Tỉ phú Jeff Bezos và cơ hội trở thành người đầu tiên sở hữu khối tài sản 1.000 tỉ USD
Theo tính toán của trang đánh giá phần mềm Comparisun, nếu giữ nguyên tốc độ tăng tài sản như hiện tại, thì Jeff Bezos sẽ là người đầu tiên sở hữu khối tài sản 1.000 tỉ USD ở tuổi 62.
Với tốc độ tăng trưởng về tài sản 34% mỗi năm, chỉ cần mất thêm 6 năm nữa để chủ tịch Amazon vượt mốc 1.000 tỉ USD, một cột mốc đáng nhớ bất chấp việc Jeff Bezos đã mất 34 tỉ USD sau vụ li hôn "đắt tiền" với vợ cũ MacKenzie Bezos.
Cũng theo tính toán của Comparisun, trong số 25 tỉ phú giàu nhất hành tinh, chỉ 11 người có cơ hội sở hữu 1.000 tỉ USD với tốc độ tăng trưởng tài sản như hiện tại. Bezos có thể là người đầu tiên, nhưng Mark Zuckerberg đang sở hữu khả năng là người trẻ nhất hoàn thành "mục tiêu" ở độ tuổi 51 vào năm 2036.
Một chi tiết đáng chú ý, Comparisun đã sử dụng dữ liệu về khối tài sản của các tỉ phú ở thời điểm tháng 9 năm ngoái, nên đã bỏ qua một "lợi thế" của Jeff Bezos khi giá cổ phiếu Amazon tăng liên tục trong thời gian dịch bệnh. Nguyên nhân chính đến từ việc nhu cầu mua sắm trực tuyến trên thế giới bỗng dưng tăng vọt.
Hiện tại, nhà sáng lập Amazon sở hữu 138 tỉ USD và tính riêng trong năm 2020, ông đã "kiếm thêm" 28,3 tỉ USD, theo dữ liệu từ Bloomberg.
Bezos không phải là trường hợp duy nhất "giàu lên" nhờ đại dịch. Sau thời gian đầu tiên thị trường chứng khoán thế giới lao đao vì dịch bệnh, tình hình đã dần khả quan hơn. Tính từ 18/3 tới 10/4, các tỉ phú USD của Mỹ đã kiếm thêm 282 tỉ USD sau thời gian liên tục "mất tiền" từ đầu năm.
Bên cạnh sự thành công của Bezos, Amazon đang đối mặt với nhiều chỉ trích về cơ chế đãi ngộ. Sau khi tăng lương thêm 2 USD/giờ cho các nhân viên kho bãi, tập đoàn đã quyết định hủy bỏ cơ chế khi dịch bệnh vẫn đang lây lan tại Mỹ.
Một số công nhân kho bãi đã nhiễm COVID-19 và thực tế ấy gây ảnh hưởng tâm lí tới một bộ phận người lao động công ty. Theo Business Insider, nhiều công nhân đã biểu tình và đình công phản đối những chính sách của Amazon.