|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Leflair quay trở lại: Có dẫm lên vết xe đổ?

06:55 | 29/06/2021
Chia sẻ
Tăng trưởng 100% mỗi năm kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015, Leflair vẫn sụp đổ vào năm 2020 dù nhà đầu tư thừa nhận "thực sự thích".

Social Pass, một công ty công nghệ Việt Nam, mới đây cho biết đã thâu tóm thương hiệu Leflair và sẽ tái khởi động nền tảng thương mại điện tử Leflair trong quý III năm nay.

Chia sẻ trong một thông báo, Social Pass nói rằng Leflair "sẽ tiếp tục phục vụ nhu cầu hàng hiệu ngày càng tăng cao tại Việt Nam và khu vực". Social Pass đồng thời nói rằng "đã thực hiện những thay đổi cần thiết" để đảm bảo quyền lợi của cả nhà cung cấp và khách hàng.

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 1.

Hai người đồng sáng lập Leflair: Ông Pierre-Antoine Brun (bên trái) và Loïc Gautier (bên phải). (Ảnh: Leflair)

Khi Leflair nộp đơn phá sản hồi năm ngoái, startup này bị không ít đối tác "tố" vẫn còn nợ số tiền lớn. Thời điểm đó, ông Loic Gautier, đồng sáng lập và CEO Leflair, tiết lộ rằng con số có thể lên tới "gần 2 triệu USD".

Nhân sự trở lại thị trường của thương hiệu Leflair, hãy cùng nhìn lại lý do thất bại của Leflair ngay cả khi đang tăng trưởng 100% mỗi năm kể từ khi thành lập vào năm 2015.

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 2.

Leflair hoạt động theo mô hình flash-sale để thuyết phục khách hàng mua các món đồ từ các thương hiệu cao cấp như Nike, Adidas, Daniel Wellington, hay Michael Kors với mức giảm giá lên tới 70%.

Khi còn hoạt động, startup này tự nhận bản thân mình là "một cửa hàng outlet (bán đồ giảm giá) trực tuyến" cho các thương hiệu. Bằng cách này, Leflair giúp các thương hiệu có thể chuyển các mặt hàng bán cuối mùa hoặc hàng bán chậm vào kho của Leflair để giải phóng kho cho các mặt hàng mới hơn. Đổi lại, các nhà cung cấp phải bán hàng cho Leflair với mức chiết khấu sâu.

"Chúng tôi bán nhiều mặt hàng trong thời gian ngắn và với lựa chọn hàng hẹp hơn nhiều so với các sàn thương mại điện tử như Lazada. Khả năng đàm phán với các thương hiệu của chúng tôi giúp khách hàng có thể mua đồ ở mức giá tốt nhất", ông Gautier, CEO Leflair, giải thích.

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 3.

(Dữ liệu: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn).

Mô hình hoạt động của Leflair là thử-và-đúng bởi nó "mượn" ý tưởng của các startup khác ở Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ để biến đổi và áp dụng tại Đông Nam Á. Tại Trung Quốc, có một số startup nổi tiếng cũng hoạt động tương tự mô hình của Leflair là Glamour Sales và Mei.com. Các startup này "bán đồ theo số lượng lớn và với mức giảm giá lên tới 90%". Reebonz, một startup Singapore, cũng tiếp nhận và bán các món đồ tồn kho từ thương hiệu nổi tiếng.

Leflair cũng hoạt động theo mô hình ký gửi. Với mô hình này, các nhà bán hàng sẽ gửi hàng cho một bên thứ ba, trong trường hợp này là Leflair, để bán hàng. Các nhà bán hàng sẽ vẫn nhận được phần trăm doanh thu từ hoạt động bán hàng do bên thứ ba thực hiện.

Theo chia sẻ của ông Gautier trên Tech in Asia, Leflair không mua hàng hoá trước. "Chúng tôi chỉ mua những gì chúng tôi đã bán được và trả hàng những gì chúng tôi không bán được".

Ví dụ, khi Leflair nhận được 1.000 đôi giày từ một thương hiệu, Leflair sẽ lưu sản phẩm trong kho hàng của mình. Mô hình vận hành này giúp Leflair tránh được việc lưu kho quá nhiều sản phẩm. Nếu 700 đôi giày được bán trong các sự kiện flash-sale của Leflair, startup này sẽ gửi trả 300 đôi còn lại cho thương hiệu.

