|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều doanh nghiệp 'ba tại chỗ' thành ổ dịch COVID-19

19:11 | 30/07/2021
Chia sẻ
Nhằm duy trì sản xuất và không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp và nhà máy phía Nam đã thực hiện phương án "3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ, nghỉ tại chỗ) thế nhưng dịch COVID-19 vẫn dễ dàng xâm nhập vào nhiều công ty, nhà máy...

Nhiều doanh nghiệp "thủng lưới" do COVID-19

Đối với các doanh nghiệp, việc phải tạm dừng sản xuất do dịch bệnh là nỗi sợ hãi lớn nhất. Bởi việc ngưng sản xuất không đơn giản là tạm dừng một vài ngày mà còn ảnh hưởng lớn tới tiến độ giao hàng của các đơn hàng. Cũng bởi thế mà nhiều doanh nghiệp chấp nhận tốn kém chi phí để có thể duy trì hoạt động sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ".

Tuy nhiên, những ngày gần đây, sau khi đưa công nhân, người lao động vào ở trong nhà máy đã phát sinh nhiều vấn đề mới ngoài mong muốn. Tại một số doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ" tại khu công nghiệp VSIP, qua sàng lọc đã ghi nhận có hơn 18 doanh nghiệp có công nhân dương tính với SARS-CoV-2, TTXVN đưa tin.

Lo sốt vó vì COVID-19 'len chân' vào doanh nghiệp '3 tại chỗ' - Ảnh 1.

Không phải doanh nghiệp nào cũng kịp tổ chức, có đủ khả năng tổ chức cho công nhân ăn, ngủ tại chỗ. (Ảnh minh họa: Thanh niên).

Hay theo thống kê số liệu của Hiệp hội Chế biến Gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cũng cho thấy, qua khảo sát sơ bộ tại 100 doanh nghiệp hội viên, có 71 doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ” và 29 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động cho đến khi có thông báo mới. Trong đó có 8 doanh nghiệp đã xuất hiện ca F0 trong nhà máy.

Mới đây nhất là vào ngày 27/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương đã phong tỏa toàn bộ Công ty Cổ phần Gỗ kỹ nghệ Long Việt, đồng thời đưa 248 công nhân đã dương tính với COVID-19 đi điều trị.

Tình trạng COVID-19 xâm nhập vào nhà xưởng, khiến phải ngừng hoạt động không chỉ xảy ra với ngành gỗ, mà cùng là vấn đề của nhiều ngành khác.

Theo thông tin Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP HCM, hiện thành phố cũng có đến ba cơ sở giết mổ heo thủ công đang tạm ngưng hoạt động do có công nhân bị nhiễm COVID-19.

Ngoài ra, nhà máy giết mổ gia cầm An Nhơn tại TP HCM cũng đã đóng cửa vì phát hiện F0. An Nhơn là nhà máy giết mổ gia cầm duy nhất của TP HCM, có công suất trung bình từ 60.000 - 100.000 con gà mỗi đêm.

Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) là một trong những ví dụ điển hình. Công ty này đã phải đối mặt với việc phát hiện 43 công nhân nhiễm COVID-19 chỉ sau 19 ngày khởi động mô hình "3 tại chỗ" (bắt đầu từ ngày 28/6).

Cần xem xét kỹ hơn về "3 tại chỗ"

Dù các công ty đều đã lên các kế hoạch, kịch bản chống dịch, song việc nhà xưởng bị phong tỏa, hàng trăm công nhân cùng một lúc bên trong nhà xưởng cũng khiến công ty rơi vào tình thế bị động khi phát hiện ca nhiễm COVID-19.

Lo sốt vó vì COVID-19 'len chân' vào doanh nghiệp '3 tại chỗ' - Ảnh 2.

Một doanh nghiệp tại Bình Dương thực hiện "3 tại chỗ". (Ảnh: Báo Bình Dương).

Có thể thấy, nếu không xây dựng được quy trình và tổ chức sản xuất chặt chẽ, đảm bảo an toàn thì "3 tại chỗ" sẽ có nguy cơ khiến dịch lây lan nhanh trong các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ".

Liên quan đến vấn đề này, hôm 28/7, UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn muốn tạm dừng hoạt động, sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ". Hiện trên địa bàn thị xã Tân Uyên có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”.

Ngoài ra, cùng ngày 28/7, UBND tỉnh Tiền Giang cũng ban hành công văn về việc tạm dừng hoạt động đối với các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đang hoạt động theo phương án “3 tại chỗ”- ăn, ở, sản xuất do phát hiện nhiều ca nhiễm.

Phương Trang

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.