|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những đầu tàu lợi nhuận ngân hàng đang... chậm lại

14:01 | 25/02/2020
Chia sẻ
Tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2019 của Vietcombank, Techcombank, MBBank, VIB,... đều thấp hơn nhiều so với 2018.

Tăng trưởng lợi nhuận đã qua thời đỉnh cao

Mặc dù 2019 vẫn là một năm lãi kỉ lục của các ngân hàng nhưng tăng trưởng lợi nhuận đã chậm lại nhiều "ông lớn" trong ngành.

Theo đó, năm qua, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank chỉ đạt 27%, thấp hơn rất nhiều mức 61% của năm 2018. Thậm chí, nếu loại bỏ ảnh hưởng của việc cắt giảm chi phí dự phòng thì lợi nhuận thuần của "ông lớn" này chỉ tăng khoảng 16,5% kém xa mức tăng 46,3% trong năm 2018.

Sự chậm lại của Vietcombank được thể hiện rõ nhất trong quí IV/2019 khi lợi nhuận ngân hàng giảm 16% so với cùng kì trong khi ở các năm trước, quí cuối năm thường ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao nhất.

Cùng với Vietcombank, lợi nhuận của Techcombank cũng chỉ tăng 20% trong năm 2019, thấp hơn mức 33% của năm 2018. Trong đó, hơn 40% lợi nhuận tăng thêm của Techcombank được đóng góp từ việc cắt giảm chi phí dự phòng rủi ro.

Không chỉ hai đầu tàu ghi nhận sự chậm lại, những ngân hàng sở hữu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận gấp đôi, gấp ba trong năm 2018 cũng cho thấy sự hạ nhiệt trong năm qua.

Tại ACB, tăng trưởng lợi nhuận năm 2019 của ngân hàng này chỉ đạt 18% trong khi năm 2018, mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 141%. Thậm chí, nếu bỏ qua ảnh hưởng của việc giảm tới 70% chi phí dự phòng rủi ro thì lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ngân hàng chỉ tăng vọn vẹn 6,4%.

Tăng trưởng lợi nhuận của OCB cũng giảm mạnh từ mức 115% trong năm 2018 xuống còn 47% trong năm 2019. Trong đó, nếu tính riêng lợi nhuận thuần thì mức tăng trưởng đã giảm từ 146% xuống còn 32%.

Tương tự, lợi nhuận trước thuế của VietCapitalBank chỉ tăng 36% và thấp hơn rất nhiều mức tăng trưởng của năm 2018 là 216%.

Chung xu hướng, tăng trưởng lợi nhuận của VIB và MBBank cũng cho thấy sự đi xuống khi chỉ ghi nhận mức tăng lần lượt 49% và 29%, thấp hơn nhiều so với con số tăng trưởng trong năm 2018 là 95% và 68%.

Một loạt ngân hàng khác cũng bắt đầu cho thấy sự tăng trưởng chậm như HDBank (giảm từ 66% trong năm 2018 xuống còn 25%) hay ABBank (giảm từ 41% xuống 34%)... Thậm chí tại Kienlongbank và NCB, lợi nhuận còn suy giảm trong năm 2019.

Những đầu tàu lợi nhuận ngân hàng đang... chậm lại - Ảnh 1.

Tăng trưởng lợi nhuận đang chậm lại tại nhiều ngân hàng trong năm 2019 (Nguồn: QT tổng hợp)

Những yếu tố làm giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng

Tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng chậm lại trong năm 2019 chủ yếu đến từ thu nhập lãi của các ngân hàng không còn dồi dào trong bối cảnh dư địa tăng tỉ lệ lãi cận biên (NIM) trở nên hạn chế.

Điều này thể hiện rất rõ tại Techcombank khi thu nhập lãi thuần của ngân hàng này chỉ tăng khoảng 28% trong khi tăng trưởng cho vay lên tới 44,3%. Tương tự, trong khi tăng trưởng dư nợ cho vay của VIB lên tới 34,4% thì thu nhập từ lãi của ngân hàng này chỉ tăng khoảng 28,7%...

CTCP Chứng khoán Rồng Việt nhận định khả năng mở rộng NIM của các ngân hàng đang gặp trở ngại lớn trong bối cảnh tỉ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao và mức độ cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng.

Bên cạnh đó, áp lực huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel II cũng gia tăng gánh nặng chi phí trả lãi của các ngân hàng trong năm 2019.

Theo thống kê của SSI Research, năm 2019, các ngân hàng đã phát hành 115.422 tỉ đồng trái phiếu, chiếm tỉ trọng lớn nhất (41,2%) trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành.

Cũng trong năm qua, một lượng lớn nguồn vốn giá rẻ của các ngân hàng đã bị sụt giảm sau thông tư 58/2019 của Bộ tài chính qui định về việc đặt tài khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước tại hệ thống ngân hàng. Theo đó, toàn bộ khoản tiền gửi không kì hạn sẽ được rút về tài khoản tại NHNN.

Chứng khoán BIDV ước tính, khoảng 110.000 tỉ đồng đã bị rút khỏi hệ thống sau thông tư này và gây ảnh hưởng đến thanh khoản thị trường thời gian gần đây.

Trong khi chi phí huy động có xu hướng tăng thì lãi suất cho vay của các ngân hàng gần như không có nhiều thay đổi. Thậm chí, vào những tháng cuối năm 2019, các ngân hàng đã thực hiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sau chỉ đạo của Thủ tướng và Thống đốc NHNN.

Chia sẻ thêm với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết trong đợt giảm lãi suất cho vay vào cuối tháng 11/2019, Vietcombank đã chấp nhận giảm lợi nhuận khoảng 260 tỉ đồng. Còn nếu tính gộp cả hai đợt giảm trước đó, tổng mức lợi nhuận giảm của ngân hàng vào khoảng 300 tỉ đồng.

Nguyên nhân thứ hai khiến lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng chậm lại là do nguồn thu nhập ngoài lãi không thường xuyên (kí kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thoái vốn…) không còn dồi dào.

Thực tế, yếu tố chính khiến lợi nhuận thuần của Vietcombank sụt giảm trong quí IV/2019 là sự lao dốc của thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần, khi nguồn thu nhập này giảm từ hơn 1.134 tỉ đồng trong quí IV/2018 xuống còn 10 tỉ đồng. Tương tự, thu nhập từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần của Techcombank cũng giảm mạnh từ 895 tỉ đồng trong năm trước xuống còn 4 tỉ đồng.

Trong khi đó, lãi thuần mảng dịch vụ cũng không còn tăng trưởng mạnh như trong năm 2018, thậm chí có xu hướng giảm tại một số ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính của Techcombank, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ năm vừa qua đã giảm gần 20 tỉ đồng so với 2018. Còn tại TPBank và MBBank, tăng trưởng lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng đã chậm lại sau khi tăng trưởng ở mức 3 con số vào năm 2018.

Năm 2019, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của TPBank tăng trưởng gần 55% (trong khi năm 2018, mảng này ghi nhận mức lãi thuần gấp gần 15 lần năm 2017.) Tương tự, lãi thuần từ mảng bán chéo bảo hiểm của MBBank cũng chỉ tăng khoảng 17%, thấp hơn nhiều mức tăng trưởng lên tới 320% của năm 2018.

Quốc Thụy

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.