|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Việt Nam tăng cường kiểm soát hàng nước ngoài dán nhãn 'Made in Vietnam' để tránh thuế

17:40 | 23/07/2019
Chia sẻ
Theo tờ Nikkei Asian Review, Chính phủ đã bắt đầu tăng cường kiểm soát các lô hàng từ Trung Quốc cũng như nhiều nơi khác để tránh tình trạng đi qua Việt Nam rồi được dán nhãn lại thành hàng Việt để tránh thuế quan của Mỹ.
https%3A%2F%2Fs3-ap-northeast-1

Ảnh minh họa: Reuters.

Sau vụ Asanzo, cần bộ qui tắc xác định xuất xứ

Theo Nikkei Asian Review, chính sách mạnh tay của Việt Nam được thực hiện sau loạt bài điều tra của báo Tuổi trẻ trong đó tiết lộ tivi của nhà sản xuất điện tử gia dụng Asanzo gần như hoàn toàn được lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Một số nguồn tin cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ phối hợp hoạt động giữa nhiều cơ quan để đưa ra các qui tắc nhằm ngăn chặn tình trạng trung chuyển hàng không chính đáng. Các qui tắc này cần được xây dựng theo tiêu chuẩn toàn cầu.

Bộ qui tắc mới có thể sẽ giải thích các yêu cầu đối với một sản phẩm được xem là sản xuất trong nước, chẳng hạn như tỉ lệ thành phần có nguồn gốc từ Việt Nam trong mỗi sản phẩm, cũng như qui trình lắp ráp ở Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm.

Đồng thời, người vi phạm có thể sẽ phải đối mặt với các mức phạt. Theo Nikkei, Việt Nam hi vọng rằng cuộc trấn áp này sẽ xoa dịu Washington, hiện đang chú ý đến Việt Nam hơn do mất cân đối thương mại ngày càng lớn giữa hai nước.

Động thái này của Việt Nam còn nhằm hoàn thiện các qui tắc dán nhãn lỏng lẻo đối với hàng hóa nhập khẩu để bán trong nước. Các hàng hóa này có thể xuất khẩu lại sang nước thứ ba mà không ai hay biết về nguồn gốc thực sự của chúng.

Lỗ hổng này đã khiến Việt Nam trở thành mục tiêu hấp dẫn để các nước "đi vòng" hàng hóa sang, từ đó khiến Washington tăng cường giám sát Việt Nam khi cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh kéo dài.

Hàng hóa xuất khẩu sang các nước mà Việt Nam có kí kết hiệp định thương mại tự do đều đã được yêu cầu đi kèm cùng giấy chứng nhận xuất xứ, với các qui tắc nghiêm ngặt nhằm xác định sản phẩm có phải được sản xuất tại Việt nam hay không.

"Dán nhãn phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh"

Mặc dù vậy, hàng hóa nhập khẩu cho thị trường nội địa lại là một câu chuyện khác. Các quốc gia công nghiệp như Nhật Bản, Mỹ và các nước châu Âu đều có tiêu chuẩn rõ ràng để phân biệt sản phẩm được sản xuất trong nước với hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên, ở những thị trường mới nổi như Việt Nam, "các tiêu chuẩn này rất mơ hồ và có những lúc luật pháp không được áp dụng một cách phù hợp", ông Masahiro Ishikawa, quyền giám đốc bộ phận tư vấn thương mại và đầu tư tại Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, cho hay.

"Trên thực tế, việc ghi nhãn dựa trên xuất xứ sản phẩm phụ thuộc vào đạo đức kinh doanh của từng doanh nghiệp", giám đốc chi nhánh của một công ty Nhật Bản có cơ sở sản xuất ở Việt Nam cho biết.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê thừa nhận rằng Việt Nam hiện chưa có qui định rõ ràng để giải quyết các trường hợp như tivi Asanzo.

Ông Lâm cho rằng nhiều công ty trong nước và nước ngoài cũng thường xuyên có hành vi tương tự.

Theo đó, họ thực hiện qui trình lắp ráp đơn giản cho phần lớn hàng thành phẩm xuất xứ từ Trung Quốc trước khi quảng cáo đến người tiêu dùng Việt Nam rằng đó là sản phẩm được sản xuất trong nước.

Vấn đề này đã góp phần khiến vấn đề trung chuyển trở nên phức tạp hơn. Tháng 5 vừa qua, cơ quan nhà nước đã bắt giữ tại cảng Hải Phòng một lô giày dép Trung Quốc sắp được xuất khẩu sang nước khác sau khi được dán nhãn là hàng Việt Nam.

Trong tháng 7 này, Bộ Thương mại Mỹ đã áp thuế lên tới 456% đối với một số sản phẩm thép có nguồn gốc từ Đài Loan và Hàn Quốc rồi được xử lí bước cuối tại Việt Nam.

Mặc dù chính sách này không ảnh hưởng đến hàng hóa từ Trung Quốc đại lục, nó báo hiệu rằng giới chức trách Mỹ đang có lập trường cứng rắn hơn trước tình trạng dán nhãn hàng Việt vào sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Yên Khê