|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều điểm đáng lưu ý trong 10 ngày đầu xét xử phạm Công Danh giai đoạn 2

18:50 | 21/01/2018
Chia sẻ
CBBank yêu cầu 3 ngân hàng liên đới bồi thường khoản thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng, ông Phạm Công Danh khẳng định VNCB bị ép tăng vốn, đường đi của 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ… là những vấn đề đáng lưu ý trong 10 ngày xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 vừa qua.
nhieu diem dang luu y trong 10 ngay dau xet xu pham cong danh giai doan 2 Người thân ông Trầm Bê xin giải tỏa kê biên nhà
nhieu diem dang luu y trong 10 ngay dau xet xu pham cong danh giai doan 2 46 bị cáo phải bồi thường hơn 6.100 tỷ đồng cho CBBank

Ngày mai (22/1) phiên xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch VNCB, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh), Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank) và 44 đồng phạm sẽ bước vào phần tranh luận sau 10 ngày xét hỏi. Theo kế hoạch, hai đại diện của Viện kiểm sát sẽ phát biểu và định tội cũng như đề nghị mức án đối với các bị cáo tại phần tranh luận.

Trong 10 ngày xét hỏi đã xuất hiện nhiều điểm đáng lưu ý xoay quanh hành vi vi phạm của ông Phạm Công Danh cùng 45 đồng phạm, gây thiệt hại 6.126 tỷ đồng.

nhieu diem dang luu y trong 10 ngay dau xet xu pham cong danh giai doan 2
Phiên tòa xét xử Phạm Công Danh (Ảnh: PV)

Đại diện Sacombank, TPBank đồng loạt lên tiếng trước tòa về việc "đòi tiền" của CBBank

Chiều ngày 17/1 đại diện CBBank đề nghị HĐXX tuyên đòi Sacombank, BIDV và TPBank phải hoàn trả hơn 6.126 tỷ đồng cho CBBank. Ngoài ra, 46 bị cáo trong vụ án cùng các tổ chức, cá nhân khác, bao gồm cả các cá nhân gây thiệt hại cho VNCB nhưng không bị xử lý hình sự, cũng phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường một phần trong số 6.126 tỷ cho Ngân hàng Xây Dựng.

Sau đó, sáng 18/1, luật sư bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho Sacombank và đại diện TPBank đã đồng loạt lên tiếng trước tòa về việc việc này.

Theo vị luật sư bão chữa cho đại diện TPBank, việc ông Phạm Công Danh làm trái, làm mất tài sản thì ông Danh phải chịu trách nhiệm. Theo nội dung HĐXX đã xét hỏi các bị cáo và người liên quan thì toàn bộ nguồn tiền vay từ TPBank đã được sử dụng để tăng vốn, trả cho bà Hứa Thị Phấn, nhóm Trần Ngọc Bích, công ty Hải Tiến, trả lãi ngoài và các khoản chi khác, tổng cộng hơn 1.740 tỷ đồng.

Còn phía Sacombank tại phiên xét xử đã đề nghị CBBank hỏi. “Ngân hàng Xây dựng đòi Sacombank cụ thể là bao nhiêu, tức số tiền riêng Ngân hàng Xây dựng yêu cầu Sacombank bồi thường thiệt hại là bao nhiêu? Căn cứ pháp lý nào đòi thu hồi thiệt hại?”. Đại diện CBBank cho biết yêu cầu Sacombank bồi thường 1.800 tỷ đồng liên quan đến khoản vay của 6 công ty, còn căn cứ pháp lý thu hồi xin cho phép trình bày tại phần tranh luận.

Luật sư phía Sacombank cũng cho biết việc CBBank đòi tiền các ngân hàng là mới phát sinh sau ngày 4/1, và tại sao ngân hàng Xây Dựng lại không tự mình xác định thiệt hại từ trước mà lại phải chờ đến bây giờ? Vị đại diện CBBank nói rằng họ xác định tư cách tham gia vụ án thế nào thì xác định quyền, tư cách và nghĩa vụ theo tư cách đó.

Đại gia Trầm Bê không phục về tội danh bị truy tố

Trả lời HĐXX, bị cáo Trầm Bê thừa nhận hành vi của mình nhưng ông cho rằng cáo trạng có một số chỗ chưa chính xác. Theo bị cáo, ông Danh là khách hàng lâu năm từ khi còn làm việc tại Ngân hàng Phương Nam. Trước đó, ông Bê biết ông Danh làm ở Tập đoàn Thiên Thanh sau đó chuyển sang Ngân hàng Đại Tín.

"Lúc đó, tôi chỉ nghĩ rằng ông Danh không được phép vay tiền ngân hàng mình làm chủ, giống như tôi, nhưng không bị cấm sang ngân hàng khác vay", ông Bê giải thích.

