|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cổ phiếu công ty sản xuất vắc xin duy nhất trên sàn giảm 60% trong 4 phiên sau chuỗi tăng trần

08:00 | 03/06/2021
Chia sẻ
Giá cổ phiếu công ty chuyên sản xuất vắc xin tăng vọt từ dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp lên gấp 15 lần chỉ trong vòng 40 ngày. Song, cổ phiếu đã quay đầu sàn 4 phiên tiếp sau giai đoạn tăng nóng.

Cổ phiếu BIO của CTCP Vắc xin và Sinh phẩm Nha Trang (Biopharco) ghi nhận đà tăng phi mã kể từ cuối tháng 4 và lọt câu lạc bộ thị giá trên 100.000 đồng/cp từ mức dưới mệnh giá chỉ trong vòng hơn tháng.

Trước ngày 22/4, giá của BIO liên tục đi ngang mức 9.660 đồng/cp và hầu như không có giao dịch. 

Kể từ cuối tháng 4, cổ phiếu BIO bắt đầu vào đà bứt phá lên đến đỉnh 161.000 đồng/cp phiên 27/5, tức là tăng gấp hơn 15 lần chỉ trong vòng 40 ngày. Trong đó có 14 phiên trần liên tiếp, một phiên suýt chạm trần.

Tuy nhiên, giá cổ phiếu BIO đã bất ngờ giảm sàn 4 phiên liên tiếp xuống còn 82.200 đồng/cp.

Cổ phiếu công ty sản xuất vắc xin duy nhất trên sàn giảm 60% trong 4 phiên sau chuỗi tăng trần - Ảnh 1.

Giá cổ phiếu BIO trong hai tháng trở lại đây. (Nguồn: TradingView).

Giá cổ phiếu BIO tăng nóng trong bối cảnh cổ đông nắm quyền chi phối là CTCP Dược phẩm Bến Tre, công ty mẹ nắm 51%, đã thoái sạch hơn 4,36 triệu cổ phần tại đây trong hai ngày 5/5 và 6/5.

Mặt khác, cùng thời điểm Dược phẩm Bến Tre thoái vốn, các lãnh đạo của Biopharco cũng đồng loạt đăng ký mua vào cổ phiếu BIO.

Cụ thể, ngày 5/5, ông Lê Đình Phan, Chủ tịch HĐQT đã mua vào 2,73 triệu cổ phiếu cho mục đích đầu tư, nâng tỷ lệ sở hữu sau giao dịch từ 7,06% lên 39%.

Cũng thời gian này, bà Nguyễn Thị Kim Chung, Ủy viên HĐQT đã mua thêm 1,63 triệu cổ phiếu BIO, tỷ lệ sở hữu từ 15,98% lên 34,94%.

Có thể thấy, cơ cấu cổ đông tại Bipharco rất cô đặc.

Giá cổ phiếu của một công ty sản xuất vắc xin tăng trần 8 phiên liên tiếp - Ảnh 2.

Nguồn: Tổng hợp từ Biopharco.

Mới đây, ngày 27/5, Bipharco cũng đã có quyết nghị chi trả cổ tức tỷ lệ 3% tiền mặt (300 đồng/cp) với ngày đăng ký cuối cùng là 21/6. Dự kiến thanh toán vào ngày 4/8.

Theo tìm hiểu, Biopharco được thành lập từ năm 2001, sau đó đến năm 2015, đơn vị này được cổ phần hóa theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vốn điều lệ tính đến cuối năm 2020 của công ty hơn 85 tỷ đồng.

Hoạt động chính của Biopharco tập trung vào sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế, sản xuất thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và thực phẩm chức năng, sản xuất mỹ phẩm,...

Theo công bố thông tin thì thế mạnh của Biopharco là nghiên cứu và sản xuất các loại probiotics hữu ích, ứng dụng trong sản xuất các loại sản phẩm men vi sinh sống phục vụ công tác điều trị và chăm sóc sức khỏe.

Về tình hình kinh doanh, giai đoạn sau khi cổ phần hóa, kết quả doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty đã có phần khởi sắc. Năm 2016, doanh thu ghi nhận 10 tỷ đồng và lỗ 16 triệu đồng. Sang năm 2020, doanh thu đã tăng gấp 2,6 lần lên 36 tỷ đồng và lợi nhuận đã vọt lên 5 tỷ.

Giá cổ phiếu của một công ty sản xuất vắc xin tăng trần 8 phiên liên tiếp - Ảnh 3.

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính đã kiểm toán.

Năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần 35 tỷ đồng và lãi trước thuế 4,5 tỷ đồng, giảm 3% và giảm 25% so với kết quả năm 2020.

Tại ngày cuối năm 2020, tiền nhàn rỗi và tiền gửi ngân hàng dưới một năm của Bipharco gần 46 tỷ đồng, chiếm 44% trong tổng tài sản 104 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng vọt lên gần 17 tỷ đồng từ mức 3 tỷ đồng ban đầu, chủ yếu là phải thu từ các bên liên quan là CTCP Dược phẩm Bến Tre và Công ty TNHH Y Dược Cali - USA.

Ở phía nguồn vốn, nợ phải trả cuối năm chỉ ở mức 11 tỷ đồng và chiếm chưa tới 11% tổng nguồn vốn. Công ty không sử dụng nợ đi vay.

Minh Hằng