|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những nữ doanh nhân trẻ nổi bật trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam

19:04 | 08/03/2019
Chia sẻ
Nhiều nữ doanh nhân trẻ đang nỗ lực để góp phần tạo nên sự thay đổi trong nhiều lĩnh vực, từ giáo dục, y tế, truyền thông, vận tải, tài chính.

Làn sóng khởi nghiệp đang làm "sôi sục" môi trường kinh doanh tại Việt Nam với sự xuất hiện của rất nhiều gương mặt sáng lập nổi bật, từ lứa tuổi rất trẻ cho đến những doanh nhân đầy kinh nghiệm.

Nhân dịp quốc tế phụ nữ 8/3, chúng tôi xin giới thiệu đến bạn đọc một số nữ doanh nhân Việt Nam, trong số  nhiều gương mặt nổi bật khác, đang góp phần cống hiến và tạo nên sự thay đổi tích cực trong nhiều lĩnh vực.

Phạm Linh – cô gái 9x tham vọng trong lĩnh vực vận tải

Logivan giống như một "Uber trong lĩnh vực vận tải" tại Việt Nam, với tham vọng số hóa ngành công nghiệp vận tải đường bộ.

Tạo ra nền tảng công nghệ cung cấp hệ thống kết hợp tự động, Logivan giúp tiết kiệm chi phí logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam, tăng hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua kết nối các cơ sở logistics manh mún và phân tán. Bài toán mà startup này giải quyết là làm sao để không còn xe container, xe tải chạy rỗng sau khi giao hàng.

Ra đời từ tháng 10/2017, startup non trẻ này đã gọi vốn thành công tổng cộng 7,9 triệu USD từ các quỹ đầu tư VinaCapital, Insignia Ventures Partners, Alpha JWC…

Nhà sáng lập của Logivan là Linh Phạm – một cô gái 9x tốt nghiệp ngành Khoa học tự nhiên của Đại học Cambridge, từng làm việc cho Goldman Sachs và chuyên viên Marketing tại Oval Money. Cô từng khởi nghiệp nhiều lần và cũng từng thất bại.

Những nữ doanh nhân trẻ nổi bật trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam   - Ảnh 1.

Linh Phạm - Nữ CEO 9x của Logivan. Ảnh: Logivan.

Ý tưởng khởi nghiệp về logistics đến với Linh Phạm trong thời gian cô làm tại một nhà máy sản xuất máy tính và nhận thấy xe tải của nhà máy đi chiều về 100% trong tình trạng rỗng hàng. Và đó cũng chính là tình trạng chung khi có 60-70% các chuyến xe tải chạy rỗng chiều về tại Việt Nam. Vì vậy, Linh Phạm cùng với cộng sự đã cho ra đời ứng dụng công nghệ Logivan, giúp kết nối trực tiếp chủ hàng và chủ xe, do đó các doanh nghiệp có thể tối ưu chi phí và thời gian cho dịch vụ logistics.

Trải qua một chặng đường khởi nghiệp, Linh Phạm chia sẻ rằng các bạn trẻ muốn khởi nghiệp hãy tìm thật nhiều cách để dập tắt và phản biện lại ý tưởng của họ. Cô nói: "Khởi nghiệp rất khó và nhiều chông gai phía trước. Nếu một ý tưởng còn chưa chắc chắn và được bảo vệ thì khi thực hiện sẽ còn rất nhiều khó khăn về sau này".

Nói về việc thành lập nên Logivan, Linh nói bản thân đã rất may mắn khi nhận được rất nhiều sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè, cũng như đồng nghiệp từ các bên vườn ươm khởi nghiệp. Rút kinh nghiệm từ thất bại đầu tiên, khi nảy ra ý tưởng, Linh Phạm cố gắng gặp, nói chuyện với nhiều chủ xe, chủ hàng và tham vấn ý kiến của chuyên gia trong ngành vận tải, cố gắng tìm mọi lập luận để chứng minh ý tưởng không khả thi. Theo cô, tự "giết chết chính mình" là cách nhanh nhất để tìm ra lối thoát.

