|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ninh Thuận rà soát các dự án năng lượng tái tạo đủ điều kiện triển khai giai đoạn 2022 - 2025

21:30 | 06/07/2022
Chia sẻ
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương có gần 25 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã được Thủ tướng, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực đảm bảo đủ điều kiện triển khai đưa vào vận hành giai đoạn 2022 - 2025.

UBND tỉnh Ninh Thuận vừa yêu cầu Sở Công thương rà soát các dự án năng lượng tái tạo đã được các cấp phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh đủ điều kiện triển khai giai đoạn 2021 - 2025 và danh mục dự kiến giai đoạn 2026 - 2030, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đưa tin.

Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương có gần 25 dự án năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đã được Thủ tướng, Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung quy hoạch phát triển điện lực (được phê duyệt Danh mục nguồn và có phương án đấu nối lưới) đảm bảo đủ điều kiện triển khai đưa vào vận hành giai đoạn 2022 - 2025.

Hiện, tỉnh Ninh Thuận có 9 dự án điện mặt trời nối lưới với tổng công suất 750 MW bao gồm dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2, (công suất 40 MW); dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 (công suất 34 MW); dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.4 (công suất 80 MW); dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu 2 (công suất 184 MW).

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Trung (công suất 40 MW); dự án Điện mặt trời Phước Thái 2, (công suất 80 MW); dự án điện mặt trời Phước Thái 3 (công suất 40 MW); Dự án điện mặt trời Thiên Tân 2.1 (công suất 60 MW) và dự án điện mặt trời Thiên Tân 2.2 (công suất 192 MW).

Đồng thời, địa phương có 5 dự án điện gió trên bờ đủ điều kiện triển khai với tổng công suất 215 MW gồm dự án Nhà máy điện gió Habaram (công suất 93 MW); dự án Công trình Phong điện Việt Nam Power số 1 (công suất 30 MW); dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 3 (công suất 39,4 MW), dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 4 (công suất 27,6MW); dự án Nhà máy điện gió Công Hải 1 giai đoạn 2 (công suất 25 MW) và dự án Nhà máy điện gió Phước Hữu (công suất 50 MW).

Ninh Thuận còn có 6 dự án điện gió trên bờ đang chờ Quy hoạch điện VIII bổ sung danh mục nguồn và lưới điện; tổng công suất 406 MW.

Về thủy điện, Ninh Thuận có 4 dự án với tổng công suất 59 MW gồm dự án Thủy điện Tân Mỹ (công suất 10 MW); dự án Hồ thủy điện Mỹ Sơn (công suất 20 MW); dự án Thủy điện Thượng Sông Ông 2 (công suất 7 MW) và dự án Thủy điện Phước Hòa (công suất 22 MW).

Điện rác, Ninh Thuận có một dự án, công suất 6 MW (dự án đang phụ thuộc vào việc bổ sung quy hoạch phát triển điện lực nguồn và lưới).

Giai đoạn 2026 - 2030, Ninh Thuận dự kiến phát triển thêm hai dự án thủy điện tích năng (công suất 2.400 MW), một dự án Nhiệt điện khí LNG (công suất 1.500 MW). 

Ngoài ra các loại hình khác sẽ phát triển với công suất dự kiến như điện sinh khối với quy mô công suất 6 MW; thủy điện với quy mô công suất 80 MW; điện mặt trời với quy mô công suất 498 MW; điện mặt trời mái nhà với  quy mô công suất 90 MW; điện gió trên bờ với quy mô công suất 234,7 MW; điện gió ngoài khơi với quy mô công suất 2.000 MW.

Theo báo Đầu tư, UBND tỉnh Ninh Thuận giao Sở Công thương và các đơn vị liên quan tiếp tục theo dõi và kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét thẩm định tích hợp tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng sạch.

Tỉnh Ninh Thuận đặt mục tiêu cụ thể  đến năm 2025 sẽ có tổng công suất phát điện tăng thêm khoảng 3.000 MW để đạt công suất tích lũy 6.500 MW (điện mặt trời 3.440 MW, điện gió trên bờ và gần bờ 1.200 MW, thủy điện 360 MW, điện khí LNG 1.500 MW); sản lượng điện sản xuất đạt gần 11,2 tỷ kWh.

Định hướng năm 2030, tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu tổng công suất các nhà máy điện tăng thêm khoảng 5.300 MW, nâng quy mô công suất nguồn điện toàn tỉnh đạt 11.800 MW.

Như Huỳnh