|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nợ 50 tỉ đồng, hai ông chủ Leflair vẫn đi làm cố vấn Maison

21:15 | 15/05/2020
Chia sẻ
Đang bị tố nợ các nhà cung cấp Việt một núi 50 tỉ đồng tiền hàng, hai ông chủ người Pháp vẫn ung dung đi làm cố vấn cho một tập đoàn thương mại khác ngay trong nước.
Nợ 50 tỉ đồng, hai ông chủ Leflair vẫn đi làm cố vấn Maison - Ảnh 1.

Đại diện Leflair gặp đại diện nhà cung cấp ngày 2.3 trước văn phòng công ty. ẢNH: NG.NG

Ngày 15.5, một số nhà cung cấp đang bị Leflair nợ 50 tỉ đồng tiền hàng thông tin, mọi đơn từ cầu cứu của 500 nhà cung cấp gửi đến nhiều cơ quan hầu hết không nhận được hồi âm.

“Sau tất cả, chúng tôi chỉ nhận được sự im lặng!”, bà Th., một nhà cung cấp hàng cho Leflair, cho biết và bổ sung, chỉ có một nơi là Eurocham - Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trả lời rằng không thể giúp gì trong vấn đề này.

Email của đại diện Eurocham viết: “E rằng chúng tôi không thể giúp bạn trong vấn đề này. Cả người các bạn đề cập trong tin nhắn cũng như doanh nghiệp của họ (Leflair - PV) chưa từng là thành viên của phòng chúng tôi. Do đó, chúng tôi không có kết nối với họ và không có cách nào hỗ trợ bạn”.

Làm cố vấn 3 tháng hay giữ vị trí giám đốc điều hành?

Điều đáng nói là hai doanh nhân người Pháp Loic Erwan Kevin Gautier và Pierre Antoine Brun - đồng sáng lập trang thương mại điện tử Leflair chuyên kinh doanh hàng hiệu đang được tập đoàn bán lẻ hàng hiệu Maison Group tuyển dụng. Thông tin này đã khiến diễn đàn các nhà cung cấp cho Leflair dậy sóng mấy hôm nay.

Đại diện nhân sự của Maison Group cho biết doanh nghiệp “chiêu mộ” 2 người Pháp này về công ty để tư vấn trong 3 tháng và giữa Maison và Leflair hiện không có công nợ gì với nhau. Việc hợp tác giữa hai bên đã được kết thúc tất toán vào cuối năm 2019.

Tuy nhiên, một tài liệu được công khai trên diễn đàn này là nội dung mail bằng tiếng Anh được cho là thư giới thiệu 2 ông chủ Leflair vào Maison hoàn toàn không đề cập đến việc làm “tư vấn trong thời gian ngắn” mà chỉ rõ ông Pierre Antoine Brun sẽ đóng vai trò Chief Operating Officer (Giám đốc điều hành), và ông Loic Gautier giữ vị trí Chief Growth Officer (Giám đốc tăng trưởng).

Nợ 50 tỉ đồng, hai ông chủ Leflair vẫn đi làm cố vấn Maison - Ảnh 2.

Các nhà cung cấp đến chờ giải quyết công nợ với Leflair vào ngày 10.3 vừa qua. Tuy nhiên, đến nay, mọi công nợ của 500 nhà cung cấp hàng cho Leflair vẫn chưa được trả đồng nào

Hơn 3 tháng trước, khi dịch Covid-19 bắt đầu “vượt biên” khỏi Trung Quốc, lan đến Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, Leflair đột ngột có thư chia tay với 500 nhà cung cấp hàng tại Việt Nam với lời hứa sẽ giải quyết công nợ, tiền hàng… sau khi bán thành công sàn thương mại điện tử này cho nhà đầu tư nước ngoài.

Tổng số tiền hàng doanh nghiệp này nợ do chính công ty cung cấp tại các buổi gặp nhà cung cấp khoảng 2 triệu USD, theo thống kê của các nhà cung cấp khoảng 50 tỉ đồng.

Tuy nhiên, việc bán công ty không thành, theo lời “trách cứ” của hai doanh nhân người Pháp tại các buổi gặp các nhà cung cấp là do các nhà cung cấp làm “lớn” chuyện, để báo chí Việt Nam nhảy vào ì xèo, khiến không ai dám mua.

Thực tế, thông tin tìm người mua lại công ty hay đàm phán bán công ty không thành đều do chính đại diện Leflair đưa ra. Kế đó, các vật dụng, văn phòng phẩm trong văn phòng công ty tại TP.HCM được rao bán âm thầm trên diễn đàn mua bán của TP.HCM.

Nhà cung cấp tên Th. cho rằng, email rõ ràng nhấn mạnh tầm quan trọng của Pierre và Loic trong việc giúp xây dựng và vận hành nền tảng Maison.

