Nỗ lực giảm tác hại môi trường của ngành thời trang không thể xoa dịu sự hoài nghi của công chúng
Đối mặt với sự tẩy chay của một bộ phận công chúng đối với hàng dệt may rẻ theo trường phái "mặc nhanh để thành rác", nhiều nhà bán lẻ tuyên bố họ đang nâng mức độ thân thiện môi trường của sản phẩm.
Hàng loạt sáng kiến của ngành thời trang
Một số doanh nghiệp bắt đầu tìm giải pháp giảm rác dệt may và sợi tổng hợp, đồng thời tìm các loại sợi có khả năng phân hủy và dùng lại hoặc tái chế quần, áo cũ.
Ví dụ, thương hiệu thời trang nhanh H&M và Zara - chuyên bán quần, áo giá rẻ với số lượng lớn - đều triển khai hàng loạt giải pháp để giảm tác hại môi trường.
H&M có chương trình thu thập hàng dệt may, cho phép khách hàng bỏ quần, áo cũ trong cửa hàng để tái sử dụng hoặc tái chế.
"Khoảng 57% vật liệu của H&M là vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững với môi trường, tăng 35% chỉ trong một năm", một người phát ngôn của công ty nói với CNBC.
Báo Los Angeles Time đưa tin, Forever 21 đang thử nghiệm chương trình đổi giày và hàng dệt may cũ lấy phiếu giảm giá 15% tại các cửa hàng của họ ở thành phố Los Angeles. Với phiếu giảm giá, người mua sẽ hưởng mức chiết khấu 15% trong giao dịch tương lai.
100% túi giấy và túi nilon mà Forever 21 sử dụng sẽ là loại túi được tái chế và tái sử dụng. Họ tái chế hộp đựng hàng ở các điểm phân phối hàng ngày.
Trụ sở của tập đoàn ở bang California lấy điện từ các tấm pin mặt trời. Tập đoàn tiếp tục vận chuyển hàng bằng đường biển và hàng không để giảm thiểu lượng phát thải khí carbon.
Mọi nỗ lực mới nhất của Forever 21 đều nhắm tới việc thu hút sự chú ý của thế hệ Z (những người sinh sau năm 1997). Hàng loạt khảo sát và nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế hệ Z rất quan tâm tới bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Họ sẽ ưu tiên những sản phẩm, dịch vụ của những thương hiệu mà họ cảm thấy có trách nhiệm với xã hội và thế giới.
Inditex, tập đoàn bán lẻ sở hữu thương hiệu Zara, thông báo rằng toàn bộ quần, áo của họ sẽ có nguồn gốc hữu cơ vào năm 2025, và rằng các nguồn năng lượng thay thế sẽ cấp điện cho 80% trung tâm phân phối, cửa hàng và văn phòng của tập đoàn.
Sự hoài nghi của công chúng
Mặc dù vậy, một số người tỏ ra nghi ngờ các sáng kiến bền vững của các thương hiệu. Họ chỉ ra rằng mô hình kinh doanh thời trang nhanh và sự bền vững không thể tương thích với nhau.
Lập luận của họ là khi một mô hình kinh doanh dựa trên sự thay đổi phong cách nhanh, việc sản xuất sản phẩm thời trang sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, bất kể doanh nghiệp có cửa hàng hay vật liệu thân thiện môi trường hay không.
Về phía người tiêu dùng, họ có thể giảm tác động về phương diện trang phục bằng cách đọc nhãn quần, áo và tìm hiểu cách thức doanh nghiệp tạo ra sản phẩm trước khi mua chúng, cũng như mua trang phục cũ trên ứng dụng mua sắm hoặc cửa hàng đồ cũ.
"Người tiêu dùng không chỉ tìm một áo sơ mi hoàn hảo, mà còn muốn tìm một công ty thực sự đóng góp vào một thế giới tốt hơn. Đó là một phần của sự nhận diện thương hiệu và câu chuyện mà họ sẽ kể", Thorbeck bình luận.