Cổ phiếu nhiều ngành vượt đỉnh khi VN-Index vẫn đang dò đáy
VN-Index tiếp tục ghi nhận một tuần giảm điểm, dù đà đi xuống đã giảm tốc đáng kể so với những tuần trước.
Chỉ số mở cửa tuần lao dốc với mức giảm gần 56 điểm nhưng những phiên sau đó đã đảo chiều hồi phục khá mạnh mẽ và gần chạm ngưỡng 1.300 điểm. Đáng tiếc là diễn biến điều chỉnh giảm gần 25 điểm trong phiên thứ Sáu cuối tuần đã khiến chỉ số đóng cửa giảm hơn 2,35% so với tuần trước đó, dừng tại 1.268,83 điểm.
Trong số 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index có tới 7 vị trị thuộc về nhóm ngân hàng. Tổng mức ảnh hưởng của nhóm này lên chỉ số sàn HOSE trong tuần là hơn 19,2 điểm, trong đó VIB và VPB là hai mã giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt 10,4% và 9,3%. Chiều tăng điểm dẫn dắt bởi VNM với mức đóng góp có phần khiêm tốn.
Việc thanh khoản tiếp tục có sự giảm sút dù mức giảm không nhiều trong tuần vừa qua cho thấy lực cầu bắt đáy vẫn khá "dè dặt" và thể hiện phần nào tâm lý chung của nhà đầu tư là thận trọng trong bối cảnh đợt bùng phát thứ tư của dịch COVID-19 tiếp tục có thêm nhiều diễn biến phức tạp.
Tuy nhiên khác với các tuần trước, bắt đầu có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các cổ phiếu trên thị trường khi nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình đi ngược lại diễn biến giảm điểm của thị trường chung cũng như nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong đó đáng chú ý là các ngành bất động sản, cảng biển,…
Loạt cổ phiếu vượt đỉnh bất chấp đà lao dốc của thị trường
Thống kê Top10 mã tăng mạnh nhất trên HOSE tuần 19 - 23/7, cổ phiếu PTL của Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) dẫn đầu với tỷ lệ 36,7%. Mã này đã có 4/5 phiên tăng trần tuần qua, đóng cửa phiên thứ Sáu tại 6.000 đồng/cp.
Đứng thứ hai trong Top tăng giá là cổ phiếu ILB của ICD Tân Cảng – Long Bình với mức tăng 18,2% trong một tuần. Cổ phiếu ngành cảng biển logistics ghi nhận 4 phiên tăng trong đó có 2 phiên tăng kịch trần. Đà tăng điểm đi kèm với thanh khoản đột biến đã đưa giá cổ ILB phiếu vượt đỉnh lịch sử và chốt phiên 23/7 tại 29.200 đồng/cp.
Tương tự, một cổ phiếu vận tải biển khác là mã TCO của Vận tải Đa phương thức Duyên Hải. Thị giá cổ phiếu đã tăng gần 16% sau 1 tuần, leo lên mốc 17.900 đồng/cp, cao nhất kể từ khi niêm yết HOSE.
Nằm trong Top cổ phiếu được nhà đầu tư ngoại 'săn đón' vài phiên trở lại đây, mã DGC của Hóa chất Đức Giang là một trong những cổ phiếu ngược dòng thị trường trong tuần qua. Mã này có tới 4/5 phiên tăng, đóng cửa phiên cuối tuần với sắc tím trần và dừng tại 92.400 đồng/cp. Đây cũng là vùng giá cao nhất của DGC kể từ khi giao dịch trên sàn.
Một trong những thông tin hỗ trợ cho đà tăng giá cổ phiếu là doanh thu và lợi nhuận quý II của công ty ghi nhận tăng trưởng bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cụ thể, doanh thu thuần quý II của Hóa chất Đức Giang tăng 29% so với cùng kỳ lên 2.038 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ các mặt hàng phốt pho vàng, axit phosphoric trích ly, phân bón,... tăng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế kỷ lục 333 tỷ đồng sau thuế, tăng 24% so với cùng kỳ.
Hai cổ phiếu GIL và VPG cũng chứng khiến xu hướng tăng giá quay trở lại trong tuần qua với mức sinh lời lần lượt là 14,2% và 14%. Ngoài ra, nhóm 10 cổ phiếu dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá sàn này còn có các mã khác như TCD, LCM, VSI và AGM.
