|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

NHNN có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2020?

17:13 | 15/05/2020
Chia sẻ
Theo nhận định của giới chuyên gia, việc cắt giảm lãi suất điều hành mới đây của NHNN sẽ giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, góp phần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Trong thời gian tới, khả năng cắt giảm lãi suất điều hành sẽ phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch COVID-19.
NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: SBV)

Thanh khoản hệ thống sẽ thêm dồi dào 

Từ ngày 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức cắt giảm đồng loạt 0,5 điểm % các loại lãi suất điều hành. Đồng thời, NHNN cũng giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 4,25% và trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng xuống 0,2%/năm…

Đáng chú ý, đây là lần cắt giảm lãi suất điều hành thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Trước đó, ngày 17/3, NHNN cũng đã giảm mạnh các lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động ngắn hạn với mức cắt giảm cao nhất lên tới 1 điểm %.

Chia sẻ về quyết định hạ lãi suất điều hành, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết quan điểm điều hành chính sách tiền tệ xuyên suốt của NHNN là đảm bảo thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD) cung ứng vốn cho nền kinh tế. Đồng thời, hỗ trợ giảm lãi suất trên cơ sở cân nhắc các yếu tố nền tảng kinh tế vĩ mô phù hợp, mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD.

Theo nhận định của một số chuyên gia tài chính, việc cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ giúp thanh khoản hệ thống dồi dào hơn, góp phần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành? - Ảnh 2.

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu

Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đây là biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ của nhà điều hành và động thái này là cần thiết nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc cắt giảm lãi suất của NHNN được thực hiện đồng thời trên thị trường huy động giữa ngân hàng và dân cư (thị trường 1) thông qua việc giảm giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng xuống 4,25%, giảm trần lãi suất tiền gửi dưới 1 tháng xuống 0,2%/năm; và trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) thông qua việc giảm 0,5 điểm % các loại suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, lãi suất OMO…).

"Tất cả động thái này nhằm mục đích giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế", TS. Hiếu nhận định.

NHNN sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành? - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh. (Ảnh: Vietnamplus)

Đánh giá tác động của chính sách này, Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng quyết định cắt giảm lãi suất điều hành giúp các ngân hàng có điều kiện tiếp cận tốt hơn nguồn vốn giá rẻ từ NHNN, trên cơ sở đó góp phần giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Theo ông Thịnh, trong thời gian qua, mặc dù nhu cầu tín dụng bị suy giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh tuy nhiên hoạt động huy động tiền gửi cũng gặp khó khăn do thu nhập người dân bị sụt giảm, khiến một số ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất tiền gửi, đặc biệt là ở kì hạn dài. Do vậy, động thái cắt giảm cắt giảm lãi suất điều hành sẽ giúp những nhà băng gặp khó khăn về thanh khoản có thể tiếp cận được nguồn vốn thông qua các kênh cho vay của nhà điều hành.

Dưới góc độ một đơn vị tư vấn, bộ phận phân tích Công ty Chứng Khoán Yuanta nhận định việc hạ lãi suất điều hành lần này có tác động tích cực nhiều hơn lên hệ thống ngân hàng và có thể sẽ tác động tới nền kinh tế mạnh hơn đợt giảm lãi suất trước đó của NHNN vào tháng 3 vừa qua.

Theo Chứng Khoán Yuanta, loạt lãi suất đầu vào của ngân hàng (đặc biệt lãi suất huy động tối đa kì hạn ngắn) giảm mạnh hơn lần trước sẽ giúp các ngân hàng giảm được chi phí huy động đáng kể. Việc này sẽ giúp các ngân hàng hỗ trợ các doanh nghiệp gia hạn nợ và cơ cấu lại các khoản vay. Thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào nay lại càng dồi dào hơn.

Kì vọng NHNN tiếp tục cắt giảm lãi suất

Đánh giá về khả năng giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn vào cuối tháng 6, NHNN có thể sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm 2020 nhằm hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế.

"Còn trường hợp tình hình dịch bệnh chưa thể kiểm soát được trong quí II, gần như chắc chắn ngân hàng sẽ thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong đó bao gồm cả biện pháp cắt giảm lãi suất điều hành", ông Hiếu nhận định.

Còn theo chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, khả năng cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng sẽ rất khó khăn do lãi suất điều hành đang ở mức thấp và khoảng cách giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã rút ngắn lại.

Trước đó, chia sẻ về định hướng điều hành của NHNN trong thời gian sắp tới,  Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Phạm Thanh Hà cho biết NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. 

Trên cơ sở đó, NHNN sẽ chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Quốc Thụy

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.