|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Những dịch vụ hái ra tiền thời COVID-19

08:12 | 02/03/2020
Chia sẻ
Các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang tăng cường triển khai robot để giao hàng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19

Tập đoàn Alibaba đã đưa ra số liệu báo cáo kết quả kinh doanh kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. "Giống như mọi công ty khác ở Trung Quốc, chúng tôi phải đối mặt với sự kiện 'thiên nga đen' ngay sau khi năm 2020 bắt đầu. Dịch bệnh động đáng kể đến nền kinh tế Trung Quốc và có khả năng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu", CEO Alibaba Daniel Zhang nhận định.

Nhưng với những đầu óc thiên tài như Daniel Zhang, Alibaba đã nhìn ra cơ hội kinh doanh mới của mình, bất chấp COVID-19 đang tấn công vào hoạt động thương mại cốt lõi của tập đoàn.

Công ty Freshippo - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thực phẩm tươi sống trong thời gian 30 phút, là một lĩnh vực quan trọng trong chiến lược "bán lẻ mới" của Alibaba.

Trên thực tế, Freshippo đã ra đời được một thời gian trước đó, nhưng kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, ngày càng nhiều người tiêu dùng Trung Quốc quen với việc mua sắm thực phẩm qua mạng và các nhu yếu phẩm hàng ngày.

Những dịch vụ hái ra tiền thời COVID-19  - Ảnh 1.

Dịch COVID-19 đang làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng Trung Quốc.

Không chỉ có dịch vụ giao thực phẩm tươi sống Freshippo mới “hốt bạc” mà ngay cả ứng dụng Dinhtalk của Alibaba cũng “đẻ trứng vàng” vì nhiều công ty sử dụng ứng dụng này để cho phép nhân viên làm việc từ xa, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.

Chuyên gia kinh tế Michael Zakkour nhận định: "Dịch COVID-19 lập tức làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Làm việc ở nhà, tham gia các lớp học từ nhà, tập thể thao và chơi game tại nhà, mua sắm qua mạng... đều bùng nổ. Các hoạt động đó sẽ ngày càng trở nên phổ biến".

Vào thời điểm Quý III/2019, doanh thu của Alibaba đã tăng khoảng 38%, lên 161,4 tỷ nhân dân tệ (23,2 tỷ USD). Tuy nhiên, trong 2 tuần kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Alibaba chứng kiến "tác động tiêu cực" đối với mảng thương mại điện tử cốt lõi khi các công ty không thể nối lại hoạt động và việc giao hàng gặp khó khăn.

Trong khi đó, nhu cầu mua thực phẩm và các loại hàng hóa thông dụng qua mạng bùng nổ khi hàng chục triệu người tiêu dùng Trung Quốc ngại đi ra đường vì sợ dịch bệnh. CEO Zhang thừa nhận Alibaba không thể đáp ứng mọi nhu cầu "vì sự hạn chế trong khả năng giao hàng".

Phần lớn việc vận chuyển hàng hóa của Alibaba được phân phối thông qua kênh thương mại điện tử trực tuyến của hãng là Taobao.com. Mặc dù vẫn hoạt động, nhưng việc phân phối này vẫn phải phụ thuộc vào các công ty kho vận thứ ba.

Nhưng vì hầu hết các doanh nghiệp này đã phải kéo dài thời gian nghỉ cho đến ngày 9/2 theo chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc nên hoạt động buôn bán của Alibaba cũng ít nhiều bị ảnh hưởng. 

Ngay cả khi đơn đặt hàng của Alibaba tăng vọt, hầu hết các chức năng vận chuyển của các công ty kho vận đều bị đình trệ trong khoảng thời gian ít nhất là nửa tháng.

JD.com, nhà bán lẻ trực tuyến lớn thứ hai Trung Quốc, cũng chứng kiến doanh số các loại thực phẩm ăn liền như mì cốc tăng 20 lần trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán (từ ngày 23/1 đến 30/1). Doanh thu thịt, rau và các thiết bị liên quan đến sức khỏe như máy lọc không khí cũng tăng 300%.

Những dịch vụ hái ra tiền thời COVID-19  - Ảnh 2.

Xe robot giao hàng tự hành của dịch vụ giao hàng trực tuyến Meituan Dianping.

Ông Lansong Sun - người điều hành một trạm giao hàng của JD.com ở ngoại ô Bắc Kinh cho biết trước khi dịch COVID-19 bùng lên từ Vũ Hán, mỗi ngày một nhân viên giao hàng chuyển 140-150 gói hàng tới mỗi khu chung cư. Tuy nhiên, bây giờ con số đó đã vượt quá 200 đơn hàng mỗi ngày.

Dada, công ty con của JD.com và chuyên vận chuyển hàng hóa cho Walmart và các chuỗi cửa hàng địa phương, cho biết doanh số của hãng tăng gấp 4 lần so cùng kỳ năm ngoái.

Cùng quãng thời gian đó, JD.com cho biết doanh số thực phẩm tươi sống tăng hơn 3 lần so với năm ngoái. Công ty cho biết đã bán được 15.000 tấn thực phẩm tươi sống trong thời gian vừa qua.

