|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều hiệp hội ngành hàng muốn Chính phủ hỗ trợ nhập vắc xin COVID-19 từ một tập đoàn UAE

07:26 | 30/07/2021
Chia sẻ
Các hiệp hội đã gửi kiến nghị tới Chính phủ đề nghị hỗ trợ để mua vắc xin tiêm cho người lao động sau khi tìm được nguồn vắc xin từ một tập đoàn UAE.

Mới đây, 4 Hiệp hội gồm Dệt may Việt Nam, Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Mỹ Nghệ và Chế biến Gỗ TP HCM vừa gửi một kiến nghị tới Thủ tướng mong muốn đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ doanh nghiệp mua vắc xin để tiêm miễn phí cho người lao động, Zing News đưa tin.

Theo đó, các hiệp hội kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện nhanh nhất và nhiều nhất (trong cuối tháng 7, đầu tháng 8) lượng vắc xin để tiêm cho người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp của 4 ngành hàng xuất khẩu để tiếp tục vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch.

Bên cạnh đó, các hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ được mua vắc xin từ nguồn cung tự tìm kiếm để tiêm miễn phí cho người lao động.

Bốn hiệp hội cho biết đã chủ động tìm nguồn cung vắc xin từ Tập đoàn Royal Stratergic Partner - UAE và ngày 13/7 Đại sứ quán Việt Nam tại UAE đã tới làm việc với tập đoàn để xác minh về khả năng cung ứng vắc xin của tập đoàn này.

Tuy nhiên, theo 4 hiệp hội, mặc dù Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhập khẩu vắc xin, nhưng đây là hoạt động chưa có tiền lệ nên sẽ có nhiều vướng mắc về thủ tục gây ảnh hưởng tới tiến độ nhập khẩu.

"Do vậy chúng tôi kính đề nghị Chính phủ và Bộ Y tế chủ trì đàm phán với Tập đoàn Royal Stratergic Partners UAE của UAE hoặc chỉ định đơn vị nhập khẩu Việt Nam có đủ điều kiện triển khai thủ tục nhập khẩu, ưu tiên hỗ trợ các hiệp hội thực hiện việc tiêm chủng cho người lao động tại các nhà máy", đại diện 4 hiệp hội đề xuất.

Không chỉ Hiệp hội ngành hàng Việt Nam, Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) cũng vừa kêu gọi Chính phủ Việt Nam xem xét, ưu tiên tiêm văc xin cho công nhân trong lĩnh vực may mặc và giày dép, Nikkei Asia đưa tin.

"Sự hỗ trợ thiết thực từ Chính phủ Việt Nam dành cho người lao động trong ngành may mặc sẽ giúp chúng tôi có cơ sở đề nghị Chính phủ Mỹ đẩy nhanh tốc độ viện trợ. Sự thành công của ngành công nghiệp may mặc phụ thuộc trực tiếp vào sức khỏe ngành này ở Việt Nam", Ông Steve Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AAFA cho biết.

Hiệp hội này mong muốn Việt Nam chuyển nhiều vắc xin hơn tới các trung tâm công nghiệp phía Nam, hiện đang là điểm nóng của dịch trên cả nước.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, các lô hàng dệt may từ Việt Nam đã tăng 20% tính đến tháng 5 năm nay, so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, Việt Nam chiếm 15% tổng nhập khẩu của Mỹ, so với 28% của Trung Quốc.

Trong những tháng đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã phục hồi và nhận được đơn hàng đến cuối năm, tuy nhiên khi đợt dịch mới bùng phát mạnh, phần lớn các doanh nghiệp đều ngưng hoạt động hoặc giảm mạnh năng suất khiến các đơn hàng bị chậm trễ.

Theo số liệu của Vitas thời điểm này có đến 97% các doanh nghiệp trong ngành dệt may tại các tỉnh phía Nam đều phải đóng cửa vì dịch bệnh COVID-19.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết: "Trong hai quý đầu năm nay, các doanh nghiệp dệt may đã nhận nhiều đơn hàng để thực hiện trong quý III và quý IV, tuy nhiên, khi dịch COVID-19 bùng phát đã khiến hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, một số đơn hàng buộc phải chuyển dịch để đáp ứng yêu cầu của đối tác".

Như Huỳnh