"Các thương hiệu có thể gửi hàng vào kho của chúng tôi trước khi chúng tôi bắt đầu bán hàng. Đó là cách chúng tôi tăng tốc quá trình giao hàng", ông Gautier chia sẻ. Mô hình của Leflair ghi nhận thành công nhất định. Trong khi có được 20% biên lợi nhuận, nó cũng ghi điểm trong mắt các thương hiệu vì khá dễ tận dụng.

"Khác với các sàn thương mại điện tử truyền thống, chúng tôi không có 10 mức phí khác nhau. Chúng tôi đưa ra giá mua vào và xử lý các vấn đề còn lại, từ lưu kho đến giao hàng", ông nói thêm.

Mặc dù thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã có nhiều "ông lớn" hoạt động, ông Gautier không cho rằng việc Leflair phá sản là kết quả của cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ.

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 4.

Leflai tập trung vào thị trường ngách khi chỉ bán hàng hiệu. (Ảnh: Leflair).

"Chúng tôi đã không thể tăng trưởng 100% mỗi năm trong 4 năm liên tiếp nếu không có cạnh tranh mạnh mẽ", ông nêu rõ.

Trong khi Leflair bán hàng hiệu giá thấp, với các "ông lớn" thương mại điện tử khác, người chiến thắng là người "đốt nhiều tiền hơn cho việc tặng người dùng các ưu đãi", ông nhận định thêm.

Một yếu tố khác cũng tạo ra sự khác biệt của Leflair là giá trị giỏ hàng. Với giá trị giỏ hàng trung bình 50 USD, số liệu của Leflair thuộc hàng cao nhất trên thị trường và cao cấp 6 lần giá trị đơn hàng trung bình của các công ty thương mại điện tử Việt Nam (ở mức 8,6 USD), theo Tech in Asia.

Con số 50 USD giá trị trung bình cho mỗi đơn hàng mà Leflair đạt được là khá ấn tượng, đặt trong bối cảnh vào thời điểm năm 2019, trung bình những người mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chỉ chi tiêu khoảng 46 USD mỗi năm.

Ông Gautier giải thích giá trị đơn hàng cao của Leflair đến từ 30% khách hàng trung bình dành 100 USD mỗi tháng trên sàn thương mại điện tử này. "Cạnh tranh không giết chết chúng tôi. Và cạnh tranh từ các "ông lớn" cũng không khiến các sàn thương mại điện tử ngách từ bỏ thị trường Việt Nam".

Vậy tại sao Leflair lại lâm vào khó khăn về tài chính? Doanh thu của Leflair duy trì ở mức chưa cao và startup này luôn trong tình trạng thiếu vốn.

Gautier chia sẻ bản thân đã bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Ông cho rằng Leflair cần phải tiêu tiền và đẩy mạnh phát triển để có thể thực hiện vòng gọi vốn 40 triệu USD mà nó đang đặt mục tiêu.

"Bên cạnh tuyển dụng thêm 50 nhân sự ở Philippines, chúng tôi nâng cấp vận hành và xử lý hàng hoá ở Việt Nam và Singapore để sẵn sàng đón nguồn doanh thu từ 50 triệu USD đến 100 triệu USD", ông chia sẻ.

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 5.

Ngay cả các cựu nhân sự của Leflair cũng cho rằng startup này đang chi tiêu thiếu ý nghĩa.

"Chi phí thuê văn phòng quá cao và lương nhân sự cũng vậy. Tất cả đều có thể thấp hơn. Leflair đang chi ra số tiền cao hơn mức trung bình của thị trường", một cựu nhân sự Leflair nói với Tech in Asia.

Phản hồi lại ý kiến này, ông Gautier nói rằng những chi tiêu của Leflair là hợp lý vì Leflair "phải đảm bảo cạnh tranh với các công ty khác như Grab, Sendo, Deliveroo, và Lazada thì mới có thể tuyển dụng được nhân tài", ông nói. "Chúng tôi trả lương cao vì đây là công việc vất vả. Chúng tôi sẽ không thể bắt nhân sự làm việc 12 giờ một ngày nếu không trả lương đủ tốt".

