Toshiba bán mình với giá 15 tỷ USD
Cụ thể, trong tuyên bố ngày 23/3, HĐQT Toshiba đã phê duyệt đề nghị mua lại với giá 2.000 tỷ yên (15,3 tỷ USD) từ một nhóm doanh nghiệp do Japan Industrial Partners (JIP) đứng đầu. 17 công ty Nhật Bản và 6 tổ chức tài chính trong nước sẽ tham gia vào thương vụ này, trong đó có những cái tên như Orix Corp, Chubu Electric Powe…
Con số 2.000 tỷ yên tương ứng với 4.620 yen mỗi cổ phiếu của Toshiba, cao hơn 9,7% so với mức giá chốt phiên cổ phiếu của tượng đài công nghệ Nhật Bản hôm 23/3.
Bloomberg nhận định, động thái này có thể là dấu chấm hết cho nhiều năm bê bối dẫn đến quyết định bán mình của Toshiba – hãng điện tử đã tồn tại 148 năm của Nhật Bản.
Không riêng ban lãnh đạo Toshiba, chính phủ Nhật và các cổ đông lớn nước ngoài cũng luôn bất đồng về tương lai của chính tập đoàn này. Các nhà đầu tư muốn tìm cách tối ưu hoá lợi nhuận, trong khi chính phủ Nhật Bản ưu tiên giữ các mảng kinh doanh và công nghệ nhạy cảm khỏi bàn tay nước ngoài.
Theo đó, mảng kinh doanh điện hạt nhân của Toshiba có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc gia. Nó liên quan đến việc ngừng hoạt động nhà máy điện nguyên tử Fukushima Dai-Ichi, vốn bị phá hủy trong trận động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân năm 2011. Chính vì vậy, chính phủ khó chấp nhận việc chuyển giao quyền sở hữu cho một công ty nước ngoài.
Cũng theo Bloomberg, nếu thương vụ này diễn ra, đây sẽ là một trong những giao dịch lớn nhất châu Á năm 2023, trong bối cảnh thị trường M&A đang sụt giảm. Nó cũng là một trong những thương vụ mua lại cổ phần tư nhân lớn nhất từ trước đến nay tại Nhật Bản.
Nhà phân tích Mio Kato của hãng nghiên cứu LightStream cho biết, quyết định này là dấu hiệu tích cực vì một trong các vấn đề của Toshiba là thiếu chiến lược nhất quán do liên tục thay đổi định hướng. Tuy nhiên, Mio Kato cho rằng, còn một số việc phải làm trong việc thiết lập các động lực tăng trưởng và tối đa hoá tiềm năng một số mảng kinh doanh mới nổi của Toshiba.
Câu chuyện của Toshiba đã trở thành “phép thử” về việc quản trị doanh nghiệp ở Nhật Bản, khi nhiều nhà đầu tư nổi bật khác nhìn thấy cơ hội và mua cổ phần trong công ty. Có thể kể đến Công ty quản trị Elliott của tỷ phú Paul Singer, Oasis của Seth Fischer và các quỹ có trụ sở tại Singapore như Effissimo Capital Management, 3D Investment Partners.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới đã cân nhắc mua lại, bao gồm Bain Capital, CVC Capital Partners và KKR & Co.
Về phía Toshiba, tập đoàn này cho biết, trước khi nhu cầu về chip nhớ và ổ cứng suy giảm, nhóm doanh nghiệp trên đã đề nghị mua với giá 5.500 yen mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên sau đó, JIP đã hạ giá thầu nhiều lần do thị trường xấu đi, gặp khó khăn trong việc đảm bảo tài chính và triển vọng thu nhập của Toshiba bị cắt giảm.
Toshiba liên tiếp gặp khủng hoảng trong 8 năm qua, bắt đầu từ vụ bê bối kế toán vào năm 2015 khiến lợi nhuận bị thâm hụt, dẫn đến việc tái cơ cấu toàn bộ công ty. Sau nhiều khó khăn, Toshiba phải cho phá sản mảng điện hạt nhân tại Hoa Kỳ, bán bộ phận chip đắt giá và chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư ngoại.
Kể từ đó, ban lãnh đạo và cổ đông đã xảy ra nhiều xung đột trong việc đưa ra định hướng phát triển. Đầu năm 2022, các cổ đông phủ quyết đề xuất chia tách Toshiba của ban lãnh đạo. Sự thất bại của kế hoạch này đã thúc đẩy ban lãnh đạo tìm kiếm các lựa chọn chiến lược cho tương lai của Toshiba, bao gồm cả việc bán mình. JIP được chọn là nhà thầu ưu tiên vào tháng 10.
JIP có trụ sở tại Tokyo, được thành lập vào năm 2002 bởi Hidemi Moue. JIP nổi tiếng nhất với thương vụ thâu tóm nhà sản xuất máy tính Vaio từ Sony năm 2014.