Nhìn lại một năm của Basel II, đường về đích còn xa
Vietcombank và VIB là hai ngân hàng đầu tiên đáp ứng chuẩn Basel II tại Việt Nam |
Ảnh minh hoạ: Alex |
Tăng vốn và áp dụng Basel II đã và đang trở thành mục tiêu phấn đấu của hàng loạt ngân hàng Việt Nam. Đây được đánh giá là một thách thức vô cùng lớn và có ý nghĩa quan trọng trong quá trình nâng tầm các tổ chức tín dụng trong nước.
Theo chiến lược lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam, đến năm 2020 các ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực Basel II. Đến 2025, tất cả NHTM áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, triển khai thí điểm Basel II theo phương pháp nâng cao
Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chọn ra 10 ngân hàng để thí điểm Basel II gồm BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MBBank, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng chủ động báo cáo NHNN về việc thực hiện Basel II.
10 ngân hàng thí điểm đã thực hiện Basel II như thế nào?
Để đáp ứng được ba trụ cột chính của Basel II (vốn, giám sát và công bố thông tin) những ngân hàng được thí điểm đã có những kế hoạch cụ thể nhằm thay đổi, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực điều hành, quản lí rủi ro,… Các ngân hàng cũng làm quen dần với việc tính toán vốn theo phương pháp chuẩn của Basel II và xác định mức thay đổi tỉ lệ an toàn vốn (CAR).
Theo kế hoạch đặt ra trước đó, 10 ngân hàng này sẽ thực hiện phương pháp tính mới từ ngày 1/1/2019 sớm hơn một năm so với thời hạn hiệu lực của Thông tư 41 là 1/1/2020.
Ba trụ cột của Basel II |
Tính đến cuối năm 2018, đã có hai ngân hàng đầu tiên đạt chuẩn Basel II đó là Vietcombank và VIB. Điểm chung của hai đơn vị này là có hoạt động quản trị rủi ro, hiệu quả hoạt động tốt, không còn dư nợ trái phiếu tại VAMC, hệ số sinh lời cao và đang tăng trưởng...
9 tháng đầu năm, Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống lãi trước thuế 11.683 tỉ đồng, tăng hơn 47% so với cùng kì năm trước. Lợi nhuận trước thuế của VIB đạt 1.720 tỉ đồng, tăng 176%. Theo cho biết từ VIB, ngân hàng hiện có tỉ lệ CAR theo Basel II trên 9,5% và đang dự kiến sẽ vận hành Basel II từ ngày 1/1/2019.
Những điểm nổi bật trên chặng đường Basel II của các ngân hàng Việt Nam |
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) mặc dù không nằm trong nhóm 10 ngân hàng thí điểm nhưng lại sớm công bố hoàn thành các hạng mục dự án Quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế Basel II vào cuối năm 2017.
Nhìn chung, các ngân hàng trong hệ thống cũng cố gắng không ngừng trong việc tăng vốn, xử lí nợ xấu, tăng cường đầu tư phát triển hệ thống công nghệ thông tin, quản trị rủi ro,... để hướng tới Basel II.
Làn sóng niêm yết trên sàn chứng khoán thể hiện một trong những nỗ lực của các ngân hàng với ba ngân hàng chính thức niêm yết trên sàn (Techcombank, HDBank, TPBank) và một ngân hàng giao dịch trên UPCoM (LienVietPostBank). Ngay sau khi lên sàn, những ngân hàng này cũng tích cực tăng vốn không ngừng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Thương vụ BIDV dự kiến bán hơn 17% vốn cho đối tác nước ngoài KEB Hana Bank cũng được xem là một bước ngoặt trong quá trình tăng vốn của ngân hàng này sau nhiều năm tìm kiếm và đàm phán nhằm tăng vốn cấp 1. Dự kiến, thương vụ sẽ được thực hiện trong năm 2019.
Cùng với đó, việc lựa chọn tăng vốn bằng phát hành trái phiếu cũng được một số ngân hàng tận dụng triệt để. Trong đó phải kể đến hai "ông lớn" BIDV và VietinBank, những ngân hàng đang gặp khó trong tăng vốn cấp 1. Ngoài ra còn có các ngân hàng khác như: MBBank, ACB, VIB,...
