|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhóm dược hạ nhiệt, cổ phiếu của doanh nghiệp bán khẩu trang y tế vẫn tăng phi mã giữa dịch virus corona

07:48 | 06/02/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc, cổ phiếu DNM ghi nhận nhịp tăng phi mã gần 85% từ đáy 7.200 đồng/cp ngày 17/1 lên 13.300 đồng/cp tại thời điểm kết phiên 5/2.

Hàng loạt cổ phiếu Dược giảm sâu

Phiên giao dịch 5/2, thị trường chứng khoán diễn biến giằng co trong bối cảnh nhà đầu tư vẫn đang lo ngại tình hình dịch virus corona. VN-Index kết phiên tại 925,91 điểm, giảm 0,34% so với phiên trước.

Trong bối cảnh đó, các cổ phiếu dược cũng hạ nhiệt sau những phiên tăng sốc đầu năm với hiệu ứng tâm lí từ dịch virus corona.

Cổ phiếu DVN của dược Việt Nam dẫn đầu đà giảm khi mất đi 9% giá trị, kết phiên còn 12.100 đồng/cp. Trong những phiên trước, mã này lọt top cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường chứng khoán với lợi thế biên độ giao dịch rộng trên thị trường UPCoM.

Cổ phiếu CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha sau 4 phiên tăng mạnh liên tiếp đã quay đầu điều chỉnh 3,5% xuống 10.900 đồng/cp. Cổ phiếu DHT của Dược Hà Tây giảm 7% xuống 49.300 đồng/cp. Cũng với tỉ lệ 7%, cổ phiếu DCL của Dược Cửu Long giảm hết biên độ sàn HOSE xuống còn 23.250 đồng/cp.

Hai mã DHG của Dược Hậu Giang và DMC của Xuất nhập khẩu Y tế Domesco ghi nhận mức điều chỉnh trên 4%; theo sau là cổ phiếu JVC của Thiết bị Y tế Việt Nhật với tỉ lệ 3,5%. Ngoài ra, cổ phiếu IMP của Dược phẩm Imexpharm giảm 2,4% xuống còn 53.000 đồng/cp. 

Nhóm dược hạ nhiệt, xuất hiện cổ phiếu công ty sản xuất khẩu trang y tế liên tiếp tăng trần - Ảnh 1.

Cổ phiếu dược hạ nhiệt sau thời gian tăng nóng nhờ hiệu ứng tâm lí từ dịch virus corona. Nguồn: VNDirect.

Hiệu ứng tâm lí từ dịch virus corona không được kéo khi hầu hết cổ phiếu dược đều quay đầu điều chỉnh, tuy nhiên vẫn xuất hiện mã ngược dòng tăng giá như DP1 của Dược phẩm Trung ương 1 tăng 7,1% lên 15.000 đồng/cp, đặc biệt cổ phiếu DNM của Danameco tăng trần 4 phiên liên tiếp lên 13.300 đồng/cp.

Điều gì khiến cổ phiếu DNM tăng phi mã trong bối cảnh thị trường chung diễn biến tiêu cực từ khi bùng phát virus corona?

Bắt đầu từ phiên giao dịch 17/1, cổ phiếu DNM tăng kịch trần (9,7%) lên 7.900 đồng/cp, tiếp nối bằng phiên tăng 7,6% lên 8.500 đồng/cp và duy trì mức giá này đến hết Tết nguyên đán.

Sau Tết, cổ phiếu DNM tiếp tục tăng phi mã, đặc biệt với 4 phiên tăng trần liên tiếp (31/1 - 5/2) lên 13.300 đồng/cp trong bối cảnh thị trường chứng khoán diễn biến kém sắc, khiến giới đầu tư không thể không chú ý đến mã này.

Nhóm dược hạ nhiệt, xuất hiện cổ phiếu công ty sản xuất khẩu trang y tế liên tiếp tăng trần - Ảnh 2.

Cổ phiếu DNM tăng giá phi mã trong bối cảnh nhu cầu khấu trang y tế tăng mạnh kể từ khi bùng phát virus gây viêm phổi corona. Nguồn: VNDirect.