Ở Bắc Kinh, công nhân từ nông thôn bắt đầu quay trở lại thành phố làm việc. Nhu cầu đặt đồ ăn tăng vọt đến mức người mua phải chờ hàng giờ để được giao hàng. 

Một quan chức Bắc Kinh tiết lộ rằng có khoảng 20.000 nhân viên giao hàng xử lý trung bình hơn 400.000 đơn đặt hàng mỗi ngày từ các nền tảng mua hàng trực tuyến như Meituan và Elema.

Giám đốc Tài chính Alibaba Maggie Wu thừa nhận dịch COVID-19 tạo ra rất nhiều thách thức cho nền kinh tế. "Nhu cầu tiêu dùng rất lớn và dịch vụ vẫn hoạt động, nhưng nền kinh tế Trung Quốc lao đao vì các văn phòng, nhà máy và cửa hàng không mở cửa sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán", bà Wu nói.

"Chúng tôi, cũng giống như những doanh nghiệp khác, không tránh khỏi sự mất cân đối giữa cung và cầu", bà Wu khẳng định.

Tuy nhiên, Alibaba cũng phải đối mặt với một vấn đề khác. Một số lượng lớn trường hợp nhiễm COVID-19 xảy ra tại thành phố Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, nơi hãng đặt trụ sở chính và các công ty con như Ant Financial và Alipay.

Các đối tác giao hàng của Alibaba cũng có rất nhiều trung tâm giao hàng tại Hàng Châu. Alibaba đã yêu cầu nhân viên làm việc ở nhà để tránh lây lan virus. Ban đầu, họ dự kiến quay trở lại văn phòng vào ngày 10/2, nhưng lịch mở cửa dự kiến rời đến đầu tháng 3.

Dịch COVID-19 đã tạo ra một số thách thức khác trong việc giao hàng, đặc biệt đối với thực phẩm. Các công ty như Meituan, Hema và Dada mới công bố một tính năng giao hàng "không tiếp xúc", cho phép nhân viên vận chuyển để hàng tại một vị trí thuận tiện để khách hàng nhận mà không gặp trực tiếp người giao hàng.

Các thương hiệu thức ăn nhanh như Kentucky Fried Chicken và Pizza Hut cũng đưa ra dịch vụ giao hàng tương tự. Công ty mẹ Yum China cho biết các thương hiệu đang thử nghiệm tính năng đặt hàng trực tuyến và nhận hàng "không tiếp xúc". Meituan cũng đang thử nghiệm dịch vụ tương tự.

Ở nhiều khu vực, nhân viên giao hàng không mang hàng tới tận cửa nhà khách hàng. Thay vào đó, họ gọi điện cho khách để họ nhận hàng ở cổng khu chung cư hay một điểm thuận tiện.

Nhìn chung, các doanh nghiệp bên ngoài Hồ Bắc - với thủ phủ Vũ Hán là tâm chấn dịch Covid-19 vẫn hoạt động bình thường. Nhiều doanh nghiệp cũng tham gia vào việc cung cấp vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác cho Hồ Bắc và thành phố Vũ Hán thông qua các kênh đặc biệt.

Dịch vụ giao hàng trực tuyến Meituan Dianping, đã đưa ra một sáng kiến "Giao hàng không tiếp xúc" trên khắp Trung Quốc vào tháng trước, cho biết tuần này họ đã bắt đầu sử dụng xe tự hành để gửi đơn đặt hàng tạp hóa cho khách hàng ở quận Shunyi, Bắc Kinh và đang tìm cách ra mắt dịch vụ giao hàng robot tương tự ở các quận khác trong thủ đô.

Công ty này đã bắt đầu thử nghiệm robot và thiết bị bay không người lái (drone) để giao hàng vào năm ngoái, nhưng đây là lần đầu tiên họ chính thức triển khai phương tiện giao hàng tự hành trên đường phố.

Đây là dự án nhằm giảm thiểu rủi ro nhiễm virus tiềm ẩn do tiếp xúc với con người và đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong thời gian đặc biệt này.

Theo một phát ngôn viên của Meituan Dianping, chiếc xe giao hàng tự hành có thể mang tới 100kg hàng hóa và giao ba đến năm đơn hàng cho mỗi chuyến đi.

Sáng kiến robot giao hàng không tiếp xúc của Meituan Dianping đã giúp giải quyết những lo ngại gần đây của khách hàng về việc tiếp xúc với các nhân viên giao hàng - đây cũng là mối lo ngại đã phủ bóng đên lên ngành công nghiệp giao hàng thực phẩm bùng nổ của Trung Quốc.

Mặc dù dịch vụ giao hàng bằng robot đã tồn tại trước khi dịch bệnh bùng phát, song theo chuyên gia Yang Xu, nhà phân tích cao cấp tại hãng nghiên cứu Analysys, COVID-19 đã "thúc đẩy sự phổ biến của dịch vụ"

Ngoài Meituan, các nền tảng khác đã có dịch vụ giao hàng robot hiện có cũng đã tuyên bố đẩy mạnh triển khai robot để giao hàng nhiều hơn, đặc biệt là các khu vực cách ly.

Các gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang tăng cường triển khai robot để giao hàng trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.

An Chi