Nhiều công ty và quỹ đầu tư quan tâm muốn mua lại Toshiba
Theo thông báo của Toshiba, 10 doanh nghiệp đã gửi cam kết bảo mật cho Toshiba để giành quyền tiếp cận thông tin chi tiết về tình hình kinh doanh và tài chính của công ty. Hồi tháng 4/2022, trước sức ép của các cổ đông nước ngoài, Toshiba tuyên bố sẽ trưng cầu các đề xuất chiến lược, bao gồm cả kế hoạch mua lại doanh nghiệp này sau khi các cổ đông bác bỏ phương án cải tổ.
Theo nguồn thạo tin, 10 doanh nghiệp, gồm cả các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài, đã bày tỏ quan tâm đến kế hoạch của Toshiba. Toshiba với lịch sử hoạt động gần 150 năm cho biết hạn chót để nộp các đề xuất là vào ngày 30/5. Sau đó, Toshiba sẽ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc họp cổ đồng vào cuối tháng 6 tới.
Theo Toshiba, lợi nhuận ròng trong tài khóa 2021 kết thúc vào tháng 3/2022 vừa qua đã tăng 70,8% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt mức 194,65 tỷ yen (1,5 tỷ USD), nhờ hiệu quả hoạt động nhanh chóng của các đơn vị sản xuất bán dẫn và năng lượng. Doanh số của hãng cũng tăng 9,3% lên 3.340 tỷ yen.
Toshiba đang đối mặt với nhiều khó khăn khi các cổ đông hồi tháng 3/2022 đã phản đối kế hoạch chia tách doanh nghiệp này thành hai công ty để cải thiện giá trị doanh nghiệp.
Được thành lập vào năm 1875, Toshiba từ lâu đã được xem là một trong những thương hiệu uy tín của Nhật Bản, đã phát triển radar và lò vi sóng, nồi cơm điện và máy tính xách tay đầu tiên của quốc gia này. Toshiba cũng phát minh ra bộ nhớ flash, chip máy tính phổ biến để lưu trữ và lưu giữ dữ liệu cho máy ảnh kỹ thuật số, điện thoại di động và các thiết bị khác. Toshiba không còn sản xuất máy tính xách tay và đã bán bộ phận chip máy tính.