|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Giám đốc Leflair kể hành trình tới vực thẳm: Lao đao khi không huy động vốn đúng hạn, gục ngã vì COVID-19

14:53 | 16/07/2020
Chia sẻ
Cơn bĩ cực của Leflair bắt đầu lộ diện khi các nhà đầu tư tiềm năng chần chừ vì công ty chưa có lãi. Ngay sau đó, đại dịch COVID-19 ập tới, khiến công ty không kịp trở tay.

Ngày 2/7, cơ quan Cảnh sát Điều tra - Công an TP HCM thông báo họ đang thụ lí nguồn tin về tội phạm theo đơn tố giác của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, về việc Công ty Cổ phần Leflair có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 6,4 tỉ đồng.

Leflair là sàn thương mại điện tử chuyên phân phối đồ hiệu tại thị trường Việt Nam, ra đời năm 2015, bởi 2 doanh nhân người Pháp. Doanh thu mỗi năm lên đến hàng chục triệu USD với giá trị đơn trên mỗi khách hàng cao nhất thị trường.

Giám đốc công ty là ông Loic Erwan Kevin Gautier (SN 1990, quốc tịch Pháp), đồng thời là người đại diện pháp luật của Leflair.

Hồi đầu tháng 2, Leflair thông báo tạm dừng hoạt động tại Việt Nam, với lí do "áp lực về nguồn vốn". Một tháng sau, hàng trăm nhà cung cấp hàng cho Leflair lên tố doanh nghiệp chưa trả tiền công nợ.

Hàng trăm nhà cung cấp cáo buộc Leflair chưa thanh toán cho họ khoản tiền hàng khoảng 6,5 tỉ đồng (280.000 USD). Vì thế, Cơ quan điều tra của Công an TP HCM đã triệu tập Loic Gautier, giám đốc Leflair, để lấy thông tin.

Giới truyền thông địa phương đưa tin Loic Gautier không ở nhà anh ta tại Quận 2, TP HCM khi cảnh sát tới. Gautier nói với trang Tech in Asia rằng anh ta không không đào tẩu và đã liên lạc với những người liên quan tới vụ việc để xử lí.

"Tôi không thoái thác trách nhiệm và kế hoạch của tôi là đối mặt những cáo buộc", Gautier khẳng định với Tech in Asia. Anh ta nói thêm rằng, do các thủ tục visa do dịch COVID-19 nên anh ta đang sống ở Paris, trong khi vợ và con ở Mỹ.

Giám đốc Leflair kể hành trình tới vực thẳm: Lao đao khi không huy động vốn đúng hạn, gục ngã vì COVID-19 - Ảnh 1.

Loic Gautier và Pierre Antoine Brun - hai người quốc tịch Pháp đã sáng lập sàn thương mại điện tử Leflair. Ảnh: Leflair

Mới năm ngoái, triển vọng của Leflair vẫn còn rất tươi sáng. Công ty mở rộng liên tục, cung cấp sản phẩm cao cấp với giá rẻ. Sau khi khai trương tại Việt Nam vào năm 2015, họ đã thu hút hơn 2.500 thương hiệu hợp tác và mở rộng hoạt động sang Singapore và Philippines.

Sự tồn tại của Leflair chủ yếu phụ thuộc vào việc gọi thêm vốn đúng hạn. Gautier nói rằng startup của anh ta đang nỗ lực huy động 40 triệu USD trong vòng gọi Series C. Đúng lúc quá trình thảo luận tiến tới "giai đoạn quan trọng", các nhà đầu tư đột nhiên tỏ ra hời hợt.

"Các nhà đầu tư không thể hiện bất kì dấu hiệu thay đổi định hướng nào, ít nhất ở thời điểm các bên thảo luận vào tháng 11 năm ngoái", Gautier kể.

Rồi vào khoảng tháng 12, vài nhà đầu tư nói với Gautier rằng họ thực sự thích Leflair nhưng nếu công ty không có lợi nhuận, họ sẽ không thể thuyết phục các đối tác nên họ phải bỏ cuộc.

Giám đốc Leflair kể hành trình tới vực thẳm: Lao đao khi không huy động vốn đúng hạn, gục ngã vì COVID-19 - Ảnh 2.

Doanh thu của Leflair từng lên tới hàng chục triệu USD. Ảnh: Leflair

Viễn cảnh tiếp tục trở nên tồi tệ vào đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 lây lan khắp toàn cầu. Những cổ đông hiện tại của Leflair đều lo sợ và gặp rắc rối theo hiệu ứng dây chuyền. Các nhà đầu tư Trung Quốc lao đao vào tháng 1, rồi các nhà đầu tư Hàn Quốc lâm vào tình cảnh tương tự hồi tháng 2. Đến tháng 3, đại dịch bắt đầu ran rộng và mọi cuộc thảo luận về việc huy động vốn của Leflair đều phải hoãn.

"15 nhà đầu tư hiện nay của Leflair đều đang phải thực hiện cam kết cứu những doanh nghiệp mà họ đang rót vốn. Đương nhiên, chúng tôi không thể dồn trách nhiệm lên đầu họ, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19", Gautire bộc bạch.

Đúng lúc nguy cấp, Leflair cần tối thiểu 2 triệu USD từ mỗi nhà đầu tư hiện tại để duy trì hoạt động. Trớ trêu thay, đa số nhà đầu tư của Leflair đều có qui mô nhỏ (rót vốn từ vòng hạt giống) hoặc những qũi đầu tư mạo hiểm nên họ không có đủ khả năng để cứu Leflair.

Cuối tháng 2, Leflair giảm 25 - 30% nhân sự tại Việt Nam và Philippines. Ban lãnh đạo cam kết họ sẽ trả phần lương còn lại, thêm một tháng phụ cấp thôi việc. Giảm nhân sự là một phần trong kế hoạch cứu công ty. Leflair đã chi hết 7 triệu USD mà họ huy động trong vòng gọi vốn Series B.

Giới truyền thông địa tiết lộ Leflair nợ các nhà cung cấp 2 triệu USD và chỉ còn chưa tới 50.000 USD trong tài khoản ngân hàng. Người mua phàn nàn công ty chưa hoàn trả tiền cho họ, còn nhân viên khẳng định họ chưa nhận lương.

"Tâm trạng sợ hãi bao trùm khiến những người muốn giúp Leflair do dự. Lẽ ra chúng tôi phải kiểm soát hiệu quả những ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là cảm giác hoang mang của nhân viên", Gautier nói.

Đối mặt với việc hết vốn, và không còn cơ hội thoát hiểm, Leflair chỉ còn cách duy nhất là nộp đơn xin phá sản vào tháng 5. 

"Xin phá sản là quyết định đáng buồn. Leflair đã tăng trưởng hàng năm tới 100% từ khi bắt đầu vào năm 2015. Thậm chí công ty từng đạt doanh thu tới hàng triệu USD", Gautier tâm sự.

Nhạc Phong