Người cũ Blue Origin lập công ty vũ trụ riêng, sản xuất tên lửa bằng in 3D: Huy động 1,2 tỷ USD sau 8 tháng, tiềm năng sánh với SpaceX
Tim Ellis, một người đàn ông 31 tuổi dáng vẻ khiêm tốn với cặp kính cận đã và đang nỗ lực để kêu gọi những nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào công ty khởi nghiệp Relativity Space của mình. Doanh nhân trẻ này là người đồng sáng lập của Relativity Space vào năm 2015, sau khi rời công ty vũ trụ của Jeff Bezos. Từ thời điểm đó, Relativity Space có kế hoạch chế tạo các tên lửa khá nhỏ có thể phóng vệ tinh lên quỹ đạo với chi phí rẻ và nhanh chóng.
Ý tưởng khởi nghiệp
Thực tế, kế hoạch và ý tưởng của công ty không phải là mới vì hàng chục công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tên lửa, không gian đều "chào hàng" bằng "tên lửa nhỏ", "rẻ" và "nhanh". Thế nhưng, Relativity Space vẫn cực kỳ nổi bật ở một số khía cạnh. Công ty đã huy động được khoảng 1,2 tỷ USD chỉ trong 8 tháng, mức đầu tư điên cuồng mà rất ít doanh nghiệp trong ngành công nghiệp vũ trụ ngoài SpaceX của Elon Musk có được.
Nhà máy sản xuất khổng lồ của Relativity Space ở Long Beach, California luôn hoạt động liên tục khi sản xuất, chế tạo và luân chuyển các bộ phận tên lửa từ bộ phận này sang bộ phận khác. Công nhân có việc làm liên tục và luôn bận rộn. Và thực tế, Relativity Space có những cánh cửa rộng mở như các nhà chứa máy bay khổng lồ, trong đó có những máy in 3D lớn nhất thế giới. Những chiếc máy in 3D chính là đặc điểm nổi bật của công ty.
Relativity Space có kế hoạch in 3D hầu hết mọi thành phần của tên lửa quỹ đạo cao, được gọi là Terran 1. Ellis nói rằng đây là thế mạnh mà công ty dùng để thu hút các nhà đầu tư. Công nghệ in 3D của công ty khởi nghiệp đủ khả năng chế tạo một tên lửa trong vòng chưa đến 1 tháng – khác hoàn toàn so với các quá trình sản xuất tên lửa khác mất tới vài tháng hoặc hơn 1 năm.
Theo ông Ellis, việc sử dụng robot cũng sẽ cho phép Relativity Space nhanh chóng tích hợp những thay đổi nhỏ vào thiết kế tên lửa của mình, có khả năng cho phép công ty phát triển một sản phẩm tốt hơn nhiều trong thời gian ngắn hơn.
Chưa bao giờ thử nghiệm phóng tên lửa
Thực tế, việc tạo tên lửa với các thiết bị được in 3D chỉ là ý tưởng và vẫn chưa chính thức được ra mắt nên cho đến nay, công ty vẫn chưa rõ liệu in 3D có thực sự có khả năng trở thành một giải pháp thay thế quả cho các phương pháp chế tạo truyền thống hay không. Phần lớn tên lửa truyền thống cũng được hàn hoặc lắp ráp bằng tay - một quá trình có thể rất tốn kém và rất mất thời gian.
Dù thế, việc xác định một ý tưởng chế tạo tên lửa từ bản vẽ thiết kế và biến nó thành một cỗ máy cao ngất ngưởng, ngốn nhiên liệu có thể xé toạc lực hấp dẫn của Trái đất và đưa vệ tinh vào quỹ đạo một cách an toàn là bài kiểm tra khó khăn mà mọi công ty tên lửa dù khởi nghiệp hay đã hoạt động nhiều năm cũng đều phải vượt qua. Và liệu các ý tưởng của Relativity Space có thực sự chuyển thành hiệu quả thị trường hay không là một câu hỏi mở.
Đầu tư vào vũ trụ là đầu tư cho tương lai?
Relativity Space có được sự ủng hộ từ những nhà đầu tư nổi tiếng, chẳng hạn như Fidelity và BlackRock. Công ty đã tăng lên mức định giá hơn 4 tỷ USD và là một trong những công ty có giá trị nhất trong lĩnh vực không gian thương mại đang phát triển - bằng cách thu hút kiểu hậu thuẫn mà hầu hết các công ty khởi nghiệp chỉ có thể mơ ước.
Công ty đang trong quá trình chuyển khỏi ngôi nhà hiện tại ở Long Beach thành một nhà chứa máy bay rộng lớn hơn - nơi Boeing từng chế tạo máy bay chở hàng C-17. Lực lượng lao động của công ty đã tăng từ khoảng 100 người lên khoảng 600 người chỉ trong vài năm. Startup này cũng thuê được đội ngũ kỹ thuật chủ chốt từ SpaceX, công ty tên lửa Blue Origin của Jeff Bezos và các công ty công nghệ lớn như Microsoft.
Thực tế là Relativity Space đã thu hút rất nhiều sự chú ý của nhà đầu tư trong khi tên lửa của nó về cơ bản vẫn là vật trưng bày. Điều này là một minh chứng cho thực tế rằng các thị trường đầu tư tư nhân đang tràn ngập lượng tiền mặt kỷ lục và những người có tiền đang lo lắng để kiếm thêm tiền của họ ở nơi lĩnh vực mới, chấp nhận lợi nhuận lớn và rủi ro cao.
Vì sao các nhà đầu tư tin tưởng vào công nghệ chế tạo tên lửa in 3D?
Các nhà máy sản xuất tên lửa khác sử dụng máy in 3D để nhanh chóng phác thảo một số thành phần nhất định, nhưng hầu hết các thành phần được đưa đến từ các nhà cung cấp thông qua một chuỗi cung ứng phức tạp.
Tại Relativity Space, các bộ phận của tên lửa hầu như được chế tạo hoàn toàn bởi robot một tay, phun kim loại thành các mảnh được thiết kế phức tạp có thể thay thế hàng trăm bộ phận nhỏ. Khoảng 90% tên lửa của nó được in 3D. Do đó, Relativity Space cho biết họ có thể dùng chưa tới 1.000 bộ phận, cho dù tên lửa truyền thống sử dụng hơn 100.000 bộ phận.
Nền tảng của những nỗ lực in 3D này là Stargate - một máy in 3D cao chót vót mà Relativity Space cho là lớn nhất trên thế giới, và nó in bằng các hợp kim kim loại độc quyền. Máy móc có thể chế tạo toàn bộ thân tên lửa chỉ trong vài ngày.
Ellis cũng nói với CNN rằng anh hình dung máy in 3D của mình có thể là người thay đổi cuộc chơi đối với hoạt động sản xuất trong một số ngành công nghiệp, bao gồm máy bay, nhà máy lọc dầu và khí đốt, tuabin gió,…
Relativity Space đặt ra kế hoạch đưa tên lửa của mình lên mặt đất vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, như điều thường thấy trong ngành vũ trụ, lịch trình thường khó mà được đảm bảo chính xác từng ngày. Thời điểm ra mắt đầu tiên của Terran 1 đã được đẩy lên năm 2022.
Có thể thấy, lĩnh vực không gian là một lĩnh vực "nóng bỏng tay" và cực kỳ nổi bật. Cách tiếp cận của công ty khởi nghiệp Relativity Space có thể tạo ra sự đột phá và việc thu hút hàng tỷ đầu tư cũng đã chứng minh tiềm năng của dự án, kế hoạch.