Những yếu tố nào để TP HCM tiến tới khống chế dịch COVID-19?
"Tôi tin rằng sẽ kiểm soát được dịch". Đó là điều đã Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh trong cuộc họp về công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP. Vậy mục tiêu ấy sẽ dựa trên những cơ sở nào trong bối cảnh số ca F0 vẫn chưa có dấu hiệu giảm và thành phố vừa phải tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 30 ngày?
Nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội là yếu tố hàng đầu
Đối với TP HCM, theo ông Phong, việc kiểm soát dịch bệnh thành công phụ thuộc rất lớn vào tuân thủ giãn cách giữa người với người, nhà với nhà. Kiểm soát được giãn cách để các lực lượng chức năng có thể khoanh vùng, truy vết, giải quyết căn cơ được các chuỗi lây nhiễm, và là tiền đề cắt đứt nguồn lây.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định "giãn cách nghiêm là vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định. Các biện pháp khác là biện pháp kỹ thuật hỗ trợ thêm".
Trong bối cảnh ấy, Công an TP HCM cho biết, thời gian qua mỗi ngày có gần 1 triệu lượt người ra đường cùng với 120.000 lượt xe cộ. Bên cạnh những người dân chấp hành tốt các biện pháp phòng chống dịch vẫn tồn tại một số trường hợp cố tình vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Từ ngày 1/6 đến 13/8, CSGT TP đã xử lý 14.820 trường hợp không chấp hành Chỉ thị 16 (tổng số tiền phạt gần 30 tỉ đồng); 570 trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang (tổng số tiền phạt hơn 1 tỉ đồng).
Vì vậy, với tình hình dịch bệnh chưa thuyên giảm, việc tuân thủ giãn cách xã hội và hạn chế ra đường với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" vẫn cần được thắt chặt hơn, để hạn chế khả năng lây nhiễm.
Nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Những ngày qua, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), tỷ lệ F0 trong cộng đồng có dấu hiệu tăng. Trước đây, tỷ lệ F0 trong khu phong tỏa gần 80%. Nhưng hiện, F0 mới trong cộng đồng chiếm 53% (3.342 trường hợp), khu phong tỏa là 41%.
Theo Bộ Y tế, xét nghiệm sớm là giải pháp then chốt nhằm phát hiện nguồn lây, bóc tách F0 khỏi cộng đồng, xác định rõ người nhiễm để có biện pháp hỗ trợ sớm, tránh lây lan nhanh, lây lan diện rộng.
Từ ngày 27/4 đến 17/8, HCDC cho biết đã lấy 1.269.843 mẫu, (trong đó có 770.237 mẫu đơn, 499.606 mẫu gộp), với 4.592.677 người được lấy mẫu (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất...). Tổng số mẫu chưa có kết quả: 6.471 mẫu, trong đó có 6.056 mẫu đơn và 415 mẫu gộp.
Để đẩy nhanh việc xét nghiệm, bóc tách F0, TP HCM sẽ nhận thêm 10 xe xét nghiệm vào ngày 20/8, mỗi xe công suất 2.000 - 3.000 mẫu đơn, nhân lực xét nghiệm do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Hoạt động của các xe này đặt dưới quyền điều hành của TP HCM.
Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất để người dân tự test nhanh, nếu dương tính thì khẳng định lại bằng PCR. Hoặc thành phố chủ động "quét" các khu vực bằng test nhanh gộp mẫu hoặc bằng khẳng định theo vùng nguy cơ đã hướng dẫn.
Tập trung chữa trị, không để F0 chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong
Hiện TP đang điều trị 32.667 bệnh nhân, trong đó có 1.978 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.256 bệnh nhân nặng đang thở máy và 16 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tổng số ca xuất viện cộng dồn từ đầu năm đến nay là 78.150 bệnh nhân; có 285 trường hợp tử vong trong ngày.
Tăng lượng bệnh nhân xuất viện và giảm tỷ lệ tử vong là yếu tố quan trọng tiếp theo để giảm tải cho hệ thống y tế trước sức lây lan của dịch bệnh.
TP đang có 44.478 trường hợp F0 cách ly, theo dõi, điều trị tại nhà. Trong đó có 17.904 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngày từ đầu và 26.574 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.302 người.
Sở Y tế TP đã phối hợp tổ chuyên gia điều trị, trung tâm đầu tư cơ sở vật chất y tế rà soát tất cả cơ sở thu dung đảm bảo 4 nguyên tắc: Không để quá tải, đầy đủ thuốc men, đầy đủ nhân lực và mỗi bộ phận có người theo dõi giám sát.
TP cũng cung cấp F0 và gia đình F0 danh sách số điện thoại tổ phản ứng nhanh và các bác sĩ tư vấn trực tuyến, phân công tổ phản ứng nhanh theo dõi từng nhóm gia đình, kết nối thường xuyên giữa tổ phản ứng nhanh với tình hình sức khỏe của F0.
