|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Masan công bố chiến lược giành thị trường chiếm 80% chi tiêu của người tiêu dùng: Chúng tôi muốn thay đổi quy tắc của cuộc chơi

12:02 | 24/03/2023
Chia sẻ
Masan nhấn mạnh muốn thay đổi quy tắc và giành chiến thắng trong ba lĩnh vực của bán lẻ hiện đại.

Trong báo cáo mới đây của mình, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã: MSN) cho biết đang tập trung vào ba ngành hàng tiêu dùng có quy mô thị trường đáng kể mà họ tin rằng có những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng do cơ cấu kém hiệu quả và thiếu đổi mới.

Các ngành hàng này được phân khúc thành: Nhu cầu hàng ngày (FMCG), nhu cầu tài chính (tín dụng, đầu tư và dịch vụ thanh toán) và nhu cầu phong cách sống (giải trí, viễn thông, y tế và giáo dục). 

Theo dữ liệu của Masan, toàn bộ danh mục tiêu dùng này đại diện cho khoảng 80% tỷ trọng chi tiêu của người tiêu dùng.

 Bên trong một cửa hàng bán lẻ của Masan. (Ảnh: Masan Group).

Vấn đề giá cả cao, hàng hoá manh mún, khan hiếm

Với việc mua lại WinCommerce (trước là VinCommcere), chủ sở hữu và điều hành hệ thống siêu thị bao gồm 130 siêu thị WinMart và 3.268 cửa hàng WinMart+ vào cuối năm 2022, Masan Group hiện là nhà bán lẻ nhu yếu phẩm lớn nhất tại Việt Nam, xét về số lượng cửa hàng. 

Masan nhận định rằng lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam còn khá phân mảnh và hoạt động thiếu hiệu quả, khiến người tiêu dùng có ít lựa chọn hơn và chi trả nhiều hơn cho nhu cầu của mình. 

Cụ thể, kênh thương mại truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh số bán lẻ, khiến thị trường bán lẻ bị phân mảnh. Do đó, ngay cả khi là một doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại nhưng WinCommerce chỉ chiếm từ gần 2% đến 3% tổng thị trường bán lẻ. 

Masan nhận định một cuộc cách mạng về bán lẻ hiện đại đang diễn ra và sẽ bùng nổ tại Việt Nam khi tốc độ đô thị hóa đạt 50% và tầng lớp trung lưu (với mức thu nhập bình quân đầu người từ 5.000 USD) thực sự xuất hiện. Các hình thức mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% thị trường bán lẻ trong ngắn hạn và trung hạn so với mức khoảng 10% như hiện nay. 

Masan đặt mục tiêu phát triển cùng người tiêu dùng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này. Dưới đây là sơ đồ mục tiêu phát triển chuỗi hệ thống bán lẻ của Masan:

 Nguồn: Masan Group.

Dịch vụ tài chính chưa phổ biến

Cũng tại báo cáo của mình, Masan cho biết người tiêu dùng Việt Nam phải chi trả nhiều cho các sản phẩm và dịch vụ tài chính vì các dịch vụ này chưa phổ biến, đồng nghĩa với người tiêu dùng phải sử dụng các kênh tài chính phi chính thức nhiều hơn. 

Các kênh này thường có chi phí vốn cao hơn từ 3 đến 5 lần so với tín dụng chính thức. Nhu cầu lớn chưa được đáp ứng này trong Nhu cầu tài chính của người tiêu dùng là kết quả của chi phí ngân hàng quá cao đối với nhóm dân cư chủ yếu sinh sống ở khu vực nông thôn và thiếu năng lực chấm điểm tín dụng cho đại bộ phận khách hàng phổ thông. 

Do đó, trung bình cứ 3 người tiêu dùng Việt Nam thì có 2 người vẫn chưa có tài khoản ngân hàng. Tỷ lệ người có thẻ tín dụng và bảo hiểm lần lượt là 4% và 2,4% tỷ lệ thâm nhập thẻ tín dụng và bảo hiểm lần lượt là 5% và 11%. 

 Dịch vụ tài chính bên trong cửa hàng WIN. (Ảnh: Đức Huy).

Thỏa thuận đầu tư vào Trusting Social vào năm 2022 là một bước đi của Masan để đưa các dịch vụ tài chính đến với đại chúng. Trusting Social mang đến nền tảng thông tin tín dụng thông qua xử lý dữ liệu hành vi và dữ liệu tiêu dùng. Công nghệ của Trusting Social giúp các định chế tài chính gia tăng khả năng hiểu biết về khách hàng trong lĩnh vực tín dụng, từ đó cung cấp các sản phẩm tài chính dành cho người tiêu dùng. 

Sự kết hợp giữa năng lực chấm điểm tín dụng của Trusting Social, các sản phẩm tài chính và bảng cân đối kế toán của Techcombank - một công ty liên kết của tập đoàn và nền tảng phân phối offline từ WinCommerce được kỳ vọng sẽ thay đổi cách thức người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận các sản phẩm tài chính. 

Hợp tác giữa Masan và Techcombank, cụ thể là giải pháp thanh toán Tpay là bước đầu tiên trong chiến lược này.

Người tiêu dùng có thể mở tài khoản ngân hàng Techcombank trong vòng 5 phút với quy trình eKYC được kích hoạt bằng công nghệ Trusting Social khi mua sắm tại các điểm bán lẻ WinCommerce. Sau đó, người tiêu dùng có thể nhận các ưu đãi khi mua nhu yếu phẩm bằng giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt và không dùng thẻ của TPay.

Nhu cầu phong cách sống

Lĩnh vực chinh phục tiếp theo của Masan Group là nhu cầu phong cách sống, bao gồm viễn thông, giải trí, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Năm 2021, Masan mua 20% cổ phần của Phúc Long Heritage, sau đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 85% vào năm 2022. 

Phúc Long Heritage là chuỗi cửa hàng trà và cà phê hàng đầu tại Việt Nam với tệp người tiêu dùng trẻ đông đảo và trung thành. Khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage giúp Masan phục vụ nhu cầu giải trí/nghỉ ngơi của người tiêu dùng, đặc biệt là nhu cầu ăn uống ở hàng quán bên cạnh nhu cầu ăn uống tại nhà. 

Ngoài ra, Masan cũng đã tham gia vào lĩnh vực viễn thông với việc mua 70% CTCP Mobicast (Mobicast), một đơn vị khai thác mạng di động ảo, cung cấp đầy đủ dịch vụ, sở hữu thương hiệu mạng Reddi, sau đó được đổi tên thành Wintel. 

Masan nhận định dù tỷ lệ sử dụng di động ở Việt Nam khá cao, tỉ lệ thuê bao di động sử dụng gói 2G (chỉ dùng để nghe gọi thông thường) chiếm đến gần 50%. Bên cạnh đó, khoảng một nửa trong số những người sử dụng internet trên thiết bị di động chỉ chủ yếu để gọi điện hoặc nhắn tin do thiếu các dịch vụ số. 

Masan đặt mục tiêu đáp ứng các nhu cầu chưa được thỏa mãn về dịch vụ dữ liệu di động bằng cách cung cấp các gói dữ liệu và tận dụng chuỗi cửa hàng bán lẻ WinCommerce để tiếp cận người tiêu dùng trên toàn quốc. 

Masan kỳ vọng các dịch vụ của Mobicast, cùng với khả năng dữ liệu của Trusting Social sẽ góp phần giúp tập đoàn tăng tốc quá trình số hóa của mình.

Hệ sinh thái của Masan Group tính đến ngày 31/12/2022. (Nguồn: Masan Group). 

Đức Huy