|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu STB khiến lợi nhuận một ngân hàng giảm 23%, tỉ lệ nợ xấu vọt lên 6,62%

06:58 | 22/04/2020
Chia sẻ
Trong quí I/2020, lợi nhuận trước thuế Kienlongbank giảm 23% do tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Đồng thời, ngân hàng cũng phải hạch toán thêm gần 1.900 tỉ đồng nợ có khả năng mất vốn đến từ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank.

Lợi nhuận giảm 23% do tăng mạnh trích lập dự phòng 

Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank – Mã: KLB) vừa công bố báo cáo tài chính quí I với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 57 tỉ đồng, giảm 23% so với quí I/2019 và chỉ đạt 7,6% kế hoạch lợi nhuận năm 2020 (750 tỉ đồng). Lợi nhuận sau thuế ở mức 46 tỉ đồng, giảm 23,1%.

Trong kì, tổng thu nhập hoạt động của Kienlongbank tăng gần 33%, đạt gần 384 tỉ đồng với nhiều mảng kinh doanh ghi nhận tăng trưởng trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng hơn 21%. Qua đó, giúp lãi thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 65,6% lên gần 126 tỉ đồng.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 9,2%, đạt gần 296 tỉ đồng; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 55,6%, mang về gần 19 tỉ đồng. Đáng chú ý, mảng kinh doanh ngoại hối và hoạt động kinh doanh khác tăng trưởng mạnh; với mức lãi thuần đạt lần lượt 9 tỉ đồng và 60 tỉ đồng, gấp gần 5 lần và 16 lần cùng kì năm trước.

Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm Kienlongbank đã trích tới 69 tỉ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 38 lần cùng kì năm trước. Đây chính là nguyên nhân khiến lợi nhuận trước thuế của nhà băng này giảm 23% so với quí I/2019.

Thuyết minh báo cáo tài chính Kienlongbank cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tăng "chóng mặt" trong quí I do ngân hàng này đã phải phân bổ chi phí dự phòng rủi ro cụ thể cho khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác vào chi phí trong kì theo quyết định chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank khiến lợi nhuận Kienlongbank giảm 23%, nợ xấu vọt lên 6, - Ảnh 1.

Chi phí dự phòng rủi ro của Kienlongbank tăng mạnh do gia tăng trích lập cụ thể cho khoản vay của một nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu Sacombank. (Nguồn: BCTC hợp nhất)

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết hoạt động, lãnh đạo Kienlongbank cho biết lợi nhuận 2019 giảm hơn 70% so với 2018, đạt 86 tỉ đồng chủ yếu do liên quan đến các khoản nợ được đảm bảo bằng cổ phiếu Sacombank.

Cụ thể, Kienlongbank đã phải hạch toán giảm các khoản lãi phải thu đã ghi nhận trong các năm trước theo phương án xử lí nợ được NHNN phê duyệt đối với các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản bảo đảm là cổ phiếu Sacombank.

Kienlongbank cho biết đã nhận được đầy đủ hợp đồng ủy quyền có công chứng từ các khách hàng vay và chủ sở hữu tài sản về việc đồng ý cho Kienlongbank thực hiện chào bán tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank để thu hồi nợ. Đây cũng sẽ là một khoản thu nhập sẽ đóng góp đáng kể vào lợi nhuận năm 2020.

Được biết, ngân hàng này đã lên kế hoạch xử lí các khoản vay có tài sản bảo đảm là cổ phiếu của Sacombank và tiến hành chào bán số cổ phiếu ngay trong tháng 1, dự kiến hoàn tất trong năm 2020.

Hồi đầu năm nay, Kienlongbank đã hai lần chào bán 176,4 triệu cp Sacombank thế chấp tại ngân hàng để xử lí nợ xấu nhưng đều không thành công khi giá chào bán cao gấp hơn 2 lần thị giá trên sàn chứng khoán.

Khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank khiến lợi nhuận KienlongBank giảm 23%, nợ xấu vọt lên 6, - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh quí I của Kienlongbank (Nguồn: BCTC hợp nhất).

Tỉ lệ nợ xấu vọt lên 6,62%

Tính tới 31/3/2020, tổng tài sản của Kienlongbank tăng 3,9% lên 53.086 tỉ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 1% đạt 33.830 tỉ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 34.243 tỉ đồng.

Khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank khiến lợi nhuận KienlongBank giảm 23%, nợ xấu vọt lên 6, - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài sản của Kienlonbank (Nguồn: BCTC hợp nhất).

Tại thời điểm 31/3, tổng giá trị nợ xấu nội bảng của Kienlongbank ở mức 2.240 tỉ đồng, tăng gần 1.900 tỉ so với cuối năm 2019. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là gần 2.127 tỉ đồng, tăng 1.888 tỉ đồng. 

Theo Kienlongbank, nợ có khả năng mất vốn của ngân hàng này tăng mạnh do việc hạch toán gần 1.896 tỉ đồng dư nợ các khoản cho vay của nhóm khách hàng có tài sản đảm bảo là cổ phiếu của Sacombank vào nợ nhóm 5 theo quyết định chỉ đạo của NHNN.

Ngoài ra Kienlongbank cũng cho biết trong hơn 31.421 tỉ đồng nợ đủ tiêu chuẩn của ngân hàng này tại thời điểm 31/3 có gần 125 tỉ đồng dư nợ cho vay các khách hàng với mục đích phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thông đã được cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như trước khi cơ cơ cấu một lần theo qui định.

Khoản nợ thế chấp bằng cổ phiếu Sacombank khiến lợi nhuận Kienlongbank giảm 23%, nợ xấu vọt lên 6, - Ảnh 4.

Cơ cấu dư nợ cho vay của Kienlongbank. (Nguồn: BCTC hợp nhất).

Quốc Thụy

'Tăng trưởng GDP 2025 đạt 8%, 2026 - 2030 đạt 10%, Việt Nam sẽ thoát bẫy thu nhập trung bình'
Theo TS. Cấn Văn Lực, năm 2025 phải phấn đấu để đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% và giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng hai con số khoảng 10% thì Việt Nam mới có thể vượt bẫy thu nhập trung bình, đạt mục tiêu đến 2045 trở thành nước thu nhập cao và có nền tảng công nghiệp hiện tại.