|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Nhiều dấu hỏi xung quanh vụ cháy Rạng Đông và số phận khu đất 'vàng' 87-89 Hạ Đình

14:25 | 18/09/2019
Chia sẻ
Trước khi vụ hỏa hoạn xảy ra, Công ty Rạng Đông đã 2 lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại khu đất trụ sở, nhà máy ở Hạ Đình. Rạng Đông cũng đã bổ sung ngành nghề kinh doanh BĐS và nhận được chứng nhận quyền sử dụng khu đất này.
DSCF9166

Khu "đất vàng" rộng 5,7 ha tại số 87 – 89 Hạ Đình (Thanh Xuân – Hà Nội) là nơi đặt trụ sở chính và nhà máy của CTCP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. (Ảnh: Thu Hà)

2 lần xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất bất thành?

Theo tìm hiểu, khu đất số 87 - 89 Hạ Đình - trụ sở công ty và nhà máy Rạng Đông (Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông) tại số 87-89 Hạ Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) có mục đích sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất bóng đèn phích nước và sản phẩm phục vụ chiếu sáng (đất cơ sở sản xuất, kinh doanh).

Tháng 5/2017, Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông (nhà máy Rạng Đông) có văn bản đề nghị UBND thành phố cho phép lập qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại khu đất số 15 Hạ Đình (nay là số 87-89 Hạ Đình). UBND TP Hà Nội sau đó giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) Hà Nội hướng dẫn triển khai các thủ tục.

Đến tháng 11/2017, trên cơ sở ý kiến của các sở, ngành, Sở QHKT đã có Văn bản trả lời phía nhà máy Rạng Đông.

Theo nội dung chính văn bản nêu, việc Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy Rạng Đông và lập qui hoạch chi tiết theo Qui hoạch phân khu đô thị H2-3, tỉ lệ 1/2000 được duyệt là chưa có cơ sở để xem xét và hướng dẫn của cấp có thẩm quyền đối với việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Tháng 3/2018, Công ty Rạng Đông lại có văn bản đề nghị tiếp tục thẩm định, trình UBND TP Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ qui hoạch chi tiết 1/500 nhưng vẫn không được cơ quan chức năng chấp thuận.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phản hồi rằng, việc nhà máy Rạng Đông di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tổ chức lập qui hoạch chi tiết khu đất rộng hơn 5,7 ha ở 87 - 89 Hạ Đình là không có cơ sở, cần chờ hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.

Đáng chú ý, theo phản ánh của báo chí, trong lộ trình di dời các cơ sở sản xuất khỏi nội thành đến năm 2020, Công ty Rạng Đông không nằm trong diện di dời.

Cụ thể, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã báo cáo UBND TP Hà Nội thực hiện lập danh mục, xác định tiêu chí lộ trình và biện pháp di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp với qui hoạch ra khỏi khu vực các quận nội thành.

Trong đó, khu đất tại 87 - 89 Hạ Đình do nhà máy Rạng Đông quản lí, sử dụng không nằm trong danh mục di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường và không phù hợp qui hoạch để di dời ra khỏi khu vực quận nội thành.

Trước đó, ông Trần Trung Tưởng, Phó Tổng Giám đốc Rạng Đông cũng từng khẳng định Công ty không nằm trong danh mục buộc phải di dời trước năm 2020. Tuy nhiên, lãnh đạo công ty đã có kế hoạch di dời nhà máy sang Quế Võ (Bắc Ninh) và đã mua thêm đất ở khu vực đó cách đây 2 năm.

Rạng Đông có đăng kí ngành nghề kinh doanh BĐS

Liên quan đến việc chuyển đổi khu "đất vàng", Rạng Đông không chỉ 2 lần gửi văn bản xin được cho phép lập qui hoạch chi tiết 1/500 tại khu đất này mà sau đó còn xin bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản.

Cụ thể, hồi tháng 9/2018, Rạng Đông thông báo xin ý kiến cổ đông bằng văn bản bổ sung ngành nghề kinh doanh. Theo đó, công ty bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê và tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, một phần lí do khiến Rạng Đông muốn lấn sân sang mảng bất động sản là do công ty này đang sở hữu mảnh "đất vàng" rộng 5,7 ha tại Hạ Đình - vị trí đắc địa có không ít đại gia địa ốc nhòm ngó.

Theo tìm hiểu, tại văn bản đề nghị được lập qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại số 87 - 89 Hạ Đình, Rạng Đông muốn di dời cơ sở sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhà máy Rạng Đông và lập Qui hoạch phân khu đô thị H2-3.

Được biết, Qui hoạch phân khu đô thị H2-3 tại Quyết định số 6665 do UBND TP Hà Nội ban hành ngày 3/12/2015, khu đất quanh nhà máy Rạng Đông gồm các nhóm đất: 1 ô đất công cộng (kí hiệu CC), 1 ô đất cây xanh (kí hiệu CX), 2 ô đất trường học (1 trường trung học phổ thông, 1 trường tiểu học, kí hiệu TH), 1 ô đất hỗn hợp (kí hiệu HH) và 1 ô đất trống (chưa được qui hoạch làm gì).

Trong đó, khu đất hỗn hợp được ưu tiên bố trí các chức năng thương mại, dịch vụ công cộng. Việc bố trí một phần căn hộ phải đảm bảo được cấp thẩm quyền chấp thuận, đồng thời đảm bảo các điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kĩ thuật trong khu vực và chỉ dành để phục vụ dân cư khu vực.

Ngoài ra, theo thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, trong ngành nghề kinh doanh của Rạng Đông có bổ sung lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bao gồm: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất.

Thực tế, nếu được duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Rạng Đông có thể đã đủ điều kiện để phát triển dự án BĐS. Hiện nay, dư luận cũng đang đặt câu hỏi liệu một phần diện tích khu "đất vàng" của Nhà máy Rạng Đông có "biến" thành chung cư cao tầng?

Trong khi đó, báo cáo hồi tháng 5/2018 của Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết Rạng Đông đã nhận được sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo BSC, giá trị khu đất hiện không được hạch toán như một tài sản của Rạng Đông. Nếu chuyển nhượng khu đất, Rạng Đông có thể thu được lãi.

Hoặc Rạng Đông có thể hợp tác đầu tư với một doanh nghiệp bất động sản khác để phát triển dự án, như cách mà Công ty cơ khí Hà Nội, Cao su Sao Vàng, Dệt kim Đông Xuân… đã làm.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng khu đất thành chung cư, văn phòng thì cần phải có qui hoạch phù hợp, đảm bảo yếu tố môi trường...

Mới đây, Hội đồng quản trị CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (Mã: RAL) vừa phê chuẩn đề xuất mua nhà làm trụ sở làm việc và làm kho cho 2 chi nhánh công ty tại Biên Hoà và Đắk Lắk.

Tổng mức đầu tư theo đề xuất của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Nguyễn Đoàn Thắng là 42 tỉ đồng để mua lô đất tại xã Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai và thửa đất số 11 tờ bản đồ số 8, phường Tân Lập, Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh công đang đứng trước sức ép di dời nhà máy khỏi nội đô Hà Nội sau vụ hỏa hoạn diễn ra vào ngày 28/8 vừa qua.

Thu Hà