|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Toshiba rời sàn chứng khoán sau 74 năm niêm yết

09:54 | 22/09/2023
Chia sẻ
Sự kiện Toshiba hủy niêm yết được xem là thương vụ M&A lớn nhất năm nay của Nhật Bản.

Toshiba trở thành công ty tư nhân. (Ảnh: Yahoo Finance).

Mới đây, quỹ đầu tư tư nhân Japan Industrial Partners (JIP) đã thành công trong việc hoàn tất thương vụ mua lại gần 80% cổ phần tập đoàn Toshiba, qua đó chấm dứt 74 năm tồn tại của tập đoàn điện tử lâu đời này với tư cách là một công ty niêm yết. Trước đó, ông lớn điện tử Nhật Bản đã chào bán số cổ phiếu trị giá khoảng 2.000 tỷ yên, tương đương 13,5 tỷ USD, theo Bloomberg.

Ngân hàng Sumitomo Mitsui và các ngân hàng khác đã tài trợ cho thương vụ mua lại của JIP thông qua khoản vay 1.200 tỷ yên. Toshiba cho biết JIP hiện nắm giữ 78,65% tổng số cổ phần của tập đoàn, mở đường cho đơn vị này nắm quyền kiểm soát công ty.

JIP là cái tên nổi tiếng ở Nhật Bản khi "nhúng tay" vào nhiều thương vụ chia tách của các tập đoàn tại xứ mặt trời mọc. Quỹ đầu tư này từng mua lại mảng kinh doanh máy ảnh của Olympus và mảng máy tính xách tay của tập đoàn Sony.

Liên minh của JIP bao gồm 20 công ty Nhật Bản, dẫn đầu là nhà sản xuất chip Rohm, công ty dịch vụ tài chính Orix và nhà cung cấp điện Chubu Electric Power. Theo CNN, sự kiện JIP mua lại Toshiba sẽ là thương vụ M&A lớn nhất tại Nhật Bản trong năm nay.

Theo dữ liệu của LSEG, Nhật Bản là thị trường lớn duy nhất ở châu Á chứng kiến ​​sự tăng trưởng trong hoạt động mua bán và sáp nhập từ đầu năm đến nay. 

Sự kiện Toshiba hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán Tokyo sẽ khép lại một thập kỷ đầy khó khăn của công ty với những bê bối liên quan tới quan hệ cổ đông và sự chậm chạp trong việc đổi mới, đi kèm với kết quả kinh doanh không mấy tích cực.

Quá trình chào bán cổ phần của Toshiba đã diễn ra trong suốt một năm qua, trong bối cảnh toàn ngành điện tử có nhiều biến động do sự nổi lên của trí tuệ nhân tạo. So với các đối thủ như Samsung Electronics hay SK Hynix, đơn vị sản xuất chip Kioxia Holdings Corp. của Toshiba đã tụt hậu hơn rất nhiều. 

Đại diện Toshiba cho biết JIP và Toshiba sẽ thảo luận về cơ cấu quản lý công ty sau khi tư nhân hóa. Ban lãnh đạo Toshiba cho biết việc tư nhân hóa sẽ cho phép tập đoàn tập trung vào chiến lược dài hạn hơn. Theo đó, công ty đang có các hoạt động kinh doanh liên quan đến nhà máy điện hạt nhân, chất bán dẫn điện, pin và ổ đĩa cứng...

Từng là một tên tuổi lớn trong ngành điện tử, song Toshiba đang càng ngày càng đi xuống. Đỉnh điểm là bê bối sai lệch báo cáo tài chính vào năm 2015, bên cạnh đó là khoản lỗ 6,3 tỷ USD khi đầu tư kinh doanh hạt nhân thất bại. Công ty đã phải bán mảng kinh doanh bộ nhớ và cơ cấu lại đơn vị sản xuất chip Kioxia.

Từ năm 2021 đến 2022, Toshiba đã lần lượt thông báo kế hoạch chia tách tập đoàn thành 2-3 đơn vị. Tuy vậy, Hội đồng quản trị công ty đã đi đến quyết định cuối cùng là bán cổ phần và đưa công ty rời sàn chứng khoán.

Thùy Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).