Ông Bê cũng nói rằng bản thân từng làm ngân hàng 10 năm, đã từng giữ vị trí Phó Chủ tịch 2 ngân hàng Phương Nam và Sacombank. Điều kiện cho vay của hội đồng tín dụng theo quy định là phải có tài sản bảo đảm, thu hồi được nợ, có lãi và phương án kinh doanh.

"Cố ý làm trái là phải có tư lợi gì, giúp gì cho anh Danh... Không lẽ những người làm như tôi nhưng nói không quen anh Danh thì không phạm tội? Chẳng lẽ tôi khai báo thật thà nói quen thì là làm trái sao? Bị cáo không phục", ông Bê nói và đề nghị cần có quy định, định hình, khái niệm rõ ràng hơn về tội danh này.

HĐXX cho rằng, điều kiện tiên quyết để cho vay là phải có phương án kinh doanh, trong khi các công ty này chỉ được lập ra để đi vay tiền. Ông Bê thừa nhận chưa đọc Luật các tổ chức tín dụng nhưng có 10 năm làm phó chủ tịch ở hai ngân hàng.

VNCB bị "ép" tăng vốn ra sao?

Mặc dù bị cáo Danh thừa nhận đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên ngân hàng VNCB và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại các ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV. Song Ông Danh cho rằng nếu như NHNN không thúc ép tăng vốn điều lệ thì bản thân ông cùng các bị cáo khác đã không phát sinh hành vi sai phạm trong vụ án này. Đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh và bối cảnh của vụ án.

Ông cho biết Ngân hàng Xây dựng thời điểm năm 2013 không có nguyên vọng tăng vốn mà đây là yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Do vướng hạn mức tín dụng, tăng trưởng tín dụng, NHNN yêu cầu không được giảm mà phải tăng vốn.

Cụ thể, các Thành viên HĐQT của VNCB đã có cuộc họp với ông Thảo - Giám đốc NHNN tình Long An bàn về vấn đề này.

Cho biết chi tiết hơn nội dung cuộc họp, bị cáo Phan Thành Mai - nguyên Tổng Giám đốc VNCB cho biết, ông Danh đã xin NHNN chia nhỏ việc tăng vốn thêm 4.500 tỷ đồng thành nhiều giai đoạn. Nhưng NHNN vẫn đưa ra yêu cầu bắt buộc tăng vốn và cho rằng việc tăng vốn nằm trong cơ cấu tái cơ cấu của VNCB. Sau cuộc họp đó, không có văn bản triển khai nào được đưa ra.

Khi nói về vấn đề này, bị cáo Danh nói: "Nếu như NHNN không thúc ép thì chúng tôi thực hiện hành vi sai trái này. Nếu nói về lý thì chúng tôi sai, kính mong HĐXX xem lại bối cảnh, hoàn cảnh".

“Ẩn số” 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ đang ở đâu?

Đây là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong 10 ngày diễn ra phiên xét xử, được HĐXX, VKS và các luật sư dành nhiều thời gian xét hỏi.

Theo lời khai của ông Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), phần lớn số tiền vay từ 4.700 tỷ đồng được VNCB dùng để tăng vốn điều lệ (4.500 tỷ đồng), còn lại được dùng để chăm sóc khách hàng.

Trong khi đó, lời khi từ ông Mai Hữu Khương - Thành viên HĐQT, Giám đốc khối kinh doanh VNCB lại cho hay, chỉ có 4.000 tỷ đồng được chuyển tăng vốn điều lệ cho VNCB; 623,528 tỷ đồng chuyển trả nợ Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Hải Tiến; còn lại 76,472 tỷ đồng sử dụng trả lãi các khoản vay tại BIDV.

Ông Chu Văn Lương (đại diện CBBank), toàn bộ số tiền 4.500 tỷ đã được CBBank hoạch toán hòa vào tiền chung, tuy nhiên không hạch toán vào nợ phải trả, sau đó mua lại 0 đồng.

Còn các luật sư cho rằng, số tiền 4.500 tỷ đồng Phạm Công Danh không sử dụng, do vậy khi đã hòa vào dòng tiền của VNCB, thì số tiền này được cấn trừ để làm giảm thiệt hại trong vụ án.

Ông Trần Bắc Hà vắng mặt do bị ung thư gan

Sau nhiều lần triệu tập không thành, đại diện của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV) đã đưa ra tài liệu xác minh ông Hà đang chữa bệnh ung thư gan tại Singapore, xuất cảnh ngày 7/1/2018.

Khi nhận được triệu tập của tòa án, ông Hà không có ý kiến nhờ luật sư bảo vệ cho mình trừ trường hợp ông có mặt tại phiên tòa. Do đó, Hội đồng xét xử (HĐXX) không chấp nhận yêu cầu bào chữa của Luật sư.

