Liên doanh Alibaba tại Nga sa thải nhân viên trước sức ép trừng phạt từ phương Tây
AliExpress Russia, liên doanh thương mại điện tử giữa Alibaba Group Holding và ba đối tác Nga, trong đó bao gồm Mail.ru Group, đã khởi động chính sách cắt giảm nhân viên, thu hẹp hoạt động sau xung đột tại Ukraine.
Dẫn nguồn tin từ Vedomosti, tờ South China Morning Post cho hay hành động cắt giảm việc làm đã diễn ra từ một tháng trước, ảnh hưởng tới 40% nhân viên trong bối cảnh các lệnh trừng phạt từ phương Tây đối với Nga ngày một gia tăng.
Tờ Vedomosti cho biết đã phỏng vấn ba nguồn tin, trong đó có hai người nắm rõ tình hình thị trường thương mại điện tử Nga và một nhân viên đã bị cho nghỉ việc. AliExpress Russia không trả lời yêu cầu bình luận được gửi qua email.
Deng Jinling - một người bán hàng online tại trung tâm xuất khẩu Yiwu (Trung Quốc) nói rằng những tháng gần đây cô không còn nhận được đơn hàng nào từ Nga hay Ukraine. Cô cho biết những thị trường này từng đóng góp 60% doanh thu của cô với tổng doanh thu hàng năm lên tới 20 triệu nhân dân tệ.
Thường lệ, cô sẽ thương lượng giá với khách hàng sau dịp Tết cổ truyền Trung Quốc và giao hàng trong tháng 5. "Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa nhận được đơn hàng nào", cô nói. "Tôi không rõ tình hình nửa cuối năm nay sẽ ra sao nữa. Nga và Ukraine còn chưa đạt được thỏa thuận".
Tháng 4/2021, AliExpress Russia cho biết việc IPO sẽ là bước đi tiếp theo. Theo báo cáo từ Reuters, AliExpress Russia có tổng lượng giao dịch hàng hóa trên thị trường trực tuyến đạt 3 tỷ USD trong năm tài chính 2020 - 2021.
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã khiến các công ty Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực này lao đao. Các chuyến hàng từ Thâm Quyến đến Nga đã giảm 1/3 kể từ khi xung đột nổ ra. Huawei - tập đoàn viễn thông khổng lồ của Trung Quốc, được cho là đã sa thải một số nhân viên tại Nga để phòng ngừa rủi ro liên đới từ các lệnh trừng phạt. Huawei không xác nhận hay chối bỏ thông tin trên.
DJI - đơn vị sản xuất thiết bị bay không người lái hàng đầu Trung Quốc, vào tháng trước cũng tuyên bố sẽ dừng bán hàng cho cả Nga và Ukraine sau những thông tin cho hay sản phẩm của họ được sử dụng cho các hành động quân sự.
Các công ty công nghệ Trung Quốc thường hạn chế bình luận về các liên doanh tại Nga cũng như tình hình Ukraine, một phần vì Bắc Kinh chính thức phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.