|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những xu hướng áp dụng trí tuệ nhân tạo trong ngành bán lẻ

16:40 | 23/12/2018
Chia sẻ
Ngày càng nhiều nhà bán lẻ trên thế giới tích hợp công nghệ này để vừa mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, vừa gia tăng doanh thu cho chính mình.
nhung xu huong ap dung tri tue nhan tao trong nganh ban le 'Google Trung Quốc' đối đầu 'Google Mỹ': Baidu tung ra trình phiên dịch tức thời sử dụng trí tuệ nhân tạo AI

Trí tuệ nhân tạo là xu hướng công nghệ đang làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành bán lẻ. Ngày càng nhiều nhà bán lẻ trên thế giới tích hợp công nghệ này để vừa mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, vừa gia tăng doanh thu cho chính mình.

Sau đây là 4 xu hướng áp dụng trí tuệ nhân tạo đang được nhiều nhà bán lẻ theo đuổi:

Gia tăng cá nhân hoá trên các nền tảng trực tuyến

Chưa bao giờ trong lịch sử, giới trẻ lại đề cao sự cá nhân hoá như thế hệ Z (những người sinh năm 1995 năm trở đi). Biết được điều đó, các nhà bán lẻ đang chiếm cảm tình của khách hàng, bằng cách đề xuất chính xác những sản phẩm mà từng người đang cần mua hoặc có xu hướng cảm thấy thích.

nhung xu huong ap dung tri tue nhan tao trong nganh ban le
24% doanh số và 26% doanh thu của các trang bán hàng trực tuyến đến từ sản phẩm đề xuất. Nguồn: Business Insider

Nếu bạn thường xuyên ghé thăm Amazon, bạn sẽ thấy họ làm tốt thế nào. Trí tuệ nhân tạo cho phép Amazon hiểu được khi mua 1 món đồ, khách hàng sẽ thường mua món gì đi kèm. Và sau 1 thời gian mua sắm, trí tuệ nhân tạo của Amazon cũng hiểu được bạn là người như nào, quan tâm đến cái gì, và muốn mua món gì. Cùng với nhiều thủ thuật khác, Amazon làm cho người dùng có cảm giác hệ thống thuật toán còn hiểu họ hơn chính họ.

Một ví dụ khác là trang bán lẻ trực tuyến Target. Họ dùng trí tuệ nhân tạo để nhận biết khách hàng nữ nào đang mang thai - đây là khoảng thời gian gia đình phải mua sắm vật dụng mới nhiều nhất.

Họ phân tích những thông số như độ tuổi và các sản phẩm mua trước đó để đưa ra kết luận chính xác đến số tháng của thai nhi, sau đó đưa ra những đề xuất phù hợp. Ví dụ, nếu người phụ nữ đó đột ngột mua 1 số loại thực phẩm chức năng, rất có thể cô ấy đang trong 20 tuần đầu của thai kỳ, và hệ thống sẽ đề xuất những sản phẩm như đầm bầu.

Theo thống kê của Demandware, một hệ thống đề xuất tốt không những giúp gia tăng đáng kể doanh thu: 24% doanh số và 26% doanh thu của các trang bán hàng trực tuyến đến từ hệ thống đề xuất, mà còn có thể làm gia tăng đáng kể lòng trung thành của khách hàng: 37% khách hàng nhấn vào sản phẩm đề xuất sẽ quay lại trang web những lần mua sắm sau, gần gấp đôi so với những khách hàng không nhấn vào - 19%.

Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn giúp nhà bán lẻ cải thiện quy trình mua hàng sao cho phù hợp với từng nhóm khách hàng nhất.

Ví dụ, như theo nghiên cứu của ContentSquare, người Nga chần chừ hơn 13s so với trung bình thế giới ở trang giao hàng. Nhận biết được điều này, L’Occitane đã áp dụng thuật toán máy học để phát hiện những phần gây ra ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình mua sắm, thiết kế lại giao diện ứng dụng điện thoại cho từng vùng lãnh thổ. Và kết quả là họ tăng được 15% doanh thu trên điện thoại.

Nâng cao trải nghiệm mua sắm tại các cửa hàng

Trong ngành bán lẻ trực tiếp, khi mọi cửa hàng đều có đầy đủ mặt hàng, giá cả đều phải chăng, v.v.. thì trải nghiệm mua sắm là thứ quyết định thu hút khách hàng.

Ở các cửa hàng Amazon Go, khách hàng chỉ cần có 1 tài khoản Amazon, bước vào cửa hàng, bỏ đồ vào giỏ, và bước ra. Camera cảm biến và trí tuệ nhân tạo sẽ đảm nhận vai trò nhận biết khách hàng đã mua gì và thanh toán trực tiếp vào tài khoản Amazon của khách hàng.