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 6.

Văn phòng Leflair ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Leflair).

Một vài cựu nhân sự khác đồng ý với quan điểm này. Họ cho rằng làm việc ở Leflair không chỉ có thu nhập cao mà còn được tận hưởng "một trong những môi trường làm việc tốt nhất".

Trong khi đó, một cựu nhân sự cho rằng Leflair "không nên chi quá nhiều tiền cho các dịch vụ như dùng DHL để giao hàng". Người này nói rằng việc thuê một công ty Úc để thiết kế ứng dụng Leflair cũng là quá đắt đỏ so với việc thuê một công ty trong nước. 

Dù vậy, ông Gautier nói rằng nhà thiết kế ứng dụng Úc "là lựa chọn rõ ràng" cho Leflair. "Chúng tôi bán sản phẩm cao cấp vì thế chúng tôi phải cung cấp những gì tốt nhất".

Dù vậy, vị CEO thừa nhận có một điều lẽ ra ông phải làm theo cách khác. Lẽ ra ông cần giảm phụ thuộc "nặng nề" vào Google Facebook cho nhu cầu marketing của công ty, đồng thời ông cần tìm ra điểm cân bằng tốt hơn giữa tăng trưởng và chi phí.

"Xây dựng thương hiệu là câu chuyện của vài năm chứ không phải vài tuần. Bạn càng muốn tăng trưởng nhanh, chi phí càng cao", Gautier nhận ra. "Đây là lời khuyên của tôi cho các startup: Hãy tìm cách tránh làm việc với Facebook và Google – chúng không kỳ diệu đến như vậy".

Các startup như Leflair chịu rất nhiều áp lực tăng trưởng và thường chi nhiều tiền cho hoạt động marketing. CEO Leflair khuyên các startup tìm điểm cân bằng giữa chi cho quảng cáo số và xây dựng thương hiệu vì "chỉ lựa chọn sau có thể cứu bạn khi mọi thứ thay đổi".

"Nếu như bạn phụ thuộc nhiều vào quảng cáo số để có thêm khách hàng mới và thuyết phục khách hàng cũ trở lại, bạn có thể đốt hết tiền trong vài tháng. Quảng cáo trả phí hiệu quả nhưng không bền vững nếu như bạn không gọi thêm hàng triệu USD mỗi năm".

Leflair sắp trở lại: Lý giải nguyên nhân sàn TMĐT hàng hiệu hiếm hoi tại Việt Nam sụp đổ - Ảnh 7.

Giống nhiều startup khác, sự tồn tại của Leflair phụ thuộc nhiều vào vấn đề gọi được vốn đúng thời điểm. Ông Gautier tiết lộ startup này đang chuẩn bị thu hút được 40 triệu USD trong vòng Series C thì các nhà đầu tư "dội gáo nước lạnh".

"Chúng tôi thực sự thích Leflair nhưng nó không có lãi và thật khó để thuyết phục các đối tác của chúng tôi. Vì thế chúng tôi phải rút chân", một nhà đầu tư hiện hữu nói với Leflair.

COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020 cũng khiến Leflair lâm vào tình thiếu tiến thoái lưỡng nan.

"Chúng tôi có 15 nhà đầu tư hiện hữu nhưng tất cả họ đều cũng đang gặp khó khăn với việc kinh doanh của chính mình. Tôi không thể đổ lỗi cho họ vì thời kỳ bất định này", ông Gautier nói.

Cuối tháng 1 năm ngoái, Leflair sa thải khoảng từ 25% đến 30% số lượng nhân sự tại Việt Nam. Leflair cam kết trả lương đủ tháng cộng thêm một tháng lương thôi việc. Lúc này, số tiền 7 triệu USD kêu gọi được ở vòng Series B đã gần cạn.

Không còn vốn, Leflair đệ đơn phá sản vào tháng 5/2020. "Thực sự rất buồn vì chúng tôi vẫn tăng trưởng 100% mỗi năm kể từ năm 2015", ông Gautier nói. "Chúng tôi thậm chí còn bắt đầu có doanh thu 8 chữ số".

Nam Khánh