Việt Nam sắp có sàn thương mại điện tử đầu tiên niêm yết tại Mỹ?
Society Pass, một nền tảng khách hàng thân thiết dựa trên dữ liệu được sáng lập tại Việt Nam, đã đệ trình hồ sơ cáo bạch để IPO trên sàn Nasdaq hồi tháng 7 năm nay. Theo KrAsia, Society Pass đang mong muốn kêu gọi 30 triệu USD thông qua thương vụ IPO của mình, theo hồ sơ cáo bạch mới nhất được công ty này đệ trình hồi ngày 4/10.
Nếu kế hoạch của Society Pass thành công, công ty này có thể trở thành công ty thương mại điện tử đầu tiên tại Việt Nam thực hiện niêm yết tại Mỹ. Hiện tại, Society Pass chưa có lãi tại Việt Nam. Tuy nhiên, hãng này đang tìm kiếm những kênh doanh thu khác, một trong số đó là động thái thâu tóm sàn thương mại điện tử Leflair. Trước đó, Leflair dừng hoạt động tại Việt Nam vào năm 2020.
Leflair từng nộp hồ sơ xin phá sản vào tháng 5/2020 sau khi đóng cửa hoàn toàn hoạt động kinh doanh. Ông Pierre Antoine Brun, đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành Leflair, cho biết công ty này đang nợ khoảng 2 triệu USD tới hơn 500 nhà cung cấp. Tuy nhiên, thời điểm đó, công ty này chỉ có khoảng 50.000 USD tiền mặt.
Dù vậy, ông Dennis Nguyen, sáng lập và CEO Society Pass, vẫn cho rằng việc mua lại Leflair là điều không cần nghĩ vì nó từng có doanh số 10 triệu USD và được xếp vào hàng top 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất VIệt Nam.
"Nền tảng đã được thiết lập", ông Dennis nói với KrAsia. "Đây là một hành trình 6 tháng dài và vất vả trong đó chúng tôi đã xây dựng lại mô hình kinh doanh. Chúng tôi xây dựng lại nền tảng, công nghệ, danh sách và thương hiệu, nhà cung cấp đồng thời tuyển dụng thêm nhân sự mới". Ông Dennis Nguyen nói rằng quá trình tái ra mắt Leflair đã đạt được những thành công nhất định.
Leflair hiện đang có hơn 1,5 triệu người dùng và hơn 3.500 nhà bán hàng, thương hiệu. Dù vậy, làn sóng COVID-19 tại Việt Nam trong nă nay tạo ra một rào cản lớn cho tăng trưởng.
Mảng thương mại điện tử ở Việt Nam đang có mức độ cạnh tranh rất lớn với các đối thủ như Shopee, Lazada, Tiki và Shopee. Doanh số thương mại điện tử tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 370% để chạm mốc 56 tỷ USD cho tới năm 2026, theo báo cáo của Facebook và Bain & Company.
Dù vậy, ông Dennis Nguyen tỏ ra tự tin trong bối cảnh cạnh tranh này vì Society Pass nhắm đến phân khúc cao cấp. "Chúng tôi tiếp cận các mặt hàng thương hiệu mà người Việt Nam khó mua được ở thị trường nội địa, trừ khi họ sang Hong Kong hoặc Singapore", ông chia sẻ.
Việc dấn thân vào mảng thương mại điện tử được kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình tài chính của Society Pass. Được thành lập vào năm 2019, Society Pass vẫn chưa có lãi.
Công ty này ghi nhận doanh thu 52.453 USD trong năm 2020 cùng khoản lỗ ròng 3,8 triệu USD. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm, lỗ ròng của Society Pass đã lên tới 2,8 triệu USD.
Hiện tại, Society Pass cũng vận hành hệ thống SoPa.asia (hệ thống chi thưởng và đặt đồ ăn trực tuyến) và HotTab (dịch vụ điểm bán cho doanh nghiệp). Hai hệ thống này đang được hơn 100.000 người dùng và 3.500 nhà bán hàng sử dụng.
"Chúng tôi nỗ lực có lợi nhuận nhanh nhất có thể. Mô hình kinh doanh đã được vạch ra và chúng tôi cần thêm một chút thời gian và động lực để có lợi nhuận", ông Dennis Nguyen chia sẻ. Hiện tại, Society Pass cũng đang có kế hoạch mở rộng ra các thị trường khác tại Đông Nam Á, trước mắt là Philippines và Indonesia.