Đây gọi là xu hướng “Cửa hàng không nhân viên”. Xu hướng không những giúp khách hàng có trải nghiệm tự do, nhanh chóng khi mua sắm, mà còn giúp cửa hàng giảm được lượng chi phí lớn cho nhân viên và việc vận hành.

Alibaba cũng là 1 trong những người dẫn đầu xu thế này. Họ xây dựng 1 hệ sinh thái các nhà bán lẻ dưới quyền, cung cấp những công cụ như AI, dữ liệu lớn, hệ thống nhận diện và thanh toán tự động, giúp các nhà bán lẻ nhỏ có thể tổ chức loại hình cửa hàng không nhân viên.

Thậm chí ở 1 số cửa hàng mỹ phẩm ở Hàng Châu, Alibaba đã lắp đặt 1 số gương thử đồ thông minh, giúp khách hàng thử được hầu hết các màu son và phấn mắt, mà không cần bôi trực tiếp lên mặt.

Walmart thì lại tận dụng trải nghiệm mua sắm của khách hàng để gia tăng doanh số. Họ có các camera cảm biến và hệ thống trí tuệ nhân tạo, giúp phân tích hành vi mua sắm, sau đó sắp xếp việc trưng bày hàng hoá sao cho thúc đẩy tiêu dùng cao nhất.

nhung xu huong ap dung tri tue nhan tao trong nganh ban le
Trưng bày sản phẩm là cả 1 chiến lược.

Chatbot

Với các nền tảng hỗ trợ phát triển Chatbot cho doanh nghiệp của IBM, Microsoft, và Facebook, Chatbot hiện nay đang được sử dụng rất rộng rãi, đa dạng tính năng và độ phức tạp.

Đơn giản nhất có thể kể đến chatbot trên fanpage của Facebook - một chương trình của Facebook giúp chủ fanpage có thể lập trình trước những đoạn hội thoại với khách hàng. Tuy những con bot này không có khả năng tự học, nhưng đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho quản lý của fanpage và khách hàng khi muốn hỏi thông tin nhanh.

Ở mức độ phức tạp hơn, có thể kể đến Robot có tên "Mua sắm với IBM Watson" của North Face - một nhà bán lẻ thời trang trực tuyến. Robot là một hệ thống trí tuệ nhân tạo của IBM, tương tác với khách hàng bằng giọng nói qua ứng dụng điện thoại. Sau khi trả lời 1 loạt câu hỏi của Robot, Robot sẽ đề xuất cho khách hàng mẫu sản phẩm thích hợp nhất.

Tìm kiếm bằng hình ảnh

Nhu cầu tìm kiếm bằng hình ảnh ngày càng tăng, đặc biệt trong ngành thời trang. Đó là khi khách hàng muốn tìm mua 1 chiếc áo hay 1 chiếc vòng cổ xuất hiện ở 1 bức ảnh trên mạng, hay của bạn bè nhưng lại quên chỗ mua.

Thuật toán tìm kiếm bằng hình ảnh vẫn chưa hoàn thiện. Đến cả 2 gã khổng lồ trong lĩnh vực như Google Image Search và Pinterest Lens nhiều lúc cũng không thể đưa kết quả như ý muốn đối với những hình ảnh thông thường. Chưa nói đến những sản phẩm thời trang cần phải được phân tích ở mức độ tinh vi hơn.

Một startup ở Mỹ có tên Clarifai đã xây dựng hệ thống “trí tuệ nhân tạo với thị giác”, với khả năng phân tích hình ảnh ở mức độ cao. Họ cho phép các công ty sử dụng hệ thống của mình, tuỳ chỉnh và phát triển hệ thống cụ thể cho riêng họ.

Tuy việc tích hợp công cụ tìm kiếm hình ảnh vào các trang bán lẻ vẫn diễn ra khá chậm, nhưng đây cũng là 1 xu hướng rất đáng được quan tâm.

Hiện nay việc tích hợp trí tuệ nhân tạo trong ngành bán lẻ mới chỉ dừng lại ở mức độ “cuộc chơi của những ông lớn”. Tuy nhiên, với sự phát triển và phổ cập nhanh chóng của công nghệ, trong tương lai gần các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể sẽ bùng nổ, những điểm bán lẻ nhỏ cũng có thể áp dụng được. Theo khảo của Zebra Technologies, 72% nhà bán lẻ nói rằng họ sẽ đầu tư vào trí tuệ nhân tạo trước năm 2021.

Xem thêm

Hoàng Phi