Bà Th. thông tin, Maison phân phối tại thị trường Việt Nam và được quảng cáo trên facebook của Leflair và trên cộng đồng mua hàng hiệu gồm các thương hiệu: Christian Louboutin (21.11.2019), Puma (9.1.2020), Mango (13.1.2020).

“Quy trình thanh toán xưa nay của Leflair là 7 ngày bán + 15 ngày ra báo cáo bán hàng + 5 ngày đối chiếu công nợ và xuất hóa đơn + 15 ngày sau tất toán. Như vậy, nhà cung cấp mất ít nhất 42 - 45 ngày mới nhận được tiền hàng từ Leflair.

Giả sử nhãn hàng Louboutin của Maison bán ngày 21.11.2019 thì sớm nhất đến ngày 5.1.2020 mới được thanh toán. Trong khi đó, tại buổi họp chính thức được hai ông Pierre và Loic thông báo vào tháng 3, không có nhà cung cấp nào được thanh toán công nợ từ tháng 12.2019 và tháng 1.2020” - vị này phân tích và khẳng định “có điều gì đó” hoặc “thỏa thuận” có lợi cho hai bên đằng sau việc này.

Thỏa thuận nhằm “đánh đổi quyền lợi”?

Bà Th. - đại diện nhà cung cấp cho Leflair nói: “Đã biết rõ họ đang nợ chúng tôi gần 50 tỉ đồng tiền hàng, Công ty Maison tuyển dụng và thông tin sai sự thật. Ngoài ra, email giới thiệu nhấn mạnh tầm quan trọng của ông Pierre và Loic trong việc giúp xây dựng và vận hành nền tảng E-commerce (thương mại điện tử).

Điều này hoàn toàn phù hợp thực tế khi mấy tháng gần đây, công ty này đang đẩy mạnh bán hàng nhưng cũng chỉ được đánh giá 2,5 điểm trên 5 điểm. Rõ ràng, họ thỏa thuận để đánh đổi quyền lợi”.

Mặc dù Leflair đã kêu gọi được 11 triệu USD vốn đầu tư từ các quỹ nhưng cuối cùng những quỹ này rời bỏ Leflair khi chưa giải ngân xong. Thành lập năm 2014, theo báo cáo tài chính năm 2018 thì lỗ lũy kế của Leflair là hơn 110 tỉ đồng trong khi vốn pháp định là 5,6 tỉ đồng.

Đại diện 500 nhà cung cấp phân tích: “Một khi 2 nhà sáng lập Leflair có trình độ chất xám ở mức độ thất bại trong việc định hướng và điều hành 1 trang thương mại điện tử thì chắc chắn họ cũng sẽ không được tín nhiệm để được tuyển dụng vào một vị trí tương tự ở một công ty khác”.

Nợ 50 tỉ đồng, hai ông chủ Leflair vẫn đi làm cố vấn Maison - Ảnh 3.

Lời tạm biệt của Leflair trện trang website công ty

Đồng quan điểm, bà K.Đ - đại diện nhà cung cấp bổ sung: “Ông Pierre và Loic là hai start-up của Leflair, trong hình huống này, họ không thể nào khởi nghiệp lần nữa tại Việt Nam, ít nhất trong vòng 5 năm tới. Thế nên bắt buộc họ phải đi làm công ăn lương.

Tôi nghĩ đây như hình thức “cấn nợ” lợi hai bên. Maison sử dụng hai ông Pierre và Loic là nghiễm nhiên sở hữu được nguồn dữ liệu khách hàng cực lớn Leflair đã gầy dựng 5 năm. Đổi lại, chính hai người nước ngoài này có công việc quản lý như “đang đuối có phao”, vẫn được trả lương. Một hợp tác “win-win”, tốt cho cả hai.

Chỉ có điều, với 500 nhà cung cấp, rõ ràng không công bằng chút nào và về mặt pháp luật, hai doanh nhân người Pháp cũng vi phạm chiếm đoạt tài sản của nhà cung cấp. Không thể nghiễm nhiên ung dung đi kiếm việc, bỏ mặc núi nợ như vậy được. Đó mới chính là điều khiến các nhà cung cấp rất phẫn nộ và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc càng sớm càng tốt".

Theo các nhà cung cấp, đơn thư tố cáo, cầu cứu của tập thể, cá nhân các nhà cung cấp cho Leflair đến nay đã được gửi đến các cơ quan và cá nhân trong các tổ chức: Văn phòng Chính phủ, Chánh văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Chủ nghiệm Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ KH-ĐT, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Pháp tại Việt Nam, EuroCham, Chánh Văn phòng Trung ương, UBND TP.HCM…

Nguyên Nga