Vụ kiện nhỏ, hậu quả to: Sự giận dữ của người tiêu dùng Trung Quốc với Apple được tòa án sở tại 'bật đèn xanh'
Tòa án Tối cao Trung Quốc đã đưa ra một phán quyết dân sự có lợi cho người tiêu dùng trong vụ kiện chi nhánh Apple tại Trung Quốc. Đây là một diễn biến có thể mở ra cánh cửa cho nhiều người tiêu dùng trong nước thưa kiện hàng loạt tập đoàn này ra các tòa án địa phương, theo SCMP.
Tòa cho rằng vụ kiện của một người dân tên Jin Xin chống lại Apple Trung Quốc có thể tiếp tục được tiến hành tại tòa án Thượng Hải. Đồng thời, tòa bác bỏ lời biện hộ của Apple rằng chi nhánh Trung Quốc của họ không nên bị kiện về các vấn đề liên quan đến hoạt động của App Store.
Jin Xin đang yêu cầu Apple ngừng tính phí hoa hồng 30% đối với các giao dịch mua hàng trong Cửa hàng ứng dụng Trung Quốc và cho phép người tiêu dùng Trung Quốc thanh toán qua các ví khác ngoài Apple Pay. Nguyên đơn muốn Apple bồi thường 100.000 nhân dân tệ (hơn 350 triệu đồng) và đưa ra lời xin lỗi công khai. Tòa án Sở hữu trí tuệ Thượng Hải vẫn chưa đưa ra phán quyết về việc liệu các yêu cầu của Jin có được chấp thuận hay không.
Dẫu vậy, quyết định của tòa án cấp cao nhất Trung Quốc có thể báo hiệu nhiều rắc rối phía trước cho Apple tại thị trường này, nơi hiện chiếm 1/5 doanh số bán iPhone của họ. Wang Qiongfei, luật sư của Jin, nói với SCMP trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng một phiên xét xử dự kiến sẽ diễn ra tại Thượng Hải vào tháng Giêng tới.
Wang, người đồng sáng lập KinDing, một công ty luật có trụ sở tại Hàng Châu, cho biết: “Đây là trường hợp người tiêu dùng Trung Quốc đứng lên bảo vệ quyền lợi của họ chống lại một gã khổng lồ kinh doanh quốc tế.” Ông cho biết vụ việc sẽ là một cột mốc để người tiêu dùng Trung Quốc đòi hỏi dịch vụ và sự đối xử tốt hơn từ các công ty lớn như Apple.
Apple từ chối bình luận về vụ việc.
Jin đã đệ đơn kiện chi nhánh Apple tại Thượng Hải vào tháng 2/2021 với lập luận rằng Apple có khả năng lạm dụng sự thống trị thị trường của mình bằng cách tính "thuế Apple" đối với các ứng dụng và loại trừ các dịch vụ thanh toán khác như Alipay và WeChat Pay, cả hai trong số đó được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc.
Trong nhiều năm, Apple đã tính mức phí 30% hoa hồng cho tất cả các giao dịch mua hàng trong ứng dụng được tải xuống từ App Store của mình. Đối mặt với sự giám sát từ giới chức các nước trong những tháng gần đây, công ty đã cắt giảm mức phí trong năm nay xuống 15% đối với các nhà phát triển tạo ra doanh thu hàng năm dưới 1 triệu USD cũng như với các ứng dụng vừa được phát hành.
Vào tháng 6, Apple đã công bố rằng hệ sinh thái App Store đem lại 643 tỷ USD doanh số vào năm 2020. Trung Quốc chiếm 47% trong số này, theo công ty nghiên cứu Analysis Group, trong khi thị trường Mỹ chỉ chiếm 27%.
Apple đã tự hào về việc có một hệ sinh thái khép kín, an toàn nhưng áp lực pháp lý từ người tiêu dùng và các đối thủ hiện đang dẫn đến những rạn nứt trong “khu vườn có tường rào bao quanh” của họ.
