|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhờ đâu Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới coi là hình mẫu chống dịch COVID-19 cho thế giới?

14:11 | 01/04/2020
Chia sẻ
Tuy là một nước đang phát triển với nguồn lực hạn hẹp nhưng Việt Nam lại đang khống chế đại dịch COVID-19 tốt hơn so với nhiều quốc gia giàu có.
Nhờ đâu Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới coi là hình mẫu chống dịch COVID-19 cho thế giới? - Ảnh 1.

Đường phố thủ đô Hà Nội vắng vẻ trong ngày 1/4 do người dân thực hiện nghiêm lệnh cách li toàn xã hội để phòng chống COVID-19. Ảnh: Y Vân.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã đặt câu hỏi rằng làm thế nào mà một quốc gia có nguồn lực hạn chế như Việt Nam lại có thể đối phó với COVID-19 trong khi đại dịch này đang đẩy hệ thống y tế của nhiều quốc gia phát triển đến nguy cơ sụp đổ.

Theo cập nhật mới nhất từ Bộ Y tế Việt Nam tính đến sáng ngày 1/4 (theo giờ địa phương), Việt Nam hiện xác nhận 212 ca nhiễm COVID-19 và không có ca tử vong nào.

Hành động mau lẹ

Khác với các nước châu Á giàu có như Hàn Quốc, Việt Nam không có khả năng tiến hành chương trình xét nghiệm hàng loạt.

WEF dẫn số liệu đến ngày 20/3 cho biết Việt Nam đã tiến hành xét nghiệm cho khoảng 15.637 người. Tuy nhiên, nhờ tập trung vào các biện pháp khả thi trong tầm tay, Việt Nam đã nhận được lời tán dương từ cộng đồng quốc tế.

Vào ngày 1/2, Việt Nam đã khởi động một loạt sáng kiến để kiểm soát tốc độ lây lan của đại dịch, WEF viết. Chính phủ Việt Nam đình chỉ toàn bộ chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc - điểm nóng nhất về dịch khi đó. Ngoài ra, Việt Nam cũng cho đóng cửa trường học trên toàn quốc kể từ sau Tết Nguyên đán 2020.

Hai tuần sau đó, chính phủ ban hành lệnh cách li tập trung 21 ngày đối với xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc - địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 là các công nhân trở về từ tâm dịch Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tâm thế chủ động giúp Việt Nam khác biệt so với các nước láng giềng

Theo WEF, Việt Nam đã chủ động ứng phó với đại dịch sau khi trải qua nhiều thay đổi lớn về chất lượng cuộc sống trong hai thập kỉ gần đây. Trong giai đoạn 2002 - 2018, quá trình chuyển đổi kinh tế đã giúp đưa hơn 45 triệu người dân Việt Nam thoát nghèo.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đã tăng gấp đôi lên hơn 2.500 USD vào năm 2018. Cùng năm này, Việt Nam chứng kiến GDP tăng 7,1% so với năm trước.

Sức khỏe của người dân Việt Nam cũng được cải thiện, theo đó tuổi thọ tăng từ 71 tuổi năm 1990 lên 76 tuổi vào năm 2015.

Hệ thống y tế của Việt Nam cũng được nâng cấp, tuy nhiên vẫn còn nhiều thiếu sót cần cải thiện. Trung bình, cứ 10.000 người dân Việt Nam sẽ có khoảng 8 bác sĩ chăm sóc. Tỉ lệ này ở Italy và Tây Ban Nha là 41 bác sĩ/10.000 người dân, ở Mỹ là 26 và Trung Quốc là 18.

WEF tán dương và lí giải tại sao Việt Nam thành hình mẫu chống dịch COVID-19 cho thế giới - Ảnh 1.

Các biện pháp chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam còn bao gồm lệnh cách li bắt buộc 14 ngày đối với bất kì ai nhập cảnh vào đất nước và hủy bỏ toàn bộ chuyến bay quốc tế. Ngoài ra, Việt Nam còn cách li người bệnh và sau đó kiểm tra lịch sử dịch tễ để tìm kiếm các cá nhân có tiếp xúc với người bệnh.

"Hàng xóm biết bạn đến từ đâu. Nếu có người nhiễm COVID-19 trong khu vực, họ sẽ báo cáo với chính quyền", bác sĩ Trương Hữu Khánh - trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi đồng TP HCM, cho hay.

Bên cạnh đó, chính phủ Việt Nam cũng mạnh tay xử lí thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19. Cho đến nay, cơ quan cảnh sát trong nước đã phạt hành chính khoảng 800 người.

WEF nhận định, với nguồn lực y tế hạn chế, Việt Nam dường như vẫn kiểm soát được tình hình.

Trong khi đó, tính đến sáng 1/4 (theo giờ Việt Nam), nước láng giềng Thái Lan đã xác nhận 1.651 ca dương tính với COVID-19 và 10 trường hợp tử vong.

Theo tiến sĩ Taweesin Visanuyothin của Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, nguyên nhân xuất phát từ "nhóm người từng tham dự một bữa tiệc rồi sau đó lây nhiễm cho khoảng 100 người khác". Ông Visanuyothin cho rằng những ai có nguy cơ nhiễm bệnh phải tuân thủ cách li xã hội cả ở nhà lẫn tại cơ quan.

Myanmar - một nước láng giềng khác của Việt Nam, cũng đang bị chỉ trích về việc thiếu minh bạch trong công bố thông tin.

Khả Nhân

Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025
Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.