900 tỉ đồng "nợ cũ" này thì mức độ biến động về nợ xấu của ngân hàng lại rất nhỏ.

Nhóm ngân hàng có tăng trưởng hai chữ số về số dư nợ xấu trong kì gồm: TPBank, BaoVietBank, ACB, VIB, Bac A Bank. Trong khi nhóm tăng trưởng thấp gồm Vietcombank, Sacombank, LienVietPostBank.

Đáng chú ý, VPBank một trong số ít ỏi ngân hàng ghi nhận nợ xấu giảm mặc dù là ngân hàng có tỉ lệ khách hàng vay tiêu dùng lớn, đây là nhóm khách hàng có rủi ro cao về thanh toán trong dịch bệnh.

Theo nhận định của Moody's, những công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cung cấp các sản phẩm cho vay tín chấp và hướng tới phân khúc dân số có thu nhập thấp, nhưng đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế. Sự gia tăng thất nghiệp sẽ làm suy yếu khả năng trả nợ của người vay ở phân khúc nà do nguồn thu nhập không ổn định và hạn chế.

Có lẽ xác định được những rủi ro phải đối mặt của mình, VPBank cho biết đã đặt mục tiêu kiểm soát rủi ro lên hàng đầu bằng cách thắt chặt giải ngân với những sản phẩm có rủi ro cao, giảm tỉ trọng cho vay tín chấp. Đồng thời, thực hiện các biện pháp giãn nợ, tái cấu trúc, giảm lãi suất từ 1%-3% tùy theo đối tượng khách hàng theo chủ trương của NHNN.

Tính đến giữa tháng 4/2020, VPBank đã cơ cấu lại hàng nghìn tỉ đồng dư nợ cho hơn 5.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo Thông tư của NHNN, nhóm khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh được cơ cấu trong thời gian này sẽ được giữ nguyên nhóm nợ, không ảnh hưởng tới tỉ lệ nợ xấu của các nhà băng.


Diệp Bình