Trải qua bao thử thách, Linh cùng những người cộng sự vẫn tin tưởng mô hình có thể thực hiện được.  "Lúc đấy tôi mới có thể tự tin để bắt tay vào quá trình khởi nghiệp", Linh nói.

Nữ CEO trẻ cho rằng, làm thuê hay tự kinh doanh đều tốt nếu người lao động cảm thấy hạnh phúc với công việc. Cô khởi nghiệp vì đó là cách duy nhất để biến ý tưởng hữu ích với xã hội thành hiện thực, chứ không phải để kiếm một cái danh với đời.

Văn Đinh Hồng Vũ – Người phụ nữ 'hết mình' với lựa chọn giáo dục

Elsa là một ứng dụng học nói tiếng Anh, vượt qua hơn 1.200 startup công nghệ, đã giành giải nhất tại SXSWedu 2016 - sự kiện lớn nhất nước Mỹ dành cho ngành công nghiệp sáng tạo.

Tính đến thời điểm hiện tại, ứng dụng đã huy động thành công 12 triệu USD thông qua các lần gọi vốn từ Thung lũng Silicon và các nhà đâu tư Châu Á.

Một nửa linh hồn của Elsa là Văn Đinh Hồng Vũ – một người phụ nữ đầy đam mê và khát vọng. Chia sẻ với Nhịp cầu đầu tư, khi mới ở lứa 20 tuổi, Vũ đã tự tin đại diện thanh niên Việt Nam đi qua 10 nước, tham dự hội nghị thượng đỉnh về các vấn đề giáo dục và hướng nghiệp toàn cầu.

Sau khi tốt nghiệp, cuộc đời Vũ là hành trình 10 năm lập nghiệp từ Đan Mạch đến Mỹ, nhận hai học bổng Thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và Giáo dục của Ðại học Stanford. Rồi cô gái dừng chân ở Thung lũng Silicon, trở thành nhà xã hội - khởi nghiệp trong ngành giáo dục, lập ra Quỹ Vietseeds, cung cấp học bổng bậc đại học cho học sinh nghèo Việt Nam.

Học tập, sinh sống và làm việc tại nước ngoài nhưng cô gái vẫn vấp phải những rào cản về giao tiếp với người bản địa mặc dù thành thạo các kỹ năng khác về Tiếng Anh. Cô nhận thấy đó cũng là vấn đề chung của rất nhiều người. Họ có thể sử dụng tiếng Anh thành thạo, chuyên môn giỏi nhưng chính việc giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ phổ thông này lại là rào cản trên con đường thăng tiến sự nghiệp.

Những nữ doanh nhân trẻ nổi bật trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam   - Ảnh 2.

Văn Đinh Hồng Vũ - nhà đồng sáng lập kiêm CEO Elsa. Ảnh: VnExpress.

Vì vậy, năm 2014, cùng với nhà nghiên cứu về nhận dạng giọng nói Xavier Anguera, cô bắt đầu xây dựng Elsa, giúp người học ngoại ngữ khắp nơi trên thế giới phát âm sát nhất với ngôn ngữ bản xứ.

Từ khi ra mắt đến nay, Elsa có 4 triệu người dùng từ 101 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó Việt Nam là thị trường hàng đầu với hơn 2 triệu người dùng trả tiền.

Văn Vũ chia sẻ trên trang cá nhân rằng, hành trình khởi nghiệp đầy khó khăn và trở ngại và bạn không bao giờ biết điều gì đang ở phía trước. Nhà sáng lập của Elsa chia sẻ: "Điều quan trọng là trân trọng mọi thứ học tập trên đường đi, và có đủ sự kiên trì để đối mặt với bất kỳ hòn đá nào ném vào khi chúng ta di chuyển. Và trên hết, hãy duy trì niềm đam mê của bạn cho đến ngày cuối cùng bạn đang trên hành trình - bởi vì đôi khi đó sẽ là điều duy nhất giúp bạn tiếp tục bất chấp mọi thử thách chống lại bạn".