Đối với F0 điều trị tại nhà, cần phải có túi thuốc theo hướng dẫn của Sở Y tế. Đối với F0 hoàn cảnh khó khăn thì phải chuẩn bị gói an sinh (lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm...), F0 có đủ điều kiện kinh tế thì giúp họ mua thực phẩm.
Hiện tại, TP đã thiết lập 3 tầng thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19. Trong đó, ở tầng 1, lần đầu tiên triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà cho F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với gói thuốc điều trị tại nhà, nhằm giảm áp lực cho tầng 2.
Các bệnh viện thuộc tầng 2 được đầu tư, tăng cường nguồn oxy và trang thiết bị phù hợp, nhất là các thuốc điều trị đặc hiệu theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm các trường hợp chuyển nặng, nguy kịch, giảm áp lực cho tầng 3.
Ở tầng 3, các Trung tâm Hồi sức Quốc gia đã đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu hồi sức tích cực cho các trường hợp nguy kịch.
Ngành Y tế TP cũng đưa ra các loại thuốc kháng virus, gồm: dạng uống cho F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ dùng ở tầng 1 (Molnupiravir); dạng truyền tĩnh mạch cho cho bệnh nhân có triệu chứng trung bình/nặng ở tầng 2 (Remdesivir).
Đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19
Để TP HCM có thể trở về cuộc sống thường nhật như khi chưa có dịch bệnh, vắc xin vẫn là "chìa khóa vàng" trong công cuộc chống dịch COVID-19. Việc bao phủ tỷ lệ tiêm vắc xin sẽ giảm ca nhiễm mới, ca nặng và từ đó giảm số người tử vong, trước khi nghĩ về đích đến "miễn dịch cộng đồng".
Đề làm được điều đó, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại TP HCM đã yêu cầu không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng.
Người dân đi tiêm được thông báo thời gian theo khung giờ và địa điểm tiêm để tránh tập trung đông người tại một thời điểm cũng như sắp xếp thời gian theo dõi sau tiêm chủng phù hợp. TP cũng cho phép các địa phương có thể tổ chức tiêm ngoài giờ hành chính để đảm bảo tiến độ tiêm vắc xin.
Sở Y tế TP HCM, ngày 18/8, cho biết thành phố đã tiêm 126.157 liều trong ngày hôm qua, ít hơn ngày trước đó khoảng 68.000 liều. Đa số các mũi tiêm đều sử dụng vắc xin Vero Cell của Sinopharm.
Bốn địa phương đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi là quận 5, quận 11, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ. Như vậy, từ khi bắt đầu tổ chức tiêm chủng đợt 1 đến hết 17/8, TP đã tiêm cho 4.925.871 người.
Để có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, trong ngày 18/8, hai chuyến bay lần lượt chở 1 triệu liều vắc xin Vero Cell và 600.000 liều vắc xin AstraZeneca đã về đến TP HCM.
Trước đó, ngày 14/8, 1 triệu liều vắc xin Vero Cell cũng về tới TP HCM. Các lô vắc xin Vero Cell này nằm trong số 5 triệu liều vắc xin Vero Cell mà Bộ Y tế đồng ý để Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách phòng chống dịch COVID-19.
Chăm lo đời sống người dân trong thời gian giãn cách
Trong thời gian giãn cách kéo dài, Chủ tịch UBND TP cũng đề nghị các địa phương phải chăm lo chu đáo các hộ nghèo, đảm bảo điện, nước, nhu yếu phẩm để không người dân nào thiếu đói.
Chú trọng thực hiện an sinh xã hội tại chỗ chính là biện pháp trọng yếu và thường xuyên. Khi được cung cấp các gói an sinh xã hội, người dân sẽ không cần ra ngoài, hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh.
Để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trong thời gian giãn cách, TP đã triển khai hoạt động Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân (Trung tâm an sinh), thí điểm tại quận 5, 7 và 12. Đồng thời, kêu gọi các chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê phòng.
Sở Lao động, Thương binh, và Xã hội TP HCM thống kê tại các quận, huyện và TP Thủ Đức ghi nhận hơn 2,5 triệu người đang gặp khó khăn do dịch COVID-19. Từ đó, TP HCM dự kiến hỗ trợ tiền nhà trọ cho 1.580 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, mức chi là 1,5 triệu đồng/hộ. TP cũng đang triển khai 1 triệu túi an sinh cho người dân, trong đó có lương thực, thực phẩm và một số đồ dùng thiết yếu.
Trước đó, 1.092 tỷ đồng kinh phí năm 2021 đã được TP triển khai cho các quận/huyện và TP Thủ Đức chi phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/