Nhóm Biden cứng rắn không khác gì ông Trump, quan hệ Mỹ - Trung còn nhiều bão tố
Cuộc đối đầu căng thẳng bất ngờ
Đến với cuộc gặp song phương Mỹ - Trung cấp cao đầu tiên kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, phái đoàn Washington muốn thể hiện sức mạnh bằng cách tổ chức sự kiện trên đất Mỹ, cụ thể là ở bang Alaska. Trong suốt một tuần trước đó, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp gỡ với nhiều nước nhằm xây dựng các quan hệ liên minh với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm hợp tác ban đầu với Ấn Độ.
Khi công du châu Á, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gửi đi tín hiệu rằng chính quyền Joe Biden sẽ tiếp tục gây áp lực lên Bắc Kinh, cáo buộc Trung Quốc "cưỡng ép và hung hăng", đồng thời thắt chặt lệnh trừng phạt với những nhà lập pháp Trung Quốc có liên quan tới luật an ninh quốc gia Hong Kong.
Tại Alaska, quan chức ngoại giao Mỹ không ngần ngại nói thẳng mặt người đồng cấp Trung Quốc về các vấn đề nhạy cảm.
"Chúng tôi sẽ thảo luận về nhiều mối quan ngại sâu sắc liên quan tới các hành động của Trung Quốc, bao gồm vấn đề ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan, tấn công mạng nhằm vào Mỹ, cưỡng ép kinh tế các nước đồng minh của Mỹ. Mỗi hành động kể trên đều đe dọa trật tự dựa trên luật pháp của thế giới và có thể gây ra bất ổn toàn cầu", Ngoại trưởng Antony Blinken nói.
Việc các quan chức ngoại giao cấp cao công kích trực tiếp lẫn nhau trong cuộc họp như trên là điều khá hiếm thấy.
Tổng thống Joe Biden sau đó đã tỏ rõ sự ủng hộ với ông Blinken bằng phát biểu: "Tôi rất tự hào về Ngoại trưởng của chúng ta".
Theo Bloomberg, quan chức Trung Quốc cũng không kém thế vì tinh thần lạc quan lên cao nhờ đà hồi phục kinh tế nhanh chóng sau đại dịch COVID-19, trong khi Mỹ vẫn đang phải vật vã ứng phó với bất ổn nội bộ.
Suốt nhiều tuần qua, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã cảnh báo Washington rằng Trung Quốc sẽ không dung thứ việc các thế lực nước ngoài vượt qua "lằn ranh đỏ" trong vấn đề Đài Loan và Hong Kong.
Hai ông Dương - Vương lớn tiếng chỉ trích Mỹ hơn cả, dẫn chứng việc cảnh sát Mỹ giết hại người da màu và phong trào "Black Lives Matter" để gọi Mỹ là kẻ đạo đức giả. Mạng xã hội Trung Quốc khuếch đại các thông điệp này, những bài đăng phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị Dương Khiết Trì nhận được hàng trăm nghìn like chỉ sau vài giờ.
Tại Alaska, quan chức đến từ Bắc Kinh cũng lớn tiếng phản bác các nỗ lực của phía Mỹ. "Trung Quốc hối thúc Mỹ hãy từ bỏ hoàn toàn tư tưởng bá quyền và dừng can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc", Ngoại trưởng Vương Nghị nói. "Nước Mỹ không đại diện cho ý kiến của công luận thế giới, thậm chí không thể đại diện cho Phương Tây. Mỹ chỉ đại diện cho Mỹ thôi".
Giáo sư Thời Ân Hoằng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Nhân dân Bắc Kinh cho rằng cả hai bên đang củng cố vị thế cứng rắn của mình trong nhiều vấn đề căn bản. Mỹ - Trung có cơ hội hợp tác trong một số vấn đề như Iran, Triều Tiên, Myanmar nhưng ông Thời cho rằng khả năng này "rất hạn chế".
"Nhiều khả năng sau cuộc họp thượng đỉnh ở Anchorage, Alaska, quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiếp tục xuống dốc", Giáo sư Thời Ân Hoằng nói.
Dòng chảy thương mại khó cải thiện
Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, kim ngạch thương mại hàng hóa hai chiều Mỹ - Trung năm 2020 ước đạt 559 tỷ USD. Trong nhiều năm liền, Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Mỹ.
Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cho biết, vào năm 2015, quan hệ thương mại với Trung Quốc đã hỗ trợ 911.000 việc làm tại Mỹ, trong đó có 601.000 việc làm trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và khoảng 310.000 việc làm trong nhóm xuất khẩu dịch vụ.
Trung Quốc còn là thị trường tiêu thụ chính cho nhiều loại nông sản Mỹ như đậu tương, ngô, ...
Tuy quốc gia tỷ dân vẫn là đối tác quan trọng của Mỹ nhưng quan hệ hai bên đã sứt mẻ không ít sau hai năm chiến tranh thương mại. Năm 2018 khi xung đột thuế quan chưa nổ ra, tổng giá trị giao thương hai nước đạt 659 tỷ USD, cao hơn 100 tỷ USD so với năm 2019 và 2020.
CNBC dẫn lời ông Clete Willems - cựu thành viên nhóm cố vấn thương mại của Tổng thống Trump - cho biết ông không hề ngạc nhiên về việc cuộc họp ở Alaska không đạt được tiến triển. Hai bên coi đây là cơ hội để trách móc lẫn nhau nhiều hơn là cơ hội để nỗ lực hàn gắn quan hệ.
"Tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đã đánh giá sai tình hình khi nghĩ rằng chính quyền Biden muốn đến Alaska để gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt từ thời ông Trump. Có lẽ phía Trung Quốc đang nhận ra rằng kịch bản lạc quan đó chưa thể trở thành hiện thực", ông Willems nói.
Các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là cơ hội để Mỹ thể hiện quyết tâm bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và kiểm soát các con đường tiếp cận công nghệ thiết yếu.
Nhiệm vụ đàm phán với Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ là ưu tiên hàng đầu đối với bà Katherine Tai - người mới trở thành Đại diện Thương mại Mỹ.
Tất cả nghị sĩ lưỡng đảng tại Thượng viện đều đồng ý bổ nhiệm bà Katherine Tai, cho thấy niềm tin mạnh mẽ vào quan điểm cứng rắn của bà với Trung Quốc cũng như năng lực của bà trong lĩnh vực luật thương mại.
Trong thời gian tới, bà Tai và các cộng sự sẽ phải xem xét lại các chính sách thương mại từ thời ông Trump, bao gồm thuế quan áp lên thép, nhôm và hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, cùng với đó là một số cấu phần của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 ký kết vào tháng 1/2020.
Ông Clete Willems - người từng có thời gian làm việc với bà Tai - nhận xét: "Bà Tai biết nên cứng rắn với Trung Quốc như thế nào và bà ấy biết làm thế nào để phối hợp với các nước khác".