Là một người phụ nữ thành công trên con đường học tập, giáo dục và kinh doanh, Văn Vũ cũng từng chia sẻ với Vietnam Journal of Science rằng, phụ nữ nên tự thách thức mình thêm một chút, dám mơ lớn một chút.

"Phụ nữ thường có nhiều trách nhiệm về gia đình, đến một lúc nào đó họ cho rằng dừng tại đây là đủ. Dĩ nhiên đó là quyết định của mỗi người, nhưng Vũ đặt ra câu hỏi tại sao không dám đưa ra ước mơ của mình và theo đuổi ước mơ ấy thay vì để mọi người khác đặt ước mơ lên vai bạn", cô giãi bày.

Cô nhận định nữ giới ở Việt Nam, mặc dù có rất nhiều tiềm năng, nhưng do áp lực của gia đình, xã hội mà nhiều khi theo đuổi một ước mơ mà không phải của mình.

Hà Thị Tú Phượng – Nữ sáng lập trẻ tuổi phát triển mạng lưới đa kênh

Hà Thị Tú Phượng là nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của METUB Network – mạng lưới đa kênh của Youtube toàn cầu. METUB Network là một trong số các đối tác được chứng nhận của Youtube tại Việt Nam.

Mạng lưới quản lý và phát triển hơn 1.200 kênh YouTube của các nghệ sĩ địa phương với hơn 2 tỉ lượt xem hằng tháng. Tuy ra đời sau so với một số mạng lưới đa kênh đã có tại Việt Nam, nhưng Metub có một số thành viên là những nghệ sĩ rất nổi tiếng và hàng đầu tại Việt Nam.

CEO của MeTub là Hà Thị Tú Phượng – cô gái trẻ sinh năm 1992, tốt nghiệp khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Xuất phát từ cái duyên khi trở thành một trong những đại sứ tại Việt nam được thực tập tại Google, cô gái 22 tuổi đã khởi nghiệp với METUB, khăn gói vào sinh sống và làm việc tại TP HCM.

Những nữ doanh nhân trẻ nổi bật trong làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam   - Ảnh 3.

Hà Thị Tú Phượng - CEO MeTub.

Năm 2016, khi đang ở độ tuổi 26, Tú Phượng lọt vào danh sách 30 Under 30 của Forbes Việt Nam - là một trong 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực như kinh doanh, khởi nghiệp công nghệ, hoạt động xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, thể thao tại Việt Nam do Forbes vinh danh.

Năm 2017, MeTub nhận vốn từ nhà đầu tư nước ngoài là WebTVAsia - một mạng lưới đa kênh Youtube trụ sở tại Malaysia, có văn phòng tại 11 quốc gia Châu Á. WebTVAsia tìm đến Metub với mong muốn tìm một cộng sự hợp tác để tiến vào Việt Nam và chính Metub cũng cần có một bước bứt phá vì đã phát triển đến giai đoạn nhất định.

Khi khởi nghiệp ở lứa tuổi rất trẻ, Phượng chia sẻ rằng bản thân cần chấp nhận còn rất nhiều thiếu sót. Một trong những cách nhanh nhất để khắc phục là tìm những người cộng sự phù hợp giúp mình bù đắp những thiếu sót đó.

Sau 4 năm khởi nghiệp và kinh doanh, cô gái trẻ chia sẻ đam mê của mình thực sự không phải là làm trong lĩnh vực online video, mà chính là kinh doanh - làm sao xây dựng được thứ có giá trị với cộng đồng. Đam mê của cô thay đổi theo thời gian với những tầm nhìn lớn hơn, nhưng điều quan trọng là sản phẩm tạo ra có giá trị với mọi người.

Những nữ tỉ phú trong lĩnh vực tài chính ngân hàngNhững nữ tỉ phú trong lĩnh vực tài chính ngân hàng Những nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở MỹNhững nữ CEO startup gốc Việt thành danh ở Mỹ [Emagazine] Đặc ân và nghĩa vụ trong quá trình chuyển giao thế hệ của tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát[Emagazine] Đặc ân và nghĩa vụ trong quá trình chuyển giao thế hệ của tập đoàn gia đình Tân Hiệp Phát

Tuệ An