|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhiều cổ phiếu giúp tài khoản chứng khoán tăng bằng lần trong tháng 5

13:26 | 03/06/2021
Chia sẻ
Trong tháng 5, nhiều cổ phiếu ngân hàng trên thị trường chứng khoán ghi nhận mức tăng ấn tượng như SSB, NVB và BVB. Thị trường UPCoM xuất hiện nhiều cổ phiếu penny tăng gấp đôi, có mã gấp 6 lần chỉ trong 1 tháng.

Kết thúc tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam đã bước lên tầm cao mới với dòng tiền chảy vào thị trường ngày càng mạnh mẽ. VN-Index tiếp tục thiết lập mức đỉnh lịch sử, đóng cửa tháng ở 1.328,05 điểm, tăng hơn 7% so với tháng trước. Tương tự, HNX-Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận mức tăng lần lượt là 12,8% và 10%.

Hiệu ứng "sell in May" lại lần nữa không còn ứng nghiệm với thị trường chứng khoán Việt Nam khi các kỷ lục về điểm số và thanh khoản liên tục bị đánh đổ. Theo dự báo của Chứng khoán SSI, xu thế dòng tiền mạnh vẫn đang tiếp diễn sẽ tác động tích cực lên các nhóm ngành và chỉ số chứng khoán trong thời gian tới.

Trong tháng thị trường giao dịch hưng phấn, không ít cổ phiếu bứt phá giúp nhà đầu tư lãi đậm, ngược lại việc ôm một số mã tuột dốc khiến tài khoản nhà đầu tư xẹp lép.

Cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán dẫn sóng

Thống kê (4 - 31/5), sàn HOSE ghi nhận 160 cổ phiếu tăng giá, 6 cổ phiếu đứng giá tham chiếu, nhưng có đến 229 mã giảm giá.

Trong nhóm 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn, cổ phiếu DTL của CTCP Đại Thiên Lộc dẫn đầu với tỷ lệ 137,71%. Mã này được hưởng lợi từ sóng cổ phiếu thép trên thị trường chứng khoán, theo ghi nhận DTL đã tăng giá gấp 2,4 lần từ đầu tháng 5, từ vùng giá 14.850 đồng lên 35.300 đồng/cp đóng cửa tháng, đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt mốc 2.000 tỷ đồng.

Quý I vừa qua, Đại Thiên Lộc này cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 1,1 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với số lỗ 95 tỷ đồng trong quý I/2020.

Bên cạnh đó, mã AGM của Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cũng ghi nhận tháng tăng giá tích cực. Đóng cửa phiên 31/5, mã này dừng tại 32.000 đồng/cp, tương ứng tỷ lệ tăng 113,33%. Từ vùng giá 10.000 - 15.000 đồng/cp trong nhiều năm, cổ phiếu AGM bất ngờ giao dịch đột biến trong một tháng trở lại đây với 11 phiên tăng trần liên tiếp từ 5/5 đến 19/5.

Giá cổ phiếu tăng phi mã trong khi có nhiều đồn đoán về việc Angimex sắp thay đổi cơ cấu cổ đông lớn. Việc dứt áo ra đi của nhóm cổ đông nắm quyền chi phối Angimex - CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim mới đây cho thấy đây không phải lời đồn mà là sự thật.

Thời gian qua, cổ phiếu ngân hàng liên tục bứt phá và trở thành trụ đỡ chính cho đà tăng của thị trường. Xuất hiện trong Top10, cổ phiếu SSB đại diện cho nhóm ngân hàng ghi nhận mức tăng giá ấn tượng đạt gần 52%. So với thời điểm mới lên sàn hồi tháng 3, mã này đã tăng 142%. Top tăng giá còn có sự xuất hiện của hai đại diện nhóm công ty chứng khoán là FTS và VDS với tỷ lệ lần lượt là 79,65% và 46,21%.

Điểm tên những cổ phiếu giúp nhà đầu tư 'ăn bằng lần' trong tháng 5 - Ảnh 1.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro.

Sau đà tăng bền bỉ và tạo đỉnh tại mức giá 76.000 đồng/cp, cổ phiếu ABS của Dịch vụ Nông nghiệp Bình Thuận đã bước vào giai đoạn phân phối trong suốt tháng qua. Chốt phiên cuối tháng 5, cổ phiếu này mất gần 32,31% giá trị, giá cổ phiếu rơi về vùng 44.000 đồng/cp.