Tại chiều giảm giá, một số cổ phiếu quay đầu giảm điểm dù tuần trước đó góp mặt trong Top tăng giá như PSH, CMV, TEG.
Đáng chú ý, trước diễn biến không mấy tích cực của cổ phiếu ngân hàng tuần qua, cổ phiếu VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam tục lọt Top giảm giá với tỷ lệ mất giá 10,4%. Bên cạnh xu hướng chung của ngành, cổ phiếu này còn chịu áp lực chốt lời lớn từ nhà đầu tư sau giai đoạn tăng nóng.
Tân binh KHG nổi sóng trên HNX
Thống kê trên sàn HNX, cổ phiếu VC9 của Xây dựng số 9 dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá với 32,4%. Bên cạnh đó, các mã có tỷ suất sinh lời trên 20% tuần qua trên sàn HNX còn có HEV, EBA, BED, KHG, QHD và HGM.
Đáng chú ý trong số này là tân binh KHG của Bất động sản Khải Hoàn Land. Cổ phiếu doanh nghiệp bất động sản có 3 phiên tăng trần trong sắc tím trước khi giảm sàn hai phiên cuối tuần. Tựu chung lại, KHG vẫn là một trong những gương mặt có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất sàn HNX tuần qua với tỷ lệ tăng 27,3%.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BTW của Cấp nước Bến Thành mất hơn 1/5 giá trị, đóng cửa tuần tại mốc 32.400 đồng/cp. Cổ phiếu VHE lần nữa lọt Top giảm giá trên HNX, giảm 13% trong tuần qua. Đà lao dốc của mã này ghi nhận từ trung tuần tháng 7 và hiện chưa có dấu hiệu dừng lại.
Những cổ phiếu khác nằm trong nhóm 10 mã giảm giá mạnh nhất sàn HNX còn có các cổ phiếu như TTT, NBC, LUT, CET, MHL, DVG, MED và TMX.
Tân binh ngành ngân hàng tăng gần 50% sau 1 tuần
Sau gần một năm giá cổ phiếu đi ngang không có thanh khoản, cổ phiếu KLM của Kim loại màu Nghệ Tĩnh bất ngờ giao dịch trở lại trên UPCoM và lọt Top tăng mạnh nhất tuần. Giá cổ phiếu tăng gấp đôi từ 9.600 đồng/cp lên 19.600 đồng/cp chỉ sau 5 phiên.
Trong tuần qua, thị trường chứng khoán cũng đón chào thêm một cổ phiếu ngân hàng đó là VAB của VietABank. Cổ phiếu VAB giao dịch trên thị trường UPCoM từ ngày 20/7 với giá tham chiếu 13.500 đồng/cp.
Ngay phiên đầu tiên, cổ phiếu VAB đã tăng trần 40% và tiếp tục tăng mạnh trong hai phiên tiếp theo. Tuy nhiên, đến cuối tuần, cổ phiếu này đã lập tức giảm kịch sàn ngay từ đầu phiên. Tổng kết sau 4 ngày giao dịch, mã ngân hàng này đã tăng 48,9%, cao nhất toàn ngành trong tuần qua.
Các mã còn lại đều ghi nhận mức tăng trên 25% như LWS, DDM, HHR, HLS, VLF, YTC, MGC, SVG.
Tại chiều giảm giá, cổ phiếu TVU của Công trình Đô thị Trà Vinh gây chú ý khi giảm 47,1% tuần qua. Trước đó, mã này từng lập đỉnh tại 20.400 đồng/cp trong phiên 8/7 trước khi trượt về vùng giá hiện tại. Cổ phiếu DXD của Đầu tư và Xây dựng - VVMI cũng giảm tới 43% chỉ trong 1 tuần sau 4/5 phiên nằm sàn.
Lọt top giảm giá còn có các cổ phiếu khác như TAW (39,5%), TNW (32,6%), DAR, VXT, BMF, SKN, CCP, VFC. Đây đều là những cổ phiếu giao dịch với thanh khoản rất thấp, khối lượng giao dịch trung bình chưa đến 1.000 đơn vị khớp lệnh.