Tổng CTCP Y tế Danameco là một doanh nghiệp ngành y tế được thành lập từ 1976, chuyên sản xuất và kinh doanh vật tư y tế với các sản phẩm như thiết bị chuyên khoa y tế, bông băng gạc, trang phục bệnh viện, đặc biệt là mặt hàng khẩu hang đang khan hiếm trong thời gian gần đây.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona bùng phát tại Trung Quốc và lây lan sang Việt Nam đã khiến nhu cầu khẩu trang y tế tăng bất thường, đẩy giá cả mặt hàng này tăng đột biến gấp nhiều lần so với ngày thường.

Cùng với đó, nhu cầu về các sản phẩm bảo hộ y tế, thuốc, dược phẩm cũng tăng cao. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dòng tiền tìm đến dòng cổ phiếu y tế với kì vọng kết quả kinh doanh sẽ có sự bứt phá trong quí I/2020, dẫn đến việc nhóm cổ phiếu này trở thành điểm sáng trong bối cảnh thị trường không có nhiều cơ hội kiếm lời.

Các doanh nghiệp ngành dược được hưởng lợi thế nào vẫn còn chưa rõ, cùng với việc đã trải qua nhiều phiên tăng nóng khiến các cổ phiếu nhóm này quay đầu điều chỉnh trong phiên 5/2. Tuy nhiên, riêng cổ phiếu DNM vẫn ngược dòng tăng kịch trần trong bối cảnh nhu cầu mua khẩu trang của người dân còn ở mức cao.

Nhóm dược hạ nhiệt, xuất hiện cổ phiếu công ty sản xuất khẩu trang y tế liên tiếp tăng trần - Ảnh 3.

Các sản phẩm bảo hộ y tế của Danameco. Nguồn: website Danameco.

Cùng với hiệu ứng tâm lí từ dịch virus, kết quả kinh doanh khởi sắc trong quí IV và cả năm 2019 cũng là một động lực đáng kể cho việc tăng giá phi mã của cổ phiếu Danameco.

Sau giai đoạn suy thoái 2014 - 2018, Danameco ghi nhận doanh thu thuần cả năm 2019 đột biến 356 tỉ đồng, cao hơn gấp đôi so với năm 2018; lãi sau thuế cả năm tăng 2,23 lần lên 8,7 tỉ đồng. Với kết quả này, công ty hoàn thành vượt mức 42% kế hoạch doanh thu và thực hiện được 87% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Riêng quí IV/2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 205,4 tỉ đồng, cao gấp hơn 4 lần so với cùng kì năm trước; lợi nhuận sau thuế tăng 143% so với cùng kì lên 5,6 tỉ đồng. Danameco cũng là một trong số ít doanh nghiệp ngành y tế ghi nhận kinh doanh tăng trưởng trong quí cuối cùng năm 2019.

Nhóm dược hạ nhiệt, cổ phiếu của doanh nghiệp bán khẩu trang y tế vẫn tăng phi mã giữa dịch virus corona - Ảnh 4.

Nguồn: Sơn Tùng, Báo cáo tài chính Danameco.

Ngoài các yếu tố trên, thanh khoản thấp cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc tăng sốc của cổ phiếu DNM.

Khối lượng cổ phiếu đang lưu hành của DNM là 4,38 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ 43,8 tỉ đồng, khá nhỏ so với qui mô các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Trong khi đó, cổ đông lớn và cổ đông nội bộ nắm giữ 66,68% (theo báo cáo danh sách cổ đông lớn ngày 30/1/2020), đồng nghĩa với việc cổ phiếu trôi nổi chỉ ở mức thấp.

Thanh khoản mỗi phiên của cổ phiếu DNM chỉ ở mức vài trăm tới vài nghìn đơn vị, rất khó để nhà đầu tư mua vào với khối lượng lớn. Sự khan hiếm của cổ phiếu, cũng giống như sự khan hiếm khẩu trang, đã phần nào đẩy giá cổ phiếu tăng vọt.

Tuy nhiên, đây cũng là một điều đáng lưu ý, bởi lẽ khi dòng tiền đầu cơ rút ra, thanh khoản thấp sẽ khiến những người mua vào ở mức giá cao khó bán ra khi con sóng cổ phiếu kết thúc. Do đó, nhà đầu tư cần cân nhắc kĩ lượng khi quyết định giao dịch cổ phiếu này.

Sơn Tùng