Chẳng hạn, vào tháng 8, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật cấm các nhà khai thác cửa hàng ứng dụng, bao gồm cả Apple và Google, khỏi việc ép buộc các nhà phát triển phần mềm sử dụng cách thức thanh toán của riêng họ, cũng như nghiêm cấm các tập đoàn công nghệ tính phí hoa hồng khi mua hàng trong ứng dụng.
Cũng vào tháng trước, một vụ kiện mang tính bước ngoặt giữa Apple và Epic Games ở Mỹ đã có phán quyết với việc Apple bị Tòa sơ thẩm liên bang quận Bắc California coi là có hành vi độc quyền. Tuy nhiên, gã khổng lồ công nghệ đã được phép giữ lại hệ thống thanh toán của mình. Epic đã kháng cáo phán quyết này, hứa hẹn một cuộc đấu pháp lý kéo dài còn tiếp tục ở phía trước.
Quay lại với thị trường Trung Quốc, trong phán quyết được công bố vào thứ Hai tuần trước, các thẩm phán tối cao nước này cho hay Apple có thể đã lạm dụng vị thế thị trường của mình và làm suy yếu sự cạnh tranh, mở đường cho các thẩm phán thành phố Thượng Hải tiếp tục xét xử vụ kiện.
Trong vụ kiện này, Jin cáo buộc rằng giá của các ứng dụng được cung cấp bởi App Store của Apple, bao gồm ứng dụng video iQiyi, ứng dụng podcast Himalaya và ứng dụng âm nhạc NetEase Music, cao hơn so với các cửa hàng ứng dụng Android. Đây là kết quả từ việc Apple áp đặt mức 30% hoa hồng trong cửa hàng ứng dụng. Jin cũng viện dẫn Luật chống độc quyền của Trung Quốc khi cáo buộc Apple có hành vi “phản cạnh tranh”.
You Yunting, phó tổng giám đốc cấp cao của Công ty Luật Debund Thượng Hải, nói rằng phán quyết của tòa án cấp cao nhất có thể có tác động sâu rộng.
“Tôi cho rằng vụ án này đã thiết lập một nguyên tắc mới đó là các vụ việc chống độc quyền liên quan đến việc vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng và do đó các tòa địa phương có thể xét xử nếu người dân thưa kiện. Vì vậy, điều này có nghĩa là các nguyên đơn trong các vụ kiện chống độc quyền, ví dụ như các đối thủ cạnh tranh của công ty độc quyền hoặc người tiêu dùng, có thể viện tới các tòa địa phương để thực hiện các hành động pháp lý cần thiết.”
Các nền tảng phân phối phần mềm như Steam, PlayStation Store và Nintendo eShop đều yêu cầu các mức hoa hồng khác nhau.
Rich Bishop, giám đốc điều hành của nhà phát hành ứng dụng AppInChina, nói rằng thị trường ứng dụng Android ở Trung Quốc khác biệt rõ ràng so với phần còn lại của thế giới vì Google Play không có sẵn tại đây.
Mặc dù Google Play có cấu trúc phí hoa hồng tương tự như App Store của Apple, nhưng các cửa hàng ứng dụng Android nội địa của Trung Quốc thường tính phí hoa hồng bằng 0 cho các ứng dụng không phải trò chơi trong khi cắt giảm 50% mức phí từ các ứng dụng loại này.
Mặt khác, theo một cuộc điều tra gần đây của Hội hiệp người tiêu dùng tại Thượng Hải, các ứng dụng bao gồm Bilibili, iQiyi và Mango TV tính phí thành viên của họ trên nền tảng iOS cao hơn so với Android hoặc PC.
Trong một số trường hợp, chênh lệch giá cho gói thành viên hàng năm có thể lên tới 100 nhân dân tệ (340.000 đồng). Sự khác biệt về giá này giữa iOS và Android đã gây ra tranh cãi trong nhiều năm qua.