Tương tự đối với trường hợp cổ phiếu GIL của Gilimex với tỷ lệ giảm trong 5 là 24,46%. Gần đây, Gilimex công bố kế hoạch phát hành riêng lẻ 16,8 triệu cổ phiếu với giá bán 35.000 đồng/cp, bằng nửa thị giá. Sau thông tin trên, áp lực chốt lời gia tăng càng kéo giá cổ phiếu giảm sâu.

Nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất trên HOSE trong tháng 5 còn có các cổ phiếu khác như CIG (giảm 27,78%), TS4 (24,79%), LCM (20,83%), AMD (20,71%), SAV (19,23%), ADG (18,7%) và LSS (18,64%)...

Nhiều mã vốn hóa siêu nhỏ lọt top tăng mạnh nhất trên sàn HNX

Trên sàn HNX, cổ phiếu THS của Thanh Hoa - Sông Đà dẫn đầu nhóm tăng với tỷ lệ lên tới 103,29%. Tính từ giữa tháng 4 tới nay, mã này đã tăng hết biên độ 23/26 phiên. Chốt phiên giao dịch ngày 31/5, thị giá cổ phiếu dừng tại 30.900 đồng/cp, tức tăng 103,29% sau hơn 1 tháng.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu MBS, EVS, SHS và BVS cũng giữ mức tăng tốt từ 37 - 57% nhờ giao dịch tích cực từ nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán.

Tại sàn HNX, một đại diện đến từ nhóm ngân hàng tạo sóng trong tháng 5 là cổ phiếu NVB của Ngân hàng TMCP Quốc Dân, với tỷ lệ tăng giá là 37,87%. Cùng với đà tăng giá, thanh khoản của mã này có phiên đạt tới hơn 15 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ khi niêm yết trên sàn HNX.

Điểm tên những cổ phiếu giúp nhà đầu tư 'ăn bằng lần' trong tháng 5 - Ảnh 2.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro.

Ngoài ra, một số cổ phiếu vốn hóa siêu nhỏ cũng lọt top tăng giá mạnh nhất trên HOSE như ECI (59,21%), VTH (45%), TKC (43,53%), VMS (40,22%).

Tại chiều giảm giá, cổ phiếu GDW của Cấp nước Gia Định đứng đầu khi mất đến 37,33% giá trị tháng qua. Theo đó, mã này đã có 3 phiên giảm sàn và nhiều phiên điều chỉnh khiến giá giảm từ 30.600 đồng/cp xuống còn 19.200 đồng/cp.

Một số cổ phiếu có vốn hoá nhỏ khác cũng nằm trong top 10 giảm mạnh nhất trên sàn HNX như API, DL1, SD4, KSQ, PDC, SDU, V21, KTS, PRC... với tỷ lệ giảm giá từ 20 - 30%.

Nhiều mã tăng gấp đôi trên thị trường UPCoM

Điểm tên những cổ phiếu giúp nhà đầu tư 'ăn bằng lần' trong tháng 5 - Ảnh 3.

Nguồn: Thu Thảo tổng hợp từ Fiinpro.

Trong tháng 5, nhiều cổ phiếu trên thị trường UPCoM ghi nhận mức tăng tốt trên 100% như SVG (284,69%), DRG (187,29%), IME (162,96%), HAB (138,13%), TTS (106,24%) và TBD (102,32%). 

Đáng chú ý, cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco) tăng mạnh từ 16.200 đồng/cp lên 113.600 đồng/cp chốt phiên 31/5, tuy nhiên khối lượng khớp lệnh mỗi phiên chỉ khoảng vài nghìn đến vài chục nghìn cổ phiếu.

Mặc dù giữ vị trí cuối bảng, cổ phiếu BVB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt đã có tháng giao dịch khởi sắc với tỷ lệ tăng giá lên tới 80%.

Tại chiều giảm giá, hầu hết các cổ phiếu nhóm này giao dịch với thanh khoản thấp hoặc không có giao dịch như DXD, RCC, LPT, HSI...

Thu Thảo

ĐHĐCĐ DIG: Muốn làm hai thành phố y tế - nghỉ dưỡng ở Vũng Tàu, Thanh Hóa, tham vọng ở mảng KCN, năng lượng
Sau hơn hai giờ chờ đợi thêm, ĐHĐCĐ thường niên 2024 của DIG đã đủ điều kiện tiến hành. Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn chia sẻ về tham vọng của DIG ở các lĩnh vực mới từ thành phố y tế - nghỉ dưỡng đến khu công nghiệp, điện tái tạo...