Theo giải trình của ông Hà gửi cơ quan điều tra, hồ sơ 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn là do ban chức năng của BIDV thực hiện, cá nhân ông với tư cách là trưởng phân ban rủi ro tín dụng đầu tư không trực tiếp tiếp nhận các hồ sơ, tài liệu mà chỉ xem xét trên cơ sở báo cáo, đánh giá đề xuất của các ban chuyên môn.

Qua xem xét, ông Hà nhận thấy việc cho 12 công ty vay vốn là phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.

Chính vì vậy, với thẩm quyền và trách nhiệm của mình, ông đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên phân ban rủi ro tín dụng đầu tư với nội dung phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỉ đồng.

Ông Hà cho rằng cá nhân ông đã thực hiện đúng chức trách và nhiệm vụ của chủ tịch ủy ban quản lý rủi ro.

Tuy nhiên, ông thừa nhận qua kiểm tra thấy các chi nhánh BIDV đã có một số thiếu sót như chưa kiểm toán báo cáo tài chính của khách hàng trong hồ sơ vay vốn, không lập phiếu đánh giá khách hàng về tình hình tài chính.

Ông Hà cho rằng các thiếu sót trên chỉ là thiếu sót về mặt nghiệp vụ mang tính chất bổ sung, thuộc quy định nội bộ của BIDV và các bộ phận đã rút kinh nghiệm.

Một số bị cáo thay đổi lời khai, không quen biết Phạm Công Danh

Tại phiên tòa, có một số bị cáo đã thay đổi lời khai và cho rằng không quen biết ông Phạm Công Danh.

Cụ thể Bị cáo Hà Văn Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Đại Phát Việt Nam là người đại diện trước pháp luật Công ty Đại Phát Việt Nam. Theo cáo trạng, bị cáo Bình đã ủy quyền cho Đỗ Phương Nam là Phó giám đốc sử dụng pháp nhân Đại Phát Việt Nam ký hồ sơ vay 170 tỷ đồng tại TPBank để mua 170 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh trị giá 170 tỷ đồng và chuyển 170 tỷ đồng cho Tập đoàn Thiên Thanh để Phạm Công Danh sử dụng.

Tuy nhiên tại phiên tòa, bị cáo Bình đã thay đổi lời khai. Bị cáo cho biết chưa hề ký giấy ủy quyền hay hợp đồng ủy quyền cho bị cáo Đỗ Phương Nam để thực hiện hành vi. Bị cáo cũng không quen biết Phạm Công Danh nên không thể nói bị cáo đồng phạm với Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB; đã phạm vào tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, bị cáo Bình mong HĐXX xem xét lại hành vi của bị cáo.

Tại cơ quan điều tra, trước đó bị cáo Bình cũng có thay đổi lời khai. Trước khi bị cáo Bình bị cơ quan điều tra gọi lên đã được bị cáo Nguyễn Việt Hà gặp riêng và nhờ nói có quen biết, gặp gỡ bị cáo Danh, được bị cáo Danh mượn pháp nhân. Tuy nhiên, khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo Bình đã thay đổi lời khai, không quen biết bị cáo Danh và đã được cơ quan điều tra ghi nhận đúng.

Bên cạnh đó, còn có bị cáo Đặng Thị Bích Thủy, nguyên Phó giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Hội sở TPBank thay đổi lời khai về nguồn tiền cho vay.

"Tại cơ quan điều tra bị cáo từng khai là nguồn tiền giải ngân cho các công ty là nguồn tiền gửi của VNCB, bị cáo trả lời sao về lời khai này?" Luật sư hỏi. Lời khai hôm nay ở tòa là đúng, còn ở cơ quan điều tra, thời gian đó bị cáo mới bị bắt, bị cáo cảm thấy bối rối nên không biết khai như thế nào, bị cáo Thủy cho biết.

Thủy khai trước khi gặp bị cáo Hà thì không biết Hà đã gặp cường để trao đổi về gói tín dụng. Thẩm quyền của bị cáo chỉ đề xuất để cấp tín dụng, sau đó thông qua thẩm định rồi mới qua phê duyệt của hội đồng tín dụng. Trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, bị cáo có nhận thấy một số điểm về tính pháp lý trong việc phát hành trái phiếu của các hồ sơ nên đã làm tờ trình lên cấp trên, Thủy cho hay.

Tuy nhiên bị cáo nghe nói là tờ trình của của mình không ảnh hưởng gì nên các khoản vay này vẫn được phê duyệt. Bị cáo phân cho các nhân viên sau đó các nhân viên sẽ căn cứ vào quy định của ngân hàng mà thực hiện theo quy trình chứ bị cáo không trực tiếp soạn thảo hồ sơ, bị cáo Thủy cho biết.

PV