Nhóm cổ phiếu châu Á nào hưởng lợi sau khi ông Trump đắc cử?
Việc ông Donald Trump chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã làm dấy lên những câu hỏi về tác động đối với châu Á.
Ttrong lưu ý ngày 7/11, các nhà phân tích tại Macquarie Research nhận định: “Thoạt nhìn, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump là tin tiêu cực đối với châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Các chính sách thuế quan của ông Trump khi được thông qua sẽ gây ảnh hưởng sâu rộng khắp châu Á... Biến động trên thị trường chứng khoán sẽ nhảy vọt còn định giá cổ phiếu có nguy cơ giảm sút do triển vọng trở nên cực kỳ khó đoán định”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận xét châu Á ngày nay “có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn năm 2016” và khu vực vẫn còn các cơ hội đầu tư tốt nhờ vào sự suy yếu của đồng yen và gói kích thích kinh tế của Trung Quốc.
Các thị trường châu Á có phản ứng trái chiều sau thông tin ông Trump tái đắc cử. Chỉ số Nifty 50 của Ấn Độ đóng cửa ngày 7/11 mất hơn 1% và Nikkei 225 của Nhật Bản giảm nhẹ 0,25%.
Trong khi đó, chỉ số blue-chip CSI 300 của Trung Quốc tăng hơn 3% và Hang Seng tại Hong Kong đi lên 2% trong bối cảnh dữ liệu kinh tế và kỳ vọng về gói kích thích của chính phủ giúp nâng đỡ giá cổ phiếu, theo CNBC.
Ở nơi khác, chiến thắng của ông Trump đã giúp chứng khoán Mỹ đã trải qua một tuần mạnh mẽ. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones lần lượt tăng 4,7% và 4,6% trong tuần qua.
Ông Tai Hui, Giám đốc đầu tư khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại JPMorgan Asset Management, bình luận: “Thị trường phản ứng tích cực sau khi bối cảnh chính trị trở nên rõ ràng hơn”.
Các ngành đáng chú ý
Nhìn về phía trước, ông Hui tin rằng cuộc hạ cánh mềm của nền kinh tế Mỹ và các đợt cắt giảm lãi suất đều đặn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ có “tác động tích cực” đến cổ phiếu, trái phiếu và cả các tài sản thay thế khác, ví dụ như hạ tầng và vận tải.
Ông nói tiếp: “Điều đó sẽ dẫn đến những thay đổi mang tính cấu trúc của chuỗi cung ứng toàn cầu… và có thể thúc đẩy chi tiêu cho hạ tầng ở Nam Á và ASEAN”.
Về chính sách thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, cụ thể là Trung Quốc, vị chuyên gia tin rằng tác động trực tiếp tới lợi nhuận của doanh nghiệp “nhiều khả năng sẽ khá hạn chế”, bởi 85% doanh thu của các công ty thuộc chỉ số MSCI Trung Quốc đến từ thị trường nội địa.
Ông cho hay: “Tuy xuất khẩu giảm tốc sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến đầu tư và tiêu dùng, các chính sách tài khóa và tiền tệ của Bắc Kinh có thể bù đắp phần nào tác động tiêu cực”.
Gói kích thích tài khóa mới nhất của Bắc Kinh tập trung vào giải quyết vấn đề nợ nần của chính quyền địa phương, không có biện pháp mới để kích thích tiêu dùng. Điều này khiến một số nhà đầu tư thất vọng và cổ phiếu Trung Quốc trên sàn Hong Kong sụt giảm trong phiên đầu tuần này.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận xét nhiều khả năng Trung Quốc đang để dành “hỏa lực” cho môi trường thương mại kém thuận lợi khi ông Trump thực sự lên nắm quyền vào năm 2025, theo tờ Bloomberg. Tại cuộc họp báo hôm 8/11, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo’an cũng hứa hẹn chính sách tài khóa năm 2025 sẽ “mạnh mẽ hơn”.
Các cổ phiếu đáng chú ý
Macquarie để mắt đến những cổ phiếu “thuần nội địa” Trung Quốc, ví dụ như chuỗi nhà hàng đồ ăn nhanh Yum China. Ngân hàng đầu tư Australia này cũng thích nhà sản xuất xe điện Xpeng dù họ dự đoán cuộc chuyển đổi năng lượng sạch và chuỗi cung ứng pin của Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều bất ổn.
Tại Nhật Bản, Macquarie đặt cược vào các cổ phiếu sẽ được hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng yen. Hôm 6/11, tỷ giá yen/USD rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 30/7, còn 154,7 yen đổi 1 USD. Sau đó, đồng nội tệ Nhật Bản đã phục hồi phần nào và dao động khoảng 153,46 yen đổi 1 USD trong ngày 11/11.
Các cổ phiếu Macquarie đánh giá cao nhất ở Nhật Bản bao gồm nhà sản xuất thiết bị thử nghiệm Advantest, nhà sản xuất xe điện Mitsubishi Electric, nhà sản xuất thiết bị điện tử Mitsubishi Heavy.
Ở những thị trường khác, Macquerie ưa thích cổ phiếu công nghệ bất chấp mối nguy thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu châu Á, đặc biệt là nhà sản xuất chip TSMC, công ty bán dẫn SK Hynix, nhà cung ứng dịch vụ hạ tầng Quanta Services và hãng smartphone Xiaomi.