Nhóm đối tác muốn giành miếng bánh Toshiba
Theo Reuters, ngày 18/9, Chubu Electric Power (đơn vị cung cấp điện tại vùng Chubu thuộc đảo Honsu của Nhật Bản) cho biết họ đang cùng Japan Industrial Partners (JIP) tiến hành thẩm định đối với thương vụ mua lại cổ phần của Tập đoàn Toshiba.
Toshiba đang nghiên cứu việc chuyển sang công ty tư nhân và ông lớn điện tử của Nhật Bản đã chọn Bain Capital, CVC Capital Partners, Brookfield Asset Management, một tập đoàn giấu tên liên quan đến JIP và Japan Investment Corp (do nhà nước hậu thuẫn) để tiến hành vòng đấu thầu thứ hai.
Tờ báo Nhật Nikkei Asia cũng cho biết JIP đã liên hệ với hơn 10 công ty bao gồm Chubu Electric, tập đoàn tài chính Orix Corp cùng Central Japan Railway Co để tham gia vào liên minh của mình. Orix cho biết họ đang xem xét đầu tư vào Toshiba và chưa đưa ra thêm bất cứ thông tin nào.
Toshiba, vốn đang rơi vào tình trạng hỗn loạn từ nhiều năm nay và đang vướng vào cuộc chiến tranh chấp với các nhà đầu tư, hiện đang kỳ vọng sẽ được giúp đỡ bởi các công ty mà họ có quan hệ kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng.
Vào tháng 7, bốn nhóm đã tiến tới vòng đấu thầu thứ hai cho các kế hoạch tái cơ cấu của Toshiba, bao gồm cả JIP. Các nhóm này hiện đang tiến hành thẩm định các vấn đề của công ty và có khả năng sẽ đưa ra các đề nghị ràng buộc sớm nhất là trong tháng này.
JIP hiện đang kêu gọi các công ty Nhật Bản thành lập một liên minh với mức đầu tư lên tới 100 tỷ yên (695 triệu USD)/đơn vị. JIP đã cố gắng tiến tới vòng đấu thầu thứ hai với Japan Investment Corporation, nhưng JIP có thể thay đổi người tham gia nếu huy động đủ vốn cho thương vụ mua lại.
Toshiba có quan hệ sâu sắc với các công ty năng lượng thông qua các hoạt động kinh doanh năng lượng của mình, liên quan đến thiết bị được sử dụng trong nhà máy điện hạt nhân và nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch - lĩnh vực đòi hỏi tiêu chuẩn cao về an toàn và công nghệ.
Trong lĩnh vực kinh doanh đường sắt, Toshiba cung cấp nhiều loại sản phẩm, từ pin và hệ thống truyền động cho tàu hỏa hay hệ thống quản lý vận hành. Các sản phẩm này thường được phát triển theo nhu cầu của khách hàng bằng cách sử dụng các công nghệ độc đáo của Toshiba.
Nếu những công nghệ như vậy bị đánh mất, điều đó có khả năng ảnh hưởng đến các đối tác kinh doanh và cả khách hàng của ông lớn điện tử này. Các nguồn tin cho biết JIP hiểu rất rõ các hoạt động kinh doanh của Toshiba và JIP đang tạo ra một liên minh đông đảo để khách hàng của Toshiba tham gia.
Vì Toshiba tham gia vào lĩnh vực điện hạt nhân, được Nhật Bản coi là lĩnh vực kinh doanh chiến lược "cốt lõi" theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương của nước này, bất kỳ hoạt động mua bán nào sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chính phủ.
Và cũng sẽ là một thách thức đối với bất kỳ "liên minh" nào muốn mua lại và biến Toshiba thành tư nhân, vì vốn hóa thị trường của Toshiba vượt quá 2 nghìn tỷ yên. Tuy nhiên, dù các quỹ đầu tư nước ngoài có nhiều tiền để mua lại nhưng các nhóm trong nước có thể có lợi thế hơn khi tuân theo Đạo luật Ngoại hối và Ngoại thương.
Các nguồn tin nói rằng JIP sẽ là một ứng cử viên sáng giá nếu họ huy động đủ tiền cho việc mua lại. Những người khác trong vòng đấu thầu thứ hai là Bain Capital, Brookfield Asset Management và CVC Capital Partners.
Cuộc khủng hoảng của Toshiba bắt đầu từ năm 2015, khi một vụ bê bối kế toán bị phanh phui. Tiếp theo là một khoản lỗ lớn được phát hiện tại hoạt động kinh doanh năng lượng hạt nhân ở Mỹ vào cuối năm 2016. Công ty đã phát hành khoảng 600 tỷ yên cổ phiếu mới trong năm 2017 để tránh báo cáo giá trị ròng âm trong năm thứ hai liên tiếp.
Điều này dẫn đến việc một số nhà đầu tư hoạt động trở thành cổ đông quan trọng, có ảnh hưởng đến các quyết định quản lý.
Vào tháng 11 năm ngoái, Toshiba đã công bố kế hoạch chia tách thành ba đơn vị, nhằm mục đích nâng cao giá trị doanh nghiệp. Đến tháng 2/2022, Toshiba cho biết họ sẽ chia tách thành hai, song điều này không khiến tình trạng của công ty thêm phần tích cực khi giá cổ phiếu của Toshiba vẫn tiếp tục giảm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/