|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam có gì mà Leflair vẫn muốn quay trở lại sau khi phá sản?

07:00 | 16/06/2021
Chia sẻ
Leflair quay trở lại trong bối cảnh thương mại điện tử Việt Nam được dự báo tăng trưởng 29% trong giai đoạn 2020 - 2025 và cán mốc 52 tỷ USD vào năm 2025.

Như tin chúng tôi đã đưa trước đó, sàn thương mại điện tử Leflair sắp quay trở lại thị trường Việt Nam với một nhà đầu tư mới - Công ty TNHH SoPa Technology (Social Pass) - đơn vị sở hữu nền tảng khách hàng thân thiết dựa trên dữ liệu tại Đông Nam Á.

Trước đó, đầu tháng 2/2020, Leflair thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, với lý do "áp lực về nguồn vốn", song vẫn tiếp tục duy trì nhập khẩu hàng. Tháng 3 cùng năm Leflair được chấp thuận mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật.

Vậy thị trường thương mại điện tử Việt Nam có gì khiến những sàn thương mại đã "ngã đau" như Leflair vẫn không từ bỏ ý định quay lại?

Chiếc áo vẫn còn rộng

Theo báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam 2021 của VECOM, tốc độ tăng trưởng trung bình của thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2019 khoảng 30%. Từ năm 2015 - 2019, quy mô thương mại điện tử, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng từ 4 tỷ USD lên khoảng 11,5 tỷ USD.

VECOM ước tính tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2020 tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và đạt quy mô 15 tỷ USD. 

Còn theo báo cáo thương mại điện tử Đông Nam Á 2020 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam năm 2020 dự báo tăng 16% và đạt quy mô trên 14 tỷ USD, giai đoạn 2020 - 2025 dự báo tăng trưởng 29% và tới năm 2025 quy mô thương mại điện tử nước ta đạt 52 tỷ USD.

Hiện, các sàn thương mại điện tử lớn nhất nước ta bao gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Trong đó, lượng truy cập web mỗi tháng của Shopee lên tới hơn 63,7 triệu lượt, Tiki là 19 triệu lượt và 18 triệu lượt trên Lazada hay hơn 8 triệu lượt của Sendo.

Leflair nhìn thấy gì từ thị trường TMĐT Việt Nam khi muốn quay trở lại? - Ảnh 2.

Bảng xếp hạng các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam. (Nguồn: Price Insight).

Bên cạnh đó, dưới tác động của đại dịch COVID-19 làm thay đổi hành vi mua sắm của khách hàng từ offline sang online cùng thanh toán không chạm nở rộ, các sàn thương mại điện tử cũng tăng thêm sức cạnh tranh để thu hút người dùng gia nhập và giao dịch trên sàn.

Theo số liệu từ Haravan, quý I/2021, số người kinh doanh và các doanh nghiệp chuyển đổi lên online cũng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước và số lượng đơn hàng online qua kênh mạng xã hội cũng tăng hơn 70%.

Báo cáo "Digital Consumers of Tomorrow, Here's Today" của Facebook và Bain & Company cũng chỉ ra đại dịch đã đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi kinh doanh online của doanh nghiệp. Hơn 63% người tiêu dùng Việt Nam được khảo sát cho thấy sẵn sàng mua online thay vì đợi đến các đợt khuyến mãi.

Nhìn ra được tiềm năng của thị trường thương mại điện tử Việt Nam, hàng loạt các ông lớn ngoại đã đổ tiền vào các sàn như Tiki, Shopee,...

Đơn cử, Tiki có sự góp mặt của quỹ đầu tư mạo hiểm của chính phủ Singapore là EDBI; JD.com và các nhà đầu tư từ Hàn Quốc như STIC, KIP; từ Nhật Bản như CyberAgent Ventures, Sumitomo... 

Shopee từng nhận vốn đầu tư 50 triệu USD từ công ty SEA (Singapore). Lazada ngoài Alibaba là đồng cổ đông kiểm soát còn có có nhà đầu tư khác là quỹ đầu tư quốc gia Temasek của Singapore. Tại Sendo, nhà đầu tư trong nước nắm gần 35%, trong khi 16 cổ đông ngoại sở hữu hơn 65% cổ phần.

Thị trường ngách

Sự trở lại của Leflair là minh chứng cho việc thị trường thương mại điện tử Việt Nam rất giàu tiềm năng và còn nhiều dư địa để khai thác, đặc biệt là các thị trường ngách. 

Mới đây nhất, Tập đoàn Alibaba và Baring Private Equity Asia đã đầu tư 400 triệu USD vào The CrownX - đơn vị bán lẻ của Masan Group, để lấy 5,5% cổ phần. Với sự hợp tác này, The CrownX sẽ hợp tác với Lazada để phân phối hàng nhu yếu phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Theo số liệu Masan Group, tuy mua sắm online tăng nhanh tại Việt Nam, song hơn 25% nhu cầu của người tiêu dùng là các mặt hàng nhu yếu phẩm (thực phẩm, đồ uống,… ) lại chưa được phục vụ đầy đủ trên kênh bán hàng này.

Trong khi đó, trên các trang thương mại điện tử, phần lớn các sản phẩm được bán là các mặt hàng không thiết yếu, giá trị cao và tần suất mua hàng thấp như thiết bị điện tử, thời trang, mỹ phẩm,… Điều này đã tạo ra sự mất cân bằng giữa nhu cầu mua online của người tiêu dùng và khả năng cung cấp hàng hoá của các sàn thương mại.

Rõ ràng, Masan Group đang có một cách tiếp cận rất mới mẻ đối với thương mại điện tử, đó là đi vào thị trường ngách, bán những mặt hàng chưa nhà phân phối nào để ý tới.

Leflair nhìn thấy gì từ thị trường TMĐT Việt Nam khi muốn quay trở lại? - Ảnh 3.

Các sản phẩm đăng bán trên Leflair vẫn còn lưu giữ trên trang Facebook. (Ảnh: Chụp màn hình FB Leflair).

Tương tự, mô hình Leflair trước khi dừng kinh doanh tại Việt Nam cũng đi theo con đường ngách, chuyên phân phối hàng hiệu uy tín có nguồn gốc châu Âu. Các sản phẩm được đăng bán trên Leflair gồm quần áo, giày dép, đồng hồ, túi ví, mỹ phẩm... với nhiều thương hiệu xa xỉ khác nhau trên thế giới, hướng đến đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Đây là mảng kinh doanh đang bị các sàn thương mại điện tử Việt Nam bỏ ngỏ.

Tuy quy mô sản phẩm và ngành hàng có phần hẹp hơn so với các sàn lớn như Shopee, Tiki nhưng Leflair có đối tượng khách hàng và đơn vị phân phối khá rõ ràng.

Trong giai đoạn trước khi tuyên bố đóng cửa, Leflair có mô hình kinh doanh khá ấn tượng khi giữ hàng qua kho để đảm bảo quá trình kiểm tra quản lý chặt chẽ thay vì theo mô hình "chợ trực tuyến" (marketplace).

Như vậy có thể thấy Leflair còn rất nhiều dư địa để phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam, khi chọn một thị trường ngách, ít người chơi để khai thác, đồng thời dư địa phát triển trong ngành vẫn còn khá rộng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Tường Vy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.