|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam?

07:10 | 30/07/2021
Chia sẻ
Hà Nội đến nay đã ghi nhận hơn 1.000 ca mắc COVID-19, cao nhất miền Bắc nếu không tính Bắc Ninh và Bắc Giang đã kiểm soát được dịch. Việc giãn cách xã hội từ sớm và bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho hơn 5,1 triệu dân sẽ giúp giảm nguy cơ dịch lan rộng ở Hà Nội.
Nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam? - Ảnh 1.

Công an Hà Nội đã lập chốt kiểm soát COVID-19 tại nhiều tuyến phố trung tâm Thủ đô để kiểm tra, xử phạt những trường hợp người dân ra đường không vì nhu cầu thiết yếu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).

Số ca mới theo ngày chưa vượt ngưỡng 100

Từ ngày 6/7 đến nay, số ca mắc mới của Hà Nội liên tục tăng từng ngày. Các chùm ca bệnh liên quan Bệnh viện Phổi, nhà thuốc Láng Hạ vẫn có thêm bệnh nhân, trong khi đó, đáng chú ý từ 21/7, mỗi ngày đều phát hiện thêm các trường hợp dương tính qua sàng lọc tại cộng đồng. 

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, tính đến trưa 29/7, tổng số ca phát hiện qua sàng lọc ho sốt tại cộng đồng là 34, ho sốt thứ phát tại cộng đồng là 148 trường hợp.

Nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam? - Ảnh 2.

Về tổng ca nhiễm từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Hà Nội có hơn 1.000 ca – cao nhất miền Bắc nếu không tính Bắc Ninh, Bắc Giang đã kiểm soát được dịch. Ở phía Nam, có một số tỉnh thành có số ca nhiễm tương đương Hà Nội như Khánh Hòa, Tây Ninh, Đồng Nai. Tuy nhiên ba địa phương này ghi nhận số ca nhiễm hàng ngày cao hơn nhiều so với Thủ đô. 

Từ 6/7 đến nay, trung bình mỗi ngày Hà Nội có thêm khoảng 26 bệnh nhân mới, số ca nhiễm tăng dần nhưng chưa vượt ngưỡng 100.

Nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam? - Ảnh 3.

Hôm 17/7 (một tuần trước khi Hà Nội chính thức giãn cách theo Chỉ thị 16), ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho biết việc Hà Nội ghi nhận thêm các ca bệnh trong cộng đồng là vấn đề đã được nhận định từ trước. Theo ông Tuấn, ngành y tế xác định sẽ có những trường hợp F0 rải rác trong cộng đồng, bởi lượng người đi từ vùng dịch về là tương đối lớn. Cũng từ 17/7 đến nay, số ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày luôn trên 40 ca, ngoại trừ một vài ngày dưới 20 ca. 

Đến 24/7, chính quyền Thủ đô quyết định giãn cách xã hội toàn TP. Trao đổi với báo chí sáng cùng ngày,  Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định quyết định cách ly xã hội được chuẩn bị kỹ, có kịch bản tương ứng để bảo đảm ít xáo trộn nhất cho đời sống người dân. 

Bí thư Hà Nội cho biết các ca mắc mới ngoài cộng đồng chưa rõ nguồn lây là một trong những nguyên nhân chính khiến TP phải áp dụng giãn cách xã hội. Với nguy cơ lây lan dịch rất lớn, việc áp dụng nguyên tắc cách ly gia đình với gia đình, phường xã với phường xã là rất cần thiết.

Có thể thấy việc chính quyền Thủ đô nhanh chóng ban hành Chỉ thị số 17, yêu cầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, đã và đang giúp hạn chế nguy cơ dịch lan rộng. 

Đáng chú ý, từ 28/7,  Hà Nội tăng cường các chốt kiểm soát người và phương tiện theo từng địa bàn nhỏ, đảm bảo người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.

Có nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam? - Ảnh 3.

Bản đồ cảnh báo nguy cơ Rất cao ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Bản đồ Nguy cơ an toàn COVID-19).

Bắt đầu tiêm vắc xin cho hơn 5,1 triệu dân, áp dụng biện pháp mạnh hơn với địa bàn nguy cơ cao

Giữa lúc vẫn ghi nhận nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa xác định đươc nguồn lây, từ 27/7, toàn bộ các phường, xã trên địa bàn Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử cho hơn 5,1 triệu dân, bao gồm ba loại vắc xin AstraZeneca, Pfizer và Moderna.

Theo kế hoạch tiêm chủng đã được duyệt, Hà Nội đặt mục tiêu cao nhất là tiêm từ 100.000 - 200.000 mũi/ngày. Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng cho biết, TP đã khởi động 1.000 - 1.200 dây chuyền tiêm tại các trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường để tiêm chủng cho các trường hợp không có yếu tố nguy cơ, không có tiền sử dị ứng, phản vệ, những trường hợp trong tuổi trưởng thành.

Đối với những trường hợp có tiền sử phản vệ, có bệnh lý nền, người cao tuổi thì sẽ tiêm ở các bệnh viện, nơi có đủ trang thiết bị phòng hộ để sẵn sàng cấp cứu trong trường hợp có sốc phản vệ sau tiêm.

Nhiều ca mới trong cộng đồng, dịch tại Hà Nội có nguy cơ phức tạp như các tỉnh thành phía Nam? - Ảnh 5.

Từ 27/7, Hà Nội bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lớn nhất trong lịch sử. (Ảnh: TTXVN).

Với nguồn vắc xin về trong đợt tới, Sở Y tế Hà Nội sẽ triển khai tiêm chủng đạt được mục tiêu đề ra, hướng tới tháng 3/2022 sẽ tiêm được cho 70% người dân Hà Nội, tương ứng từ 5 - 6 triệu người.

Theo Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, dự kiến kế hoạch phân bổ vắc xin COVID-19 cho Hà Nội là hơn 11,3 triệu liều, số vắc xin phân bổ thực tế đến nay là hơn 2,2 triệu liều. Tính đến ngày 29/7, Hà Nội đã thực hiện hơn 411.000 liều tiêm. 

Cùng với việc tiến hành tiêm chủng, tại cuộc họp trực tuyến của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội ngày 28/7, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh cho phép địa bàn nguy cơ cao được áp dụng biện pháp mạnh hơn Chỉ thị số 17.4

Người đứng đầu UBND TP cũng đặc biệt lưu ý các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải siết chặt hoạt động của các khu, cụm công nghiệp, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, bảo đảm chỉ hoạt động khi đáp ứng yêu cầu an toàn phòng dịch và cam kết theo quy định.

Việc giãn cách xã hội từ sớm, kiểm soát chặt người ra vào TP và bắt đầu chiến dịch tiêm vắc xin cho hơn 5,1 triệu dân sẽ góp phần hạn chế nguy cơ dịch lan rộng tại Hà Nội.

Anh Đào

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.