Về vấn đề xử lí nợ xấu, tính đến cuối năm 2018 đã có 6 ngân hàng không còn nợ xấu tại VAMC gồm: Vietcombank, VIB, VIetinBank, MBBank, ACB và Techcombank. Số liệu số dư trái phiếu VAMC cuối tháng 9 của các ngân hàng nói chung có chiều hướng giảm. Ngoại trừ Maritime Bank tăng 8,1% và Bac A Bank không đổi thì những ngân hàng còn lại đều giảm từ 5,9% đến 66,7%.
Còn nhiều khó khăn
Đối với mỗi một vấn đề "trụ cột" của Basel II, mỗi ngân hàng có những "nỗi niềm" khác nhau.
Vấn đề vốn là thách thức lớn và khó khăn đối với các NHTM Nhà nước trong khi lại không quá khó đối với các ngân hàng cổ phần khác.
Vietcombank có lợi nhuận cao nhưng do áp lực ngân sách nên buộc phải lựa chọn trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì tăng vốn. Trong khi đó, một số ngân hàng như Sacombank vướng phương án tái cơ cấu rất khó tăng vốn.
Cũng tại các ngân hàng lớn, các khoản vay có qui mô lớn đồng nghĩa với việc rủi ro cao, chưa kể đến việc phải thực hiện tái cơ cấu theo chỉ đạo để ổn định kinh tế vĩ mô. Còn trụ cột thứ ba về công bố thông tin là vấn đề chung của tất cả các ngân hàng.
Theo đánh giá của các tổ chức E&Y, KPMG, Gottschalk R và Jones S, những khó khăn cơ bản của các nước khi triển khai Basel II gồm: chất lượng nguồn dữ liệu; hiệu quả của công tác phân loại tài sản có rủi ro; trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ; tính đầy đủ của nguồn lực (hạ tầng công nghệ, tài chính, con người); công tác đào tạo; chi phí thực hiện; cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý; đội ngũ chuyên gia và yêu cầu về công bố thông tin.
Theo phân tích của TS. Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, các ngân hàng đứng trước nhiều thách thức với Basel II.
Ông chỉ ra rằng các quy định trong Hiệp ước Basel rất phức tạp, cần có sự điều chỉnh để phù hợp với Việt Nam và có tính khuyến khích các ngân hàng tiến tới phương pháp nâng cao cơ bản.
Cùng với đó, việc triển khai Basel II có thể làm thay đổi cách thức xây dựng và triển khai kế hoạch kinh doanh của ngân hàng khi các quyết định kinh doanh phải dựa trên cơ sở đánh giá rủi ro và năng lực tài chính để bù đắp rủi ro. Từ đó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức ở quy mô toàn ngân hàng.
Một vấn đề quan trọng không thể không nhắc tới là sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu và thực trạng hạ tầng công nghệ thông tin. Đây được xem là một thách thức không nhỏ trong việc triển khai Basel II tại các ngân hàng ở Việt Nam khi "độ dày" dữ liệu chưa đủ mức tối thiểu là 5 năm và hạ tầng công nghệ còn yếu.
Bên cạnh đó, thị trường Việt Nam đang thiếu sự tham gia của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập theo yêu cầu trong triển khai Basel II. Tại Việt Nam hầu hết doanh nghiệp hoặc tài sản tài chính không được xếp hạng, gây khó khăn trong việc đánh giá và định giá khách hàng.
Chặng đường Basel II còn xa?
Theo thống kê của NHNN, tính đến 31/5/2018, CAR trung bình của toàn hệ thống đạt 12,14%. Trong đó, nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước có CAR thấp nhất 9,39% và nhóm ngân hàng liên doanh, ngân hàng nước ngoài có CAR cao nhất đạt 27,36%.
Nguồn: DB tổng hợp từ NHNN |
Nhìn vào những số liệu trên có thể nhận thấy việc cải thiện về vốn chưa tạo nên bước đột phá nào lớn trong khoảng thời gian trên. Điều này hàm ý cho một thách thức Basel II vẫn còn khá xa.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: "Tăng vốn để đảm bảo Basel II là vấn đề quan trọng nhất hiện nay. Tuy nhiên lộ trình đưa ra hiện tại là đến năm 2020 có thể áp dụng chuẩn Basel II ở một nhóm ngân hàng là một yêu cầu quá sức.
Để đạt được mỗi một năm cần phải tăng vốn khoảng 3 - 4 tỉ USD cho các ngân hàng trong khi mấy năm vừa qua chỉ đạt được một nửa. Hay nói cách khác là lộ trình đó sẽ